Người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ
16:43', 27/5/ 2003 (GMT+7)

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) có trưng bày chân dung Bác Hồ do họa sĩ người Đức gốc Thụy Điển - E-rich Giô-han-xơn (1895-1979) vẽ ngày 19-9-1924 tại Mat-xcơ-va (Liên Xô). Nguồn gốc bức chân dung Bác Hồ được cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh thuyết minh như sau:

Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô hoạt động trong phong trào Quốc tế Cộng sản. Bác ở đây học tập và làm việc một thời gian dài, đi thăm nhiều nơi để tìm hiểu về chế độ xã hội Xô Viết; tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo về văn hóa, giáo dục và một số cuộc triển lãm nghệ thuật. Tháng 9-1924, tại Bảo tàng quốc gia Mat-xcơ-va có mở một cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình Đức, trưng bày hơn 500 tác phẩm điêu khắc và hội họa của 126 họa sĩ và nhà điêu khắc Đức, trong đó có nhiều tác phẩm của kỹ sư - họa sĩ Giô-han-xơn. Thấy Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng trẻ ở phương Đông chăm chú ngắm nhìn các tác phẩm của mình, Giô-han-xơn đã tới làm quen và trao đổi ý kiến. Qua chuyện trò cởi mở về quan điểm nghệ thuật và nội dung các tác phẩm, nhà cách mạng và người họa sĩ trẻ thấy có nhiều điểm tương đồng. Bác Hồ bày tỏ khâm phục trước những tác phẩm tài hoa của Giô-han-xơn. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc và Giô-han-xơn có sự đồng cảm không chỉ trên các vấn đề về quan điểm nghệ thuật mà cả những vấn đề liên quan tới thời đại, và họ trở thành đôi bạn tâm đắc. Qua người họa sĩ trẻ, Bác Hồ tranh thủ học tiếng Thụy Điển. Sau một thời gian ngắn, Bác đã nói chuyện được với Giô-han-xơn bằng tiếng mẹ đẻ của họa sĩ.

Trước khi rời Liên Xô về Đức, Giô-han-xơn đã đề nghị người bạn “tâm đồng ý hợp” cho mình được vẽ bức chân dung để kỷ niệm. Trước yêu cầu tha thiết và chân thành đó, Bác đã đồng ý. Bằng chữ Việt và chữ Hán, Bác tự tay ghi vào góc dưới bức chân dung: “Nguyễn Ái Quốc 19-9-1924”.

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ở Mat-xcơ-va, hình ảnh và phong cách nhà cách mạng trẻ phương Đông đã để lại trong lòng Giô-han-xơn những ấn tượng sâu sắc, thiện cảm. Điều đó đã thôi thúc họa sĩ ghi lại chân dung Bác Hồ. Năm 1968, Giô-han-xơn viết về Bác như sau: “Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín lớn. Người trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài, mà là bằng học thức, bằng trí tuệ của Người”.

Sau khi Giô-han-xơn qua đời (1979), cuối năm 1981, vợ ông đã phát hiện ra bức chân dung Bác Hồ. Bà lập tức đến Đại sứ quán nước ta tại Thụy Điển tặng lại kỷ vật vô giá này.

. Hoàng Hiển

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trăn trở cùng sông nước  (27/05/2003)
Sáng kiến nhỏ lợi ích lớn  (27/05/2003)
Nữ sĩ tỉnh lẻ  (27/05/2003)
Giải cơn khát nước sạch cho nông thôn Bình Định  (27/05/2003)
Nghề phục hồi chức năng lao động  (27/05/2003)
Học sinh đã lĩnh hội được một lượng kiến thức nền rất lớn cho tương lai  (27/05/2003)
Làng nón bây giờ  (27/05/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung – 2003  (27/05/2003)
Nếp nhà  (28/04/2003)
Thăm làng địa đạo Vịnh Mốc   (28/04/2003)
Chợ quê  (28/04/2003)
Đôi điều về tượng đài Trần Hưng Đạo  (28/04/2003)
Những người tô màu xanh cho phố   (28/04/2003)
Vì sao APTECH được chọn làm đối tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ở Bình Định?  (28/04/2003)
Gươm đàn nửa gánh  (28/04/2003)