|
Một cảnh trong vở “Mộng bá vương” |
Thành phố Đà Nẵng những ngày đầu tháng 5-2003 tưng bừng, rực rỡ cờ hoa đón chào 500 nghệ sĩ của 12 đoàn nghệ thuật sân khấu từ Khánh Hòa đến Thanh Hóa về tham dự Liên hoan SKCN miền Trung do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp tổ chức.
Qua Liên hoan này, các đoàn đã thể hiện sự nỗ lực phấn đấu và đổi mới trong hoạt động nghệ thuật, đánh dấu một bước phát triển của sân khấu miền Trung.
* Bức tranh toàn cảnh
Chiều ngày 5-5-2003, các nghệ sĩ của 12 đoàn đã tham gia diễu hành quanh thành phố Đà Nẵng để chào mừng khán giả, cổ vũ cho liên hoan, và bước vào khai mạc liên hoan ngay tối hôm ấy bằng vở “Mẹ” của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (đơn vị chủ nhà). Đêm 12-5, liên hoan khép lại với vở “Mộng bá vương” của NHT Đào Tấn.
12 Đơn vị sân khấu của khu vực miền Trung đã mang đến liên hoan 12 vở diễn được dàn dựng công phu, chu đáo; mang đậm dấu ấn nghệ thuật của từng đơn vị. Trong đó có 8/12 vở đề tài hiện đại, 4/12 vở đề tài lịch sử. Dù vậy, tất cả các vở diễn đều mang ý nghĩa thời đại, gắn với cuộc sống xây dựng và phát triển đất nước. Nếu như những vở diễn của Nhà hát Ca-Múa-Kịch Lam Sơn (Thanh Hóa), Đoàn Dân ca Nghệ An, Dân ca Thừa Thiên – Huế nói về tình yêu quê hương, xây dựng đất nước; thì những vở diễn của Đoàn Dân ca Khánh Hòa, Dân ca Quảng Nam phê phán sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên; góp phần gióng lên tiếng chuông cảnh báo về những vấn đề tiêu cực xã hội đang tồn tại trên đất nước ta. Các vở diễn của Đoàn Tuồng Huế, NHT Đào Tấn lên án sự tranh giành quyền lực bằng mọi thủ đoạn, qua đó ca ngợi tình yêu và lòng nhân ái, sự yêu chuộng hòa bình…
Với những đề tài như vậy, các đạo diễn đã trình bày những thủ pháp, những miếng diễn, trò diễn hay cho vở diễn của mình dàn dựng. Các nghệ sĩ cũng có nhiều đất diễn, có điều kiện phô bày khả năng diễn xuất. Điều đặc biệt là cùng một kịch bản “Vú cát” của tác giả Nguyễn Quang Vinh, đã có đến 3 đoàn dàn dựng và mang đến thi thố ở liên hoan. Các đạo diễn – NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Ngọc Bình, NSƯT Xuân Huyền đã có những phương pháp xử lý khác nhau, tạo cho liên hoan có một không khí đua tranh thật sự, bởi việc so sánh là không thể tránh khỏi khi cả 3 đơn vị: Dân ca Nghệ An, Dân ca Thừa Thiên – Huế và Kịch nói Thanh Hóa đều cùng dựng vở này. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang bằng vào tài năng và kinh nghiệm sân khấu già dặn đã thổi hồn cho vở “Người trong cát” (tên khác của vở “Vú cát”) của Kịch nói Thanh Hóa thành vở diễn hấp dẫn nhất trong liên hoan lần này. Khán giả và giới nghệ thuật sân khấu, các đơn vị tham dự liên hoan đã rất khen ngợi sự vươn lên của Đoàn Nghệ thuật Tuồng truyền thống Huế; khả năng nghệ thuật điêu luyện và biểu diễn xuất sắc của dàn diễn viên NHT Đào Tấn; tài năng và sự biểu diễn xuất thần của NSƯT Hồ Thu (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) tuy đã 40 tuổi mà đóng vai em bé 15 tuổi rất thành công.
Nhìn chung, liên hoan đã thể hiện được sức sống của sân khấu chuyên nghiệp miền Trung với những nỗ lực hoạt động của các đơn vị. Lòng yêu nghề, gắn bó với nghề; say mê rèn luyện nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ. Liên hoan cũng đã ghi nhận quá trình vươn lên của các tác giả, nghệ sĩ trẻ. Điều đáng tiếc là cũng còn vài vở diễn chỉ mang tính minh họa, kể chuyện lịch sử. Đồng thời Ban Tổ chức cũng không xếp các nhạc sĩ, tác phẩm âm nhạc (của vở diễn) vào thành phần giải thưởng; đã “bỏ qua” sự đóng góp của các nhạc sĩ.
Kết thúc liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 2 giải A, 6 giải B, 1 giải C cho các vở diễn; cùng với 20 HCV, 32 HCB, 23 bằng khen cho các cá nhân. Các nghệ sĩ sân khấu miền Trung chia tay nhau “… có nụ cười, có nước mắt; nhưng nghệ thuật là thế, bao giờ cũng đầy vinh quang và cay đắng. Hẹn gặp lại lần sau” – như lời bế mạc liên hoan của NSND Trọng Khôi – Tổng Thư ký Hội NSSK Việt Nam.
* Với 2 đơn vị SKTT Bình Định
Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định đến với liên hoan bằng vở “Đứa con tôi”. Sau khi đoàn biểu diễn, một số ý kiến (cứ sau 3 vở diễn là tổ chức hội thảo) cho rằng đây là vở diễn đã có một số đoàn dàn dựng từ lâu, song đa số ý kiến đánh giá là một vở diễn tốt, biểu diễn đúng chất Bài chòi. NSND Doãn Hoàng Giang đã phát biểu: “Nói vở cũ là vở không phù hợp với yêu cầu mới. Còn vở “Đứa con tôi” chẳng những mang tính thời sự xã hội nóng hổi mà còn đi đúng với chính sách của nhà nước về trẻ em lang thang cơ nhỡ. Đây là vở gây ấn tượng nhất trong 6 vở đã diễn trước đó tại liên hoan…”. NSƯT Hồ Thu và diễn viên trẻ Thùy Dung được đánh giá rất tốt. Với 2 HCV (Hồ Thu, Minh Hoàng); 3 HCB (Tấn Hào, Thiên Chi, Thùy Dung) và 2 bằng khen, Đoàn CKBC Bình Định xếp thứ nhì liên hoan về số HC cá nhân.
Với vở “Mộng bá vương” của NHT Đào Tấn, cũng có vài ý kiến cho rằng thuộc đề tài lịch sử Trung Quốc, nhưng đa số đều đánh giá đây là một vở diễn tốt, mang hơi thở cuộc sống đương đại. Nói như nhà nghiên cứu sân khấu – Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành: “Vở diễn phê phán quyền lực bạo chúa, ca ngợi tình yêu, ca ngợi chân lý. 3 cái chết khác nhau (Hạng Vũ, Ngu Cơ, Hàn Tín) như 3 đợt sóng dâng trào để nói lên rằng quyền lực và bạo chúa không có chỗ cho tài năng và tình yêu chân chính. Đây là bài học của muôn đời!” Tác giả Hoàng Minh Hằng cho rằng: “NHT Đào Tấn xứng đáng là một nhà hát quốc gia. Diễn viên diễn rất giỏi và đồng đều, đầy chất tuồng Bình Định, rất Đào Tấn, và cũng là điển hình cho nghệ thuật tuồng cả nước”. Sau khi xem xong vở “Mộng bá vương”, NSND Doãn Hoàng Giang cho rằng: “Về mặt biểu diễn, đây là một bữa tiệc nghệ thuật đặc biệt, rất đặc sắc!”…
Vở “Mộng bá vương” được BTC trao giải B, cùng với 4 HCV (các NSƯT Minh Ngọc, Xuân Hợi, Văn Vỹ, diễn viên Lệ Quyên), 2 HCB (Hữu Thông, Đình Trương) và 2 bằng khen, NHT Đào Tấn xếp thứ nhất liên hoan về số HC cá nhân.
. Nguyễn Gia Thiện
|