Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là phẩm chất hàng đầu của nhà báo chân chính
14:56', 24/6/ 2003 (GMT+7)

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đang trả lời phỏng vấn của các nhà báo

Kế thừa truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước ta, những người làm báo Việt Nam luôn luôn xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, góp phần cổ vũ toàn dân, toàn quân ta nêu cao ý thức tự lực tự cường, giành lại và giữ vững nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới, báo chí nước ta đã vươn lên mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí Việt Nam là một trong những lực lượng đi đầu ủng hộ các nhân tố mới, góp phần có ý nghĩa vào việc hình thành và thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh những nhà báo từng trải trong cuộc đời chiến đấu và già dặn trong nghề nghiệp vẫn tiếp tục phát huy, đội ngũ những nhà báo trẻ ngày càng đông đảo, được đào tạo có nền nếp, có kiến thức rộng, có một số đã trưởng thành, khẳng định vị trí của mình trong làng báo. Nói chung, báo chí nước ta đã giữ vững định hướng chính trị, từng bước nâng cao chất lượng; những người làm báo Việt Nam là đội ngũ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn. Đội ngũ những người làm báo Việt Nam đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau xây dựng nền báo chí Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và của Đảng.

Làm báo là một nghề, nhưng là một nghề đặc biệt, mang tính chất một hoạt động chính trị - xã hội. Mỗi tác phẩm báo chí đều trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hướng dẫn dư luận xã hội, định hướng tư tưởng và hành vi con người. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và giỏi về nghiệp vụ, chuyên môn… Để đáp ứng yêu cầu đó, mỗi người làm báo cần ý thức đầy đủ nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Trong bài phát biểu tại Hội thảo toàn quốc "Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo" ngày 27-11-1998, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói: "Người làm báo có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; biểu dương những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tốt, đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Muốn đảm đương được trọng trách đó, trước hết nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có tư duy sắc bén, có vốn sống và phương pháp khoa học, đó là những phẩm chất hàng đầu của nhà báo chân chính…Là nhà báo chân chính, phải lựa chọn, xử lý thông tin nhanh chóng, trung thực, chính xác, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của công chúng, đúng định hướng chính trị của Đảng, tác động tích cực, có hiệu quả đến tiến bộ xã hội. Đó là sức mạnh của báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí…"

Nhà báo phải am hiểu pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật cả trong cuộc sống cũng như trong hoạt động báo chí. Trên thực tế, nhiều nhà báo đã nêu gương tốt trong việc thi hành pháp luật, lấy pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các tác phẩm báo chí của mình. Nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp, mà còn phải luôn luôn tâm niệm mình phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào như Bác Hồ kính yêu từng nói. Một tác phẩm báo chí có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc đồng tình, trước hết tác phẩm đó đã đề cập đúng vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, với sự chắt lọc tư liệu trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu, với sự đầu tư trí tuệ của tác giả bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, với ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Nghĩa vụ công dân của nhà báo đòi hỏi bên cạnh việc biểu dương những người tốt, việc tốt, những nhân tố mới, phải tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội, góp phần làm cho nước thịnh, dân yên.

Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là một trong những phẩm chất hàng đầu của người làm báo, nhưng vẫn chưa đủ, nếu như không có năng lực nghề nghiệp. Năng lực nghề nghiệp của nhà báo quyết định đến việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, đúng định hướng chính trị. Độ nhạy bén của nghề nghiệp, nói chính xác hơn là độ nhạy bén chính trị của nhà báo, đòi hỏi nhà báo phải "bắt" được mạch sống chủ đạo của xã hội để phát hiện vấn đề và chọn thời điểm cũng như tìm cách thức thông tin phù hợp, có hiệu quả. Việc đấu tranh chống tiêu cực, bài trừ các tệ nạn xã hội là cần thiết; nhưng đấu tranh, phê phán như thế nào để đạt hiệu quả cao, mà vẫn giữ vững ổn định chính trị- xã hội, không làm lộ bí mật quốc gia, không gây hoang mang trong dư luận, đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi mỗi nhà báo cần nhanh nhạy, nắm bắt vấn đề, xử lý thông tin chuẩn xác bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, bằng đạo đức nghề nghiệp trong sáng và trình độ chuyên môn giỏi.

Chất lượng báo chí luôn luôn phải là mục tiêu hàng đầu của người làm báo. Chất lượng toàn diện bao gồm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, khoa học, chất lượng nghề nghiệp cần thể hiện rõ trong mỗi bài báo, mỗi ấn phẩm và chương trình báo chí, để cuối cùng đạt tới các tiêu chí: đúng, hay, đẹp và hiệu quả xã hội ngày càng cao.

Chất lượng báo chí trước hết thể hiện ở chất lượng những người làm báo. Mỗi người làm báo phấn đấu không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức mọi mặt, đặc biệt chăm lo rèn luyện đạo đức theo "Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam", hết lòng vì sự nghiệp của nhân dân với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo chân chính.

. Nguyễn Xuyến

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung - 2003  (27/05/2003)
Câu đối tôn vinh công đức Bác Hồ  (27/05/2003)
Người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ  (27/05/2003)
Trăn trở cùng sông nước  (27/05/2003)
Sáng kiến nhỏ lợi ích lớn  (27/05/2003)
Nữ sĩ tỉnh lẻ  (27/05/2003)
Giải cơn khát nước sạch cho nông thôn Bình Định  (27/05/2003)
Nghề phục hồi chức năng lao động  (27/05/2003)
Học sinh đã lĩnh hội được một lượng kiến thức nền rất lớn cho tương lai  (27/05/2003)
Làng nón bây giờ  (28/05/2003)
Nếp nhà  (28/04/2003)
Thăm làng địa đạo Vịnh Mốc   (28/04/2003)
Chợ quê  (28/04/2003)
Đôi điều về tượng đài Trần Hưng Đạo  (28/04/2003)
Những người tô màu xanh cho phố   (28/04/2003)