Chúng tôi làm báo điện tử
15:27', 24/6/ 2003 (GMT+7)

   PV Ban BĐĐT đang tác nghiệp

Đang làm báo viết, được lệnh của Ban Biên tập Báo Bình Định, chúng tôi "nhảy" sang làm báo điện tử. Phải mất gần 2 tháng vừa làm vừa học, chúng tôi mới dần quen với loại hình báo chí mới mẻ này.

"Chúng tôi" ở đây gồm 3 người: 2 phóng viên và 1 cử nhân tin học. Cuối năm 2002, sau khi đề án về báo Bình Định điện tử (BĐĐT) được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt và tiếp đó được Bộ VHTT cấp giấy phép xuất bản, Ban Biên tập Báo Bình Định đã quyết định thành lập Ban BĐĐT. Ba chúng tôi trở thành những biên chế đầu tiên của Ban BĐĐT. Ngay sau đó, bắt đầu từ đầu tháng 12-2002, chúng tôi đã bắt tay vào chuẩn bị cho sự ra đời của báo BĐĐT. Nhiệm vụ của chúng tôi là lo nội dung, hình ảnh, thiết kế các chuyên mục..., những phần "mềm" để tạo nên nội dung và diện mạo của một tờ báo điện tử. Riêng phần thiết kế website... thì đã có Công ty phát triển phần mềm VASC thực hiện theo hợp đồng.

Do việc chuẩn bị quá gấp rút nên một tuần trước khi báo BĐĐT chính thức lên mạng Internet (9 giờ ngày 1-1-2003), chúng tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Ngày 31-12-2002, ngày cuối cùng của một năm, là ngày đáng nhớ đối với chúng tôi. Theo kế hoạch, đúng ngày này, báo BĐĐT sẽ được đưa lên mạng Internet để chạy thử, nhưng do lượng người truy cập vào Internet trên phạm vi toàn cầu tăng đột biến (Tết Dương lịch) nên đã xảy ra tình trạng nghẽn mạch, báo BĐĐT không chạy thử được. Một không khí lo lắng bao trùm, vì đúng 9 giờ sáng hôm sau (1-1), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Định sẽ bấm nút khai trương báo BĐĐT. Không thể để xảy ra trục trặc ngay trong ngày khai trương, cùng với các chuyên gia thiết kế website của Công ty phát triển phần mềm VASC, suốt đêm 31-12 và rạng ngày 1-1, chúng tôi liên tục làm việc. 3 giờ sáng, báo BĐĐT đã lên mạng Internet, nhưng bị lỗi, không truy cập được. Mãi đến 8 giờ ngày 1-1, báo BĐĐT mới thật sự lên mạng Internet. Lúc đó chúng tôi mới thở phào và bắt đầu quay sang các công việc chuẩn bị cho lễ khai trương, dù chỉ còn đúng một giờ đồng hồ nữa.

Sau khi báo BĐĐT khai trương được một tuần, cử nhân tin học duy nhất của Ban BĐĐT phải khăn gói lên đường ra Hà Nội để học thêm. Còn lại 2 phóng viên, 2 người chỉ biết... bập bõm về tin học nên việc cập nhật tin, bài hàng ngày gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều lúc, chúng tôi vừa là phóng viên, vừa là biên tập viên, vừa chịu trách nhiệm soát lỗi, chuyển đổi font chữ, quét và sửa ảnh, vừa kiêm luôn phần của kỹ thuật viên, rồi lại kiêm thêm phần giao lưu và trả lời bạn đọc qua e-mail...hầu như không còn thời gian để nghỉ ngơi. Rồi những ngày khó khăn đó cũng đã qua đi, công việc dần đi vào ổn định vì chúng tôi đã bắt đầu quen việc.

Dịp Tết Quý Mùi, Ban Biên tập Báo Bình Định quyết định thực hiện các số báo BĐĐT Tết. Vậy là, cùng với nhiều đồng nghiệp khác, chúng tôi đã có một cái Tết không nghỉ. Đêm 30 Tết, lần đầu tiên chúng tôi đón giao thừa tại cơ quan để tổ chức ghi nhanh không khí đón giao thừa tại các địa phương trong tỉnh. Từ 11 giờ đêm đến gần 1 giờ sáng, điện thoại của Ban BĐĐT đổ chuông dồn dập vì phóng viên đứng chân tại các địa phương liên tục điện thoại về tường thuật không khí đón giao thừa tại các nơi (giờ đó bưu điện đã đóng cửa nên các phóng viên không fax hoặc e-mail được). Đúng 1 giờ sáng ngày mồng một Tết Quý Mùi, bài ghi nhanh và các hình ảnh về pháo hoa tại Quy Nhơn đã được đưa lên mạng. Đến gần 2 giờ sáng, cùng với đồng chí Tổng biên tập, chúng tôi mới về nhà để đón Tết cùng gia đình. Đáng mừng là loạt tin, bài về không khí Tết ở Bình Định trên báo BĐĐT đã được nhiều bạn đọc xa quê đón đọc và chia sẻ. Ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được e-mail của một bạn đọc ở bên kia nửa vòng trái đất. Bạn Kerrynguyen, đang sinh sống tại Mỹ (kerrynguyen@hotmail.Com). Đã viết: "Đọc Lắng nghe mùa xuân về, Hội chợ Gò, Quang Trung và Võ Bình Định... (tên những bài viết trên BĐĐT), tự nhiên nước mắt tôi cứ rưng rưng, muốn ra lấy vé máy bay bay về Việt Nam ngay cho đỡ nhớ. Một chút không khí Tết trên baobinhdinh.Com.vn cũng vơi đi một ít nỗi nhớ quê hương. Xin cảm ơn những người làm ra trang web này".

Thời gian đầu, dung lượng chữ cập nhật hàng ngày của báo BĐĐT chỉ dao động trong khoảng từ 5 đến 7 ngàn chữ. Về sau, do nhiều bạn đọc e-mail về góp ý nội dung của báo "hơi bị nghèo", để đáp ứng, một số chuyên mục mới đã ra đời (Văn học nghệ thuật, Về miền đất võ, Sức khỏe đời sống, Trong nước - Thế giới...) và dung lượng chữ cập nhật hàng ngày đã được nâng cao (tương ứng với việc tăng thêm số lượng tin, bài). Bắt đầu từ tháng 3-2003 trở đi, mỗi một số báo BĐĐT được cập nhật từ 15 đến 18 ngàn từ. Trong 6 tháng qua, tổng cộng chúng tôi đã đưa lên mạng trên 2.000 tin, bài, ảnh - một con số không nhỏ.

Cũng có nhiều người nghi hoặc: Báo điện tử thì ai đọc? Do đây là một loại hình báo chí mới, đối tượng đọc báo điện tử chưa có thể phát triển rộng rãi như báo in hay truyền hình, nhưng BĐĐT đã có một lượng bạn đọc cũng không phải là ít. Có nhiều bài chúng tôi cập nhật giờ trước thì ngay lập tức giờ sau đã có thông tin phản hồi. Theo thống kê, trong 6 tháng qua, đã có khoảng 1 triệu lượt bạn đọc truy cập vào website của báo Bình Định - một con số mà chính chúng tôi cũng không thể hình dung được. Và con số đó đã khẳng định một điều chắc chắn: báo BĐĐT đã và sẽ tiếp tục được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận và chia sẻ. Đó cũng là nguồn động viên rất lớn đối với chúng tôi, những người trực tiếp thực hiện báo BĐĐT.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin kể lại một kỷ niệm vui: Một bạn đọc có bài đăng trên báo BĐĐT, sau khi nhận được e-mail của chúng tôi thông báo về việc bài đã đăng trên báo BĐĐT vào ngày... tháng...; bạn đọc này liền điện thoại đến Ban BĐĐT thắc mắc tại sao không nhận được… báo biếu? Câu hỏi cắc cớ đó khiến chúng tôi giật mình rồi cùng phá lên cười: Báo điện tử thì làm sao biếu được hở trời?

. Hoàng Bảo

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là phẩm chất hàng đầu của nhà báo chân chính  (24/06/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung - 2003  (27/05/2003)
Câu đối tôn vinh công đức Bác Hồ  (27/05/2003)
Người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ  (27/05/2003)
Trăn trở cùng sông nước  (27/05/2003)
Sáng kiến nhỏ lợi ích lớn  (27/05/2003)
Nữ sĩ tỉnh lẻ  (27/05/2003)
Giải cơn khát nước sạch cho nông thôn Bình Định  (27/05/2003)
Nghề phục hồi chức năng lao động  (27/05/2003)
Học sinh đã lĩnh hội được một lượng kiến thức nền rất lớn cho tương lai  (27/05/2003)
Làng nón bây giờ  (28/05/2003)
Nếp nhà  (28/04/2003)
Thăm làng địa đạo Vịnh Mốc   (28/04/2003)
Chợ quê  (28/04/2003)
Đôi điều về tượng đài Trần Hưng Đạo  (28/04/2003)