Lung linh ngọn nến gia đình
15:0', 24/6/ 2003 (GMT+7)

Gia đình là một trong những hình thức của đời sống nhân loại, là tế bào của xã hội, là tổ ấm của mọi người. Từ chiếc nôi gia đình, con người được sinh ra, được yêu thương, chăm sóc, giáo dục; là nơi hình thành nhân cách, đạo đức và nhận thức cho mỗi cá nhân; là nơi nương tựa, động viên khích lệ, điều chỉnh hành vi… để mỗi cá nhân có thể sống hòa hợp và vươn lên trong đời sống xã hội khi trưởng thành. Gia đình là nơi lưu giữ, nuôi dưỡng những giá trị truyền thống tốt đẹp để hòa vào dòng chảy văn hóa của dân tộc với sự bảo vệ, kế thừa và phát triển liên tục từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển từ buổi bình minh của dân tộc, trải qua chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Với người Việt Nam, gia đình rất quan trọng và được xem trọng. Nhiều câu ca dao, tục ngữ về gia đình đã được kết tinh trong sự bền vững vĩnh hằng: "Người ta có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn", " Con người ta có cha có mẹ, không ai từ lỗ nẻ chui lên", "Anh em như thể tay chân", "Trên thuận dưới hòa là nhà có phúc", "Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn", "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ"… Chính vì vậy, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy rằng: "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn". Và Bác đã nhấn mạnh: "Củng cố gia đình là củng cố hạt nhân của xã hội. Gia đình tốt đẹp có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước".

Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, nền tảng gia đình Việt Nam vẫn được duy trì một cách vững chắc. Nhờ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước khuyến khích xây dựng đời sống gia đình, nhiều giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam được phát huy, những tập tục lạc hậu dần loại bỏ, giềng mối gia đình hài hòa với bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhân loại. Song cũng cần phải thấy một thực trạng là mặt trái của cơ chế thị trường cùng với những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài chưa được ngăn chặn triệt để đã hình thành xu hướng chạy theo đời sống vật chất với lối sống buông thả, thực dụng, đã và đang đặt ra những thách thức cho nền tảng gia đình và sự phát triển của xã hội. Sức mạnh của đồng tiền có nơi có lúc đã chà đạp lên đạo lý thông thường, làm cho vợ chồng không chung thủy, hiện tượng ly hôn ngày càng tăng, gây bất ổn trong cuộc sống gia đình, đẩy trẻ em rời xa tổ ấm, sống lang thang cơ nhỡ. Việc chạy theo đồng tiền cũng làm cho nhiều bậc cha mẹ thiếu quan tâm giáo dục con cái, dẫn đến vấn đề trẻ em hư hỏng, gây ra nhiều tệ nạn xã hội. Một bộ phận thanh niên sống buông thả, hưởng lạc, vi phạm pháp luật… Tất cả những hiện tượng xấu của sự bất ổn trong nền tảng gia đình tuy còn ở mức cá biệt song đã gióng lên hồi chuông báo động khẩn cấp.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn nêu cao vai trò quan trọng của gia đình với phong trào xây dựng gia đình văn hóa phát triển sâu rộng khắp mọi miền đất nước. Các phong trào "Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư"… được đẩy mạnh và đem lại hiệu quả tích cực. Những gia đình thành đạt; những gia đình biết khắc phục và vượt qua khó khăn để xây dựng tổ ấm hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan… đều được biểu dương khen thưởng. Những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, họ tộc được giữ gìn, nâng niu và bồi đắp.

Ngày 28-6-2000, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 55/CT/TƯ về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có nêu rõ: "Tổ chức ngày gia đình trong tháng hành động vì trẻ em". Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72 về ngày Gia đình Việt Nam: "Lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm (ngày Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 55/CT/TƯ- chú thích của người viết) là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc".

Năm nay là năm thứ ba cả nước chào đón ngày GĐVN 28-6. Chủ đề của ngày GĐVN năm nay là: "Xây dựng nếp sống gia đình văn hóa, chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội ngay tại gia đình và cộng đồng". Ngày GĐVN với tất cả ý nghĩa tốt đẹp của nó đã trở nên quen thuộc và được hưởng ứng tích cực bởi việc thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là mong muốn của mọi người, mọi nhà.

. Việt Hoàng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chúng tôi làm báo điện tử  (24/06/2003)
Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là phẩm chất hàng đầu của nhà báo chân chính  (24/06/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung - 2003  (27/05/2003)
Câu đối tôn vinh công đức Bác Hồ  (27/05/2003)
Người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ  (27/05/2003)
Trăn trở cùng sông nước  (27/05/2003)
Sáng kiến nhỏ lợi ích lớn  (27/05/2003)
Nữ sĩ tỉnh lẻ  (27/05/2003)
Giải cơn khát nước sạch cho nông thôn Bình Định  (27/05/2003)
Nghề phục hồi chức năng lao động  (27/05/2003)
Học sinh đã lĩnh hội được một lượng kiến thức nền rất lớn cho tương lai  (27/05/2003)
Làng nón bây giờ  (28/05/2003)
Nếp nhà  (28/04/2003)
Thăm làng địa đạo Vịnh Mốc   (28/04/2003)
Chợ quê  (28/04/2003)