Bắt chước nói cho cùng thì không phải là đức tính xấu. Bắt chước cái hay, cái đẹp, cái hoàn hảo để hoàn thiện mình thì luôn được cổ vũ khuyến khích. Nhưng khi viết báo mà bắt chước một cây bút khác, "nhái" phong cách, "sao y chang" cá tính của đồng nghiệp, thì mình sẽ tự đánh mất bản sắc của chính mình. Người viết báo mà mắc căn bệnh bắt chước thì sẽ mất đi bản lĩnh khi hạ bút phóng chữ, mất đi sự tự tin dẫn đến bị hạn chế khả năng sáng tạo. Bệnh bắt chước khi viết báo ở làng báo nước ta thường thấy biểu hiện ở các tiêu đề, tựa đề (hay còn gọi là tít) của bài báo.
Xin nói sơ qua chuyện cái tít. Có những bài báo không có gì đáng xem đáng bàn, nhưng nhờ vào một cái tít đọc lên nghe rất kêu, đập vào mắt độc giả làm sôi lên cái tính tò mò khiến cho ai cũng phải quan tâm đọc cho hết bài viết, để rồi thở phào khi biết… không có gì. Ngược lại, có những bài báo viết rất hay, công phu, cả nội dung lẫn ngôn từ đều đáng đồng tiền bát gạo, rất đáng cho công luận quan tâm chú ý, nhưng chạy một cái tít thật khiêm tốn hay khô khan thì đôi khi lại bị độc giả… bỏ qua không xem.
Đặt tít một bài báo mà bắt chước nhau càng không nên, vì sẽ sinh ra sự nhàm chán, nhiều khi lại gây "dị ứng" cho độc giả. Thí dụ, độc giả (nhất là những người thường đọc nhiều đầu báo) cứ hay bắt gặp những cái tít khuôn mẫu: "Có một… như thế!", nào là "Có một làng nghề như thế", "Có một thương binh như thế", "Có một doanh nghiệp như thế"… Nếu cứ đua nhau đặt tít giống học sinh tập làm văn đặt câu theo khuôn mẫu như thế thì người viết bài này cũng xin chạy một cái tít: "Có những cái tít báo như thế!". Những người cầm bút đặt tít theo khuôn mẫu "điền vào chỗ trống" là những người kém khả năng sáng tạo, nghèo nàn ngôn ngữ, hoặc không tự tin vào bút lực, bút pháp của mình, bằng không cũng là người lười biếng động não.
Thêm một cái "khuôn" sẵn có là: "Thổi hồn vào…": "Người thổi hồn vào đá", "Những nghệ nhân thổi hồn vào gỗ", rồi "Thổi hồn vào quạt giấy", "Thổi hồn vào thư pháp", "Thổi hồn vào thép", "Thổi hồn vào các món ăn"…
Ngoài những cái tít bài viết theo khuôn mẫu kể trên, cần phải kể thêm về tình trạng lạm dụng chữ "tặc" trong bài khi đưa tin trên báo chí nước ta. Đầu tiên là "lâm tặc" (chỉ những kẻ phá hoại rừng), rồi đến "thủy tặc" (chỉ những kẻ đánh bắt hải thủy sản bằng chất nổ, hủy hoại môi trường sông biển…), thế là đua nhau xuất hiện "bê-tông tặc" (chỉ những kẻ viết bừa sơn bậy trên tường để quảng cáo gây mất vẻ mỹ quan, từ Hán- Việt mà đi cặp với từ phiên âm tiếng Pháp thì thật là… hết ý kiến!), "đinh tặc" (chỉ những kẻ rải đinh trên đường), gần đây nhất là "nhạc tặc" (chỉ những kẻ "chôm" nhạc người khác khi sáng tác ca khúc)… Rồi đây trong làng báo nước nhà, những ai bắt chước người khác khi chạy tít cho bài báo sẽ bị gọi là "tít tặc", hay những kẻ ngồi một chỗ xào xáo những bài báo của nhiều tác giả khác để viết thành một bài tổng hợp đứng tên mình sẽ bị gọi là "báo tặc"…
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, xin mạo muội đưa ra một vài nhận định với tinh thần xây dựng, thỉnh cầu những người cầm bút viết báo đầy tâm huyết đọc xong không phải chỉ cười xòa mà hãy cùng nhau chống, diệt, ngăn chặn ngay căn bệnh bắt chước có thể làm suy yếu đến sức khỏe nội lực cũng như bộ mặt mỹ miều khang trang của một tờ báo, hay tạp chí.
. Huyền Nữ Dương Chi
|