|
Một thuyền đánh cá ở Quy Nhơn bị thu giữ |
Trong cho vay khắc phục hậu quả bão số 5-1997, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Định giải ngân cho vay 132,5 tỉ đồng. Trong đó, riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định đã giải ngân cho vay 110,671 tỉ đồng đến 558 hộ ngư dân bị thiệt hại trong cơn bão số 5, đạt 99,7% so với chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao; và đạt mức giải ngân cao nhất so với các ngân hàng thương mại trong tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề thu hồi nợ rất khó khăn.
* Vì sao đóng băng vốn vay?
Từ kết quả giải ngân cho vay của NHNN&PTNT BĐ đã kịp thời giúp bà con ngư dân trong tỉnh đóng mới khoảng 165 tàu thuyền, công suất từ 60 CV trở lên, sửa chữa 350 tàu thuyền và mua sắm nhiều ngư lưới cụ, nhanh chóng khôi phục lại hoạt động đánh bắt hải sản. Và trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh nghề đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Đến nay đã có gần 50% số hộ (trong tổng số hộ ngư dân được vay vốn để khắc phục hậu quả bão số 5), từ khó khăn đã vươn lên khá giả. Đây là thành tích rất đáng được ghi nhận!
Ngư dân Nguyễn Văn Thử - phường Hải Cảng - TP Quy Nhơn cho biết, sau bão số 5 ông được vay dự án đóng mới tàu đánh cá 350 CV, trị giá 1 tỉ đồng và đã trả nợ, lãi vay ngân hàng đúng hạn. Ông rất cám ơn nhà nước, ngân hàng đã có chủ trương đúng đắn, giúp gia đình ông và bà con ngư dân sớm khôi phục lại công việc làm ăn, ổn định đời sống sau bão số 5. Nhưng điều đáng tiếc là còn ít bà con ngư dân trong tỉnh đã vay vốn biết suy nghĩ như ông Nguyễn Văn Thử. Vì vậy, về phía NHNN&PTNT BĐ do tổng mức dư nợ cao nên kết quả là gặp nhiều khó khăn trong công tác thu nợ, lãi, từ cho vay khắc phục hậu quả bão số 5. Và tổng dư nợ đến 20-5-2003 là 87,2 tỉ đồng, gần như đã đóng băng, rất khó thu hồi.
Qua nhiều lần điều chỉnh, gia hạn, dãn nợ từ 5 lên 12 năm, đến nay vẫn còn 3,039 tỉ đồng nợ quá hạn. Và khi sử dụng nguồn vốn cho vay bão số 5, với mức thu lãi cũng chưa đủ trả phí cho ngân hàng cấp trên hoặc trả lãi huy động vốn của khách hàng, mức độ thâm thủng ngày càng tăng theo tỷ lệ thuận với thời gian tồn đọng vốn vay…
Trước tình hình đó, thời gian qua NHNN&PTNT BĐ đã kiên trì phối hợp với chính quyền địa phương để thuyết phục bà con có kế hoạch trả nợ vay ngân hàng. Hàng tháng ngân hàng sao kê lập danh sách nợ đến hạn và lãi suất, gửi về UBND các cấp, và ngành thủy sản để phối hợp thu hồi công nợ; phối hợp với bộ đội biên phòng quản lý tàu, buộc chủ tàu phải trả nợ vay ngân hàng trước khi di chuyển ngư trường… song kết quả rất thấp, ngân hàng vẫn chưa thu được nợ đúng hạn, mặc dù vẫn còn đây những lời cam kết trả nợ của bà con ngư dân trước khi vay vốn. Đặc điểm của ngư dân trong tỉnh là thường di chuyển, đánh bắt ngư trường xa, cán bộ tín dụng ngân hàng phải tìm đến khắp các bến cảng như Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng… để tìm chủ tàu thu hồi công nợ, nhưng cũng chỉ gặp được một đôi lần. Vì sau đó phần đông các chủ tàu né tránh bằng cách bán sản phẩm cho tàu dịch vụ từ ngoài khơi rồi ra biển luôn, ít khi vào bến đậu... Qua điều tra phân loại, trong tổng số 483 hộ còn dư nợ: 167 hộ vay đánh bắt đạt hiệu quả kinh tế nhưng chỉ có 113 hộ đang tiếp tục trả nợ với mức nộp luôn thấp hơn so với quy định, còn 54 hộ vay có thừa khả năng trả nợ ngân hàng nhưng chây lỳ không trả; và 316 hộ vay luôn bị thua lỗ, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, mất khả năng trả nợ vay ngân hàng. Như vậy, có thể nói gần như phần đông số hộ vay vốn NHNo&PTNT để khắc phục hậu quả bão số 5 đều chưa thực hiện trả nợ, lãi vay ngân hàng sòng phẳng như đã cam kết.
* Lệch quy định quản lý vốn
Nguyên nhân đầu tiên của những khó khăn nói trên là việc triển khai cho vay khá ồ ạt, gây tâm lý ngộ nhận trong ngư dân rằng đây là vốn nhà nước cấp để khắc phục thiệt hại bão số 5. Ngân hàng cho vay nhưng không được thẩm tra, thẩm định dự án trước khi giải ngân. Hầu hết số hộ vay khắc phục bão số 5 đóng mới tàu thuyền đánh cá công suất lớn, mức vay lớn bằng 100% giá trị con tàu nhưng chỉ thế chấp bằng chính con tàu đó, không có thế chấp các tài sản khác; cơ chế cho vay này lệch với quy định về quản lý vốn của ngân hàng là chỉ cho vay bằng 70% giá trị tài sản thế chấp. Hơn nữa, tàu đóng mới nhưng khi hạ thủy liền bị giảm giá trị từ 10 đến 20%, nhưng vốn vay 100% nên ngay thời gian đầu ổn định hoạt động đánh bắt đã có một số chủ tàu viện cớ khó khăn, dây dưa trả nợ vay ngân hàng; nhiều hộ ỷ lại, trông chờ nhà nước cho khoanh nợ, giảm nợ. Khá nhiều hộ kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ là do lần đầu tiên họ được tiếp cận với con tàu lớn, trang thiết bị hiện đại, kiến thức hạn chế nên thiếu hiểu biết về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm quản lý, chưa có kinh nghiệm trong khai thác đánh bắt ở ngư trường xa dài ngày trên biển; các phí tổn phục vụ đánh bắt cũng cao hơn, gây đội giá thành sản phẩm, kết quả sản lượng đánh bắt trong mỗi chuyến ra khơi chưa tương xứng với tàu công suất lớn; có một số tàu gặp tai nạn trên biển. Hoặc có thể chợ ế, bị hạ giá, ép giá, giảm thấp chất lượng sản phẩm gây thua lỗ, và nhiều chuyến bị lỗ liên tiếp sẽ mất dần khả năng trả nợ, lãi vay ngân hàng. Đến nay NHNN&PTNT đã tổ chức cưỡng chế, phát mãi 13 con tàu nhưng cũng chỉ thu được xấp xỉ 50% so với tổng giá trị vốn cho vay.
Bà Phan Thị Kim Cúc - Giám đốc NHNN&PTNT BĐ cho biết: "Để thu nợ lãi vay, hoặc phát mãi 1 con tàu từ vốn cho vay khắc phục bão số 5, chúng tôi phải trải qua nhiều gian nan, vất vả. Những việc như thu hồi tàu, canh giữ tàu, tìm nơi tiêu thụ tàu là vượt quá sức của ngân hàng. Từ nhiều năm qua, vốn cho vay đóng băng, nợ quá hạn ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh; ngân hàng đã áp dụng mọi biện pháp nhưng cũng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. NHNN&PTNT BĐ đã kiến nghị UBND tỉnh, NHNN&PTNT VN và Chính phủ cần có những biện pháp chỉ đạo cụ thể, tích cực hơn nữa, nhằm giúp NHNN&PTNT BĐ giảm bớt khó khăn trong việc cho vay khắc phục hậu quả bão số 5-1997.
. Quỳnh Thanh
|