Để cây mai xuân cho dày hoa, nở đúng dịp Tết, hoa đẹp, màu rực rỡ, cánh hoa thẳng và kín hơn… đòi hỏi khâu chăm sóc qua từng thời điểm sinh lý trong năm của cây mai phải phù hợp. Qua mỗi thời điểm, có mỗi phần việc chăm sóc riêng, mà phần việc nào cũng quan trọng. Nếu được chăm sóc kỹ lưỡng và hợp lý thì cây mai sẽ trĩu hoa trong ngày Tết (trừ đột biến về thời tiết như năm trước).
Thời điểm giữa năm (tháng năm, tháng sáu âm lịch) ở miền Trung bao giờ cũng nắng nóng. Việc tạo độ ẩm hợp lý để giữ cho cây mai xanh tốt trong mùa hè là điều cần thiết. Vì vậy, tưới nước đều và đủ là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn này. Thường thì vào mùa xuân, các nhà vườn chỉ tưới cho cây mai mỗi ngày một lần là đủ; nhưng sang thời điểm nắng nóng, nhiệt độ cao thì mỗi ngày phải tưới hai lần, vào sáng sớm và chiều mát. Nếu để chậu mai trên sân xi - măng thì cần tưới ướt mặt sân để tăng thêm độ ẩm, nhất là vào những ngày có gió nam khô hanh. Không nên thay đất, bón nhiều phân cho mai vào thời điểm giữa năm, mà phải thực hiện việc này từ hồi đầu năm. Nếu cây mai quá thiếu dinh dưỡng, chỉ nên bón thêm phân hóa học để tăng hàm lượng ka - li và phốt - pho (giúp cho cây tạo nhiều nụ, không rụng nụ), với liều lượng mỏng vào nửa cuối thu.
Sâu bệnh chính của cây mai trong thời điểm giữa năm chủ yếu là rầy bông (rệp trắng) bám ở nách lá, nách cành non; lưu ý khi có rầy bông là có sự xuất hiện của kiến, chúng sống cộng sinh. Rầy bông hút nhựa cây mai (có thể làm khô cành, lao chi), kiến có công tha rầy bông đến hút nhựa mai, sau đó kiến hưởng lại chất bài tiết của rầy bông. Cách diệt rầy bông là dùng bàn chải cũ cọ sạch cành và nách lá có rầy, dùng vòi nước rửa kỹ rồi phun thuốc diệt rầy (có nhiều loại thuốc, bán rất phổ biến). Rầy lửa và sương muối làm cho đọt mai non cong khum, bóp gãy giòn. Rầy lửa nhỏ và vàng như hạt cám, chúng thường ẩn nấp phía mặt dưới của lá, khó phát hiện. Nên thường xuyên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây theo định kỳ mỗi tháng một lần. Buổi sáng sớm phun nước đều trên lá để rửa sạch sương muối. Một công việc nữa cũng không kém phần quan trọng là chăm sóc lại dáng thế, để đến Tết có được cây mai "bài bản", chứ không phải là mai đào (dáng như cành đào). Chỉ nên cắt cành một lần cuối trong năm, vào khoảng đầu tháng năm âm lịch, đối với những cành quá dài ở nửa trên thân cây, đồng thời cắt bỏ những tược non mọc ở những vị trí không cần thiết, làm ảnh hưởng dáng thế.
Đây là những kinh nghiệm cá nhân của người viết bài này trong quá trình chơi và chăm sóc mai xuân, cộng với những kinh nghiệm và kiến thức của những người chơi mai lão thành ở Bình Định. Chúng tôi muốn trao đổi với những người mới bắt đầu trồng và chăm sóc mai xuân, để cùng góp sức cho một mùa xuân Bình Định rực sắc mai vàng.
. Ngọc Diên
|