Ghi chép ở trường Mầm non Hoa Hồng
15:11', 24/6/ 2003 (GMT+7)

Trường Mầm non bán công (MNBC) Hoa Hồng là một trong những địa chỉ từ lâu đã được các phụ huynh ở Quy Nhơn tín nhiệm. Sau khi được tỉnh chọn thí điểm chuyển sang mô hình bán công, mức học phí đã tăng lên gấp đôi nhưng số lượng học sinh của trường chẳng những đã không giảm mà ngược lại còn tăng thêm. Đến thăm và quan sát hoạt động của trường, tôi hiểu vì sao "tiếng lành" về trường Hoa Hồng đã "đồn xa"...

* Từ chuyện ăn uống...

Một ngày làm việc ở trường MNBC Hoa Hồng bắt đầu rất sớm - từ 4 giờ sáng. Chị Tô Thị Phương Trâm - Tổ trưởng tổ nuôi của trường cho biết: "Tổ nuôi của trường chỉ có 4 chị em nên một phần công việc phải được chuẩn bị sẵn từ chiều hôm trước để sáng hôm sau, mình đến là bếp có thể đỏ lửa ngay. Nếu không chuẩn bị như vậy, công việc sẽ rất cập rập. Chuông đồng hồ báo 7 giờ là toàn bộ bữa sáng của các cháu cũng đã sẵn sàng tại cửa ra vào lớp học. Ngày nào cũng như ngày nào, đúng giờ là các cháu vào bữa, thức ăn phải nóng sốt, nhà bếp không được phép chậm muộn".

Khác với những năm trước, hiện nay, yêu cầu của phụ huynh đã khắt khe hơn. Các bậc phụ huynh quan tâm đến từng chi tiết, từ chuyện ăn uống đến chuyện vui chơi. Trước khi gởi con cho nhà trường, bao giờ các vị phụ huynh cũng tìm hiểu thật kỹ công tác tổ chức bếp ăn, sân chơi. Chị Hồng - một phụ huynh đang gởi con ở lớp Chồi của trường MNBC Hoa Hồng cho biết: "Ông bà mình thường nói - Có thực mới vực được đạo. Thể trạng tương lai của các cháu phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này rất nhiều, nên trước khi gởi con tôi đã thăm dò bạn bè, người quen về cách thức chăm sóc trẻ ở trường, sau đó đích thân tôi đến tham quan nhà bếp. Hài lòng rồi mới xin nhập học cho con mình".

Không phải trường mầm non nào cũng có một bảng thực đơn phong phú như trường MNBC Hoa Hồng. Ở đây mỗi ngày các cháu ăn 4 bữa (sáng, trưa, xế và chiều) mỗi bữa có một thực đơn riêng và trong tuần không có chuyện món chính bị lặp lại. Thực đơn của cháu còn được thay đổi theo mùa. Chị Tô Thị Phương Trâm cho biết: "Cuối tuần tổ nuôi và kế toán nhà trường lại cùng nhau họp để kiểm điểm tình hình phục vụ ăn uống cho các cháu, xem thử có món nào không phù hợp khẩu vị, món nào bị các cháu để thừa nhiều, phải nắm thật chi tiết để còn thiết kế thực đơn tuần sau cho hợp lý".

* Đến chuyện dạy dỗ

Ở trường MNBC Hoa Hồng giờ chơi và giờ học được đan xen một cách linh hoạt tùy từng thời điểm trong ngày. Phương pháp này kích thích khả năng sáng tạo, khiến trẻ năng động hơn. Quá trình hình thành nhân cách, năng lực tiếp nhận tri thức và tham gia sinh hoạt cộng đồng của trẻ khi lớn lên phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn ở trường mầm non. Nếu không được chăm sóc chu đáo, nhiều tố chất quan trọng trong tư duy của trẻ sẽ bị bỏ quên, không được đánh thức, trẻ sẽ bị thiệt thòi rất nhiều về mặt trí tuệ so với bạn bè xung quanh. Chị Huỳnh Thị Kim Hoa - giáo viên (GV) lớp Chồi, người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ cá biệt cho biết: "Một lớp 25 - 30 cháu thường sẽ có một - hai cháu rơi vào tình trạng thụ động, nhút nhát và ít giao tiếp với bạn bè. Những cháu bé ấy sẽ được GV quan tâm chăm sóc riêng, vì nếu không sự thụ động ấy dễ gây ra những "vết sẹo tâm hồn", làm thui chột một số khả năng của cháu bé. Việc giúp cháu trở nên năng động hơn có ảnh hưởng rất lớn đến giai đoạn phát triển kế tiếp của cháu bé, vì ngay sau giai đoạn mầm non chỉ mười lăm, hai mươi tháng sau trẻ sẽ vào học lớp 1. Nếu để đến lúc này mới sửa chữa thì công việc sẽ vô cùng khó khăn".

Bên cạnh việc dạy dỗ cho các cháu những kỹ năng thông thường, các cô giáo ở trường MNBC Hoa Hồng còn chăm sóc chu đáo đến những khía cạnh tinh tế trong sinh hoạt, đời sống tâm hồn của trẻ; hướng dẫn trẻ tham gia những hoạt động có tính sáng tạo. Hoạt động tạo hình (nặn sáp, xé giấy, vẽ theo chủ đề, tự do. ..) là một ví dụ. Tham gia hoạt động này trẻ có nhiều cơ hội hoàn thiện tư duy nhận biết, chọn lựa, đánh giá... ở mức độ đơn giản. Những hoạt động sáng tạo như vậy tác động dây chuyền, gây được ảnh hưởng tích cực lên các lĩnh vực khác, giúp trẻ phát triển toàn diện. Chị Đỗ Thị Ngọc Hạnh - GV lớp Lá cho biết: "Chúng tôi khuyến khích trẻ quan sát và nói lên những nhận xét riêng của mình. Việc kích thích khám phá, đưa ra những nhận xét riêng giúp trẻ phát huy tốt cá tính sáng tạo. Ví dụ: sau một lần quan sát cây bàng ở trước lớp, trong giờ vẽ tự do có cháu đã vẽ một cái cây lá thật to và tô màu đỏ. Khi được hỏi vì sao lá cây thường có màu xanh sao lá của cháu lại có màu đỏ, cháu bé đã trả lời: đó là cây bàng mùa đông trước cửa lớp mình. Quả thật việc quan sát thực tế với sự hướng dẫn khéo léo của GV đã đem lại nhiều kết quả bất ngờ". Trong các hoạt động mang tính sáng tạo, các cô giáo ở trường MNBC Hoa Hồng thường không can thiệp hoặc gây tác động làm thay đổi hướng suy nghĩ của các cháu. Từ những giờ học như vậy, một số cháu đã bộc lộ khả năng tư duy, thiên hướng sáng tạo rất độc đáo. Nhiều cháu biết diễn đạt, trình bày ý tưởng của mình cho các bạn cùng lứa chia sẻ, thậm chí trong một số trường hợp còn hướng dẫn bạn bè làm theo.

* Một chút tâm sự của những "bà mẹ ở trường"

Chị Phạm Thị Thiện - Hiệu phó phụ trách trường Mầm non bán công Hoa Hồng (trường MNBC Hoa Hồng) cho biết: "Trước đây lương của các cô do ngân sách cấp. Số lượng trẻ nhập học nhiều hay ít không tác động đến mức lương nói riêng và thu nhập nói chung. Khi hoạt động trong môi trường mới, lương - nguồn thu nhập chính của các cô được xây dựng trên cơ sở số học phí thu được. Số lượng trẻ nhập học trở thành điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến thu nhập của các cô. Vì thế tự mỗi người đều phải phấn đấu nhiều hơn". Trường MNBC Hoa Hồng đã chuyển sang hoạt động với mô hình bán công đã gần một năm, và việc chuyển đổi đã gây nên một số hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên bên cạnh niềm vui nhiều GV vẫn còn không ít băn khoăn.

* Trường MNBC Hoa Hồng đang nhận chăm sóc, giáo dục 296 cháu từ 14 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi.

* Mức học phí của trường: từ 30.000 đồng/tháng/cháu (2001-2002) tăng lên 65.000đồng/tháng/cháu đến 70.000 đồng/tháng/cháu (2002-2003)

* Trường có 23 cán bộ GV, trong đó có 18 người thuộc biên chế nhà nước.

* Trường có 2 sân chơi rộng rãi, khuôn viên được trồng nhiều cây xanh, được trang bị một số dụng cụ, trò chơi.

Một GV tâm sự: "Trường MNBC Hoa Hồng là trường thí điểm chuyển sang bán công. Nguồn thu của trường chủ yếu lấy từ học phí, dùng để cân đối trả lương chính đã vất vả lắm mới không lâm vào tình cảnh thiếu trước hụt sau, nên các khoản chi dạy thêm, dạy thay chưa được tính đến. Trước đây, thời gian nghỉ hè, GV vẫn được ngân sách trả lương. Nay tiền lương phụ thuộc vào học phí, mùa hè không dạy nên lương buộc phải trích từ nguồn tích lũy của nhà trường. Với khả năng thu chỉ vừa đủ để chi nên cũng chưa biết sự thể sẽ như thế nào?" Một nỗi lo khác cũng đang là bức xúc của nhiều cô giáo, đó là chuyện tuổi tác. Đối với hệ mầm non, trên 45 được xem là lớn tuổi. GV ở độ tuổi này thường không còn sức khỏe để chăm sóc cháu. Mặt khác, với phương pháp dạy học linh hoạt chuẩn bị được áp dụng đại trà số, GV này lại càng không thích hợp. Vấn đề này không phải đến giờ mới có, nhưng với việc bán công hóa, sức ép lên số GV này càng nặng nề hơn. Đào tạo lại, bổ sung nghiệp vụ và bố trí công tác mới, hoặc cho phép số GV này được nghỉ hưu sớm… là những đề xuất được nêu ra từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Một số cán bộ quản lý giáo dục vẫn cho rằng - Mầm non tư thục sống được thì mầm non bán công cũng sẽ sống được! Về hình thức thì không sai. Nhưng xét về bản chất thì không hẳn là như vậy. Mức lương của GV tư thục do hai bên thỏa thuận, còn lương của GV bán công được tính theo hệ số, theo thâm niên. Hầu hết GV của các trường bán công đều có thâm niên ít ra là 7 - 10 năm, mức chi lương cao buộc học phí tăng theo. Lương thì cứ đến niên hạn là tăng nhưng học phí thì không thể cứ tăng lên mãi như thế. Khi có chủ trương chuyển sang bán công, ngân sách nhà nước đảm bảo sẽ bù phần thiếu hụt, trên nguyên tắc là vậy, nhưng chỉ riêng việc truy lĩnh tiền lương chênh lệch theo mức lương mới các cô đã phải chờ đến 2 - 3 tháng… Thiết nghĩ đã đến lúc các nhà quản lý nên xem xét lại những vấn đề này một cách thấu đáo hơn.

. Bá Phùng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chăm sóc mai xuân vào thời điểm giữa năm  (24/06/2003)
Quả đắng từ cho vay khắc phục hậu quả bão số 5  (24/06/2003)
Về căn bệnh "bắt chước" khi viết báo  (24/06/2003)
Lung linh ngọn nến gia đình  (24/06/2003)
Chúng tôi làm báo điện tử  (24/06/2003)
Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là phẩm chất hàng đầu của nhà báo chân chính  (24/06/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung - 2003  (27/05/2003)
Câu đối tôn vinh công đức Bác Hồ  (27/05/2003)
Người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ  (27/05/2003)
Trăn trở cùng sông nước  (27/05/2003)
Sáng kiến nhỏ lợi ích lớn  (27/05/2003)
Nữ sĩ tỉnh lẻ  (27/05/2003)
Giải cơn khát nước sạch cho nông thôn Bình Định  (27/05/2003)
Nghề phục hồi chức năng lao động  (27/05/2003)
Học sinh đã lĩnh hội được một lượng kiến thức nền rất lớn cho tương lai  (27/05/2003)