Tạp ghi:
Tản mạn phố cổ Hà Nội
15:12', 24/6/ 2003 (GMT+7)

* Ngõ phố cổ…

Băm mươi sáu phố phường Hà Nội xưa có bao nhiêu con ngõ, không phải người làm địa chính hay nhà nghiên cứu Hà Nội thì sao có thể biết hết. Nhưng nếu trong kỷ niệm của ta có vài con ngõ thân quen thì ta lại có một cái nhìn riêng về ngõ Hà Nội, nhìn riêng vào cái góc khuất chìm của nó mà người làm địa chính hay nhà nghiên cứu Hà Nội chưa chắc đã nhận ra.

Ngõ Hà Nội có thể rất hẹp về diện tích nhưng lại có một không gian tình nghĩa xóm ngõ thật gần gũi, thật dễ nương tựa. Thường những con ngõ ấy khi xưa là nơi ngụ cư của những người từ một thôn làng cùng rủ nhau ra chốn kẻ chợ làm nghề và buôn bán. Bởi vậy, ngõ phố cổ là nơi lưu giữ một mảnh văn hóa làng xã giữa Hà Nội và cũng là nơi lắng chìm, biến chuyển chầm chậm trong hành trình đô thị hóa của những "người nhà quê". Sự khiêm nhường ấy khiến Hà Nội có những điểm dừng đẹp giữa những điểm nhấn.

Bây giờ càng ngày càng thấy Hà Nội đường phố, Hà Nội chợ búa là nơi của người tứ xứ. Còn người Hà Nội gốc là nhân chứng minh triết của lịch sử kinh thành. Họ nhã nhặn, kiệm lời và tế nhị: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - chẳng thanh lịch ấy cũng người Tràng An". Tiếng thơm lan từ ngõ nhỏ mà len lỏi vào đời sống. Len lỏi để khẳng định chứ không để hòa tan, để đánh mất.

Những ngõ nhỏ là những trang tiểu thuyết còn chưa được ai đó ghi lại hết. Những ngõ nhỏ là nơi ta đến ngồi chậm rãi trong chiều buông để thưởng thức một đặc sản nào đó của phố cổ. Đến với ngõ Gạch là để ăn bún riêu; vào ngõ Hàng Hương là sà vào mẹt thịt chó; ghé sang ngõ Hồng Phúc là xụp xoạp bún cá, trầm tư ngõ Tạm Thương là nhấp giọng rượu rắn và nhập vào ngõ Cấm Chỉ là nhập vào phố ẩm thực của Hà Nội với bánh cuốn, bún ốc, phở gà, xôi nóng… Sẽ trống vắng thế nào tự nhiên những ngõ phố cổ biến mất, thay vì là những đường phân cách vô hồn giữa những khu nhà vuông vức. Còn phố cổ thì còn những con ngõ phập phồng như hơi thở của người Tràng An.

* Và mùi phố cổ

Mùi phố cổ là một bản giao hưởng dành cho khứu giác, chứ không phải mùi xú uế của không gian ô nhiễm, mùi tạp nham của những chốn chen chúc đông người, mùi khó tả của những toa tàu lửa. Bản giao hưởng mùi phố cổ thật cao sang, thật quyến rũ, đã được người kinh thành làm ra từ ngàn năm qua. Một câu thơ về mùi phố cổ thật gợi thèm: "Bạn cứ đi sợ tan đi nồng nàn - mùi thuốc bắc, mùi xôi, mùi phở nóng". Các cụ Vũ Bằng, Thạch Lam đã từng tốn bao giấy mực để đắm chìm trong cái mùi của "Hà Nội băm sáu phố phường" này.

Đi ở phố cổ, chỉ cần ngửi mùi chứ chưa cần ăn, bạn đã thấy dùng dằng nơi con ngõ len lỏi, bạn sẽ chẳng muốn đưa chân khi bất chợt nhận ra mùi của một món ăn thân thuộc đã ngấm vào tâm tưởng từ ấu thơ. Có thể là mùi bún chả. Có thể là mùi phở gà thơm hương lá chanh. Có thể là mùi chè thập cẩm ngan ngát hương hoa bưởi. Có thể là mùi mỡ nóng thơm phức bay lên từ chảo rán quẩy. Có thể là mùi thanh hắc của giọt cà cuống nhỏ vào bát nước chấm bánh cuốn Thanh Trì. Có thể là mùi mắm tôm nồng đượm khi ai đó vừa vắt chanh vừa rót vào chút "quốc lủi" rồi dùng đũa đánh tơi cho ngầu bọt. Có thể… có thể… cứ thế biết bao nhiêu mùi thơm từ những đặc sản phố cổ bay lên trong nghi ngút khói, rồi hòa vào nhau ngân vang xộc vào khứu giác bản giao hưởng của văn hóa ẩm thực. Ai đã ở phố cổ, khi đi xa lại chẳng một lần nhớ cồn cào cái mùi phố cổ?

. Nguyễn Thụy Kha

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ghi chép ở trường Mầm non Hoa Hồng  (24/06/2003)
Chăm sóc mai xuân vào thời điểm giữa năm  (24/06/2003)
Quả đắng từ cho vay khắc phục hậu quả bão số 5  (24/06/2003)
Về căn bệnh "bắt chước" khi viết báo  (24/06/2003)
Lung linh ngọn nến gia đình  (24/06/2003)
Chúng tôi làm báo điện tử  (24/06/2003)
Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là phẩm chất hàng đầu của nhà báo chân chính  (24/06/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung - 2003  (27/05/2003)
Câu đối tôn vinh công đức Bác Hồ  (27/05/2003)
Người đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ  (27/05/2003)
Trăn trở cùng sông nước  (27/05/2003)
Sáng kiến nhỏ lợi ích lớn  (27/05/2003)
Nữ sĩ tỉnh lẻ  (27/05/2003)
Giải cơn khát nước sạch cho nông thôn Bình Định  (27/05/2003)
Nghề phục hồi chức năng lao động  (27/05/2003)