Nhất cao là núi Ba Vì
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Dục Tôn
Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, cách Hà Nội ngót 85 km, không thật xa, cũng không quá gần. Xe qua huyện Mê Linh là tới đất Vĩnh Phúc, vẫn là vùng châu thổ nhưng khô cằn và đang được cải tạo - "Cây xanh ngắt đất bạc màu Vĩnh Phúc" (Chế Lan Viên). Qua thị xã Vĩnh Yên một đỗi xa, du khách bỗng vấp phải một khối núi cao ngất phía trước mặt. Người xưa có câu "bình địa ba đào" (đất bằng mà sóng dậy), ở đây thì đất bằng lại có …đảo! Tam Đảo là ba hòn "đảo" giữa mây trời đất đai khoáng đạt và đều cao gần hoặc bằng 1.400 mét, tên là Bàn Thạch, Thiên Nhị và Phù Nghĩa. Trời mới vừa xẩm tối, từ dưới bằng nhìn lên chót vót đỉnh thấy tháp ăng-ten truyền hình, chỉ thấp hơn một chút có những đóm sáng tựa ánh sao, đó là thị trấn Tam Đảo. Thị trấn nằm giữa bốn bề rừng núi, từ chân dốc theo con đường vòng vèo lên đến đó mất hàng chục cây số, qua những rừng thông đại thụ có tuổi từ vài ba mươi đến năm sáu mươi năm, và những cánh rừng nguyên sinh của vườn quốc gia Tam Đảo. Thị trấn Tam Đảo nằm ở độ cao một nghìn mét, tầng cao tầng thấp như Đà Lạt với thông ngàn, rừng rú, cách xa cư dân bản địa và toàn là những nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng. Dân đến đây làm ăn ngoài người ở Vĩnh Phúc, còn từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Khách vào khách sạn ở đây, quen tay tìm mở máy… điều hòa không khí thì quả là ngờ nghệch. Từ Hà Nội và các thành phố oi bức, bụi bặm vùng châu thổ sông Hồng lên chơi Tam Đảo là trở về với bản thể tự nhiên, với khí trời trong lành, mát mẻ. Khi xe lên đến nửa dốc đã có thể tắt máy điều hòa, mở thoáng cửa xe để được tận hưởng sự hiền dịu của tự nhiên. Chủ khách sạn ở Tam Đảo không ai dại gì bắc máy điều hòa, bởi ngày đêm, gió luôn rong ruổi mang theo hơi rừng mát rượi.
Tam Đảo từ xưa đã được biết đến như chốn non thiêng, nơi bồng lai tiên cảnh. Đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã "thính mũi" mò lên tận nơi đây xây dựng tới 150 biệt thự để hưởng thụ, trong khi dân chúng Việt Nam đang rên xiết trong cảnh lầm than nô lệ. Những năm dài chiến tranh, Tam Đảo hầu như không thể phát triển, chỉ có ít nhà nghỉ thỉnh thoảng đón các vị lãnh đạo cao cấp về dưỡng sức sau những ngày tháng dài làm việc căng thẳng. Từ thời đổi mới, Tam Đảo trở nên rộng thoáng hẳn. Các nhà hàng, khách sạn cao tầng mọc lên như nấm để đón khách. Trong những ngày hè, nếu chậm chân, khách sẽ không tìm được chỗ nghỉ.
Nhà thơ Tố Hữu viết "Nước non ngàn dặm" trong những ngày nghỉ tại Tam Đảo, sau một chuyến đi dài vào miền Nam sau hiệp định Paris 1973, Đoạn cuối bài thơ có câu:
Bàng hoàng như giữa chiêm bao
Trắng mây Tam Đảo tuôn vào Trường Sơn
Dốc quanh sườn núi mưa trơn
Tưởng miền Nam đó chập chờn hôm mai.
Mây Tam Đảo vần vũ, trôi nhanh. Tam Đảo có dáng dấp của Đà Lạt ở rừng thông, biệt thự, với hoa hiên vàng, hoa cẩm tú cầu tím, trắng, hoa bìm bìm tím rịm cùng nhiều loài thực vật ưa khí hậu mát; lại có dáng dấp của Trường Sơn nhiều nắng, nhiều mây, có thác Bạc cao, có rừng rậm. Đến với Tam Đảo là để nghỉ mát và khám phá thiên nhiên kỳ diệu.
. Cao Chư
|