|
Nghệ sĩ Lệ Quyên |
Cô con gái của đất Nhơn Khánh về làm học trò làng tuồng Nhơn Hòa (An Nhơn, Bình Định) ngay từ lúc còn tấm bé. Gương mặt khả ái, "ăn" sân khấu và giọng hát ngọt ngào của cô bé tiềm ẩn một tài năng đầy hứa hẹn ở tương lai. Nghệ nhân Hồng Thu cùng chồng là đệ nhất danh ca Hoàng Chinh - lúc ấy vừa mở trường dạy nghề hát, vừa là bầu gánh đã chấm ngay cô bé ấy làm đệ tử ruột và ra sức tài bồi. Bên cạnh đó còn có các nghệ nhân Thu An, Khánh Dư, Lệ Siềng… đều là những danh ca của đất tuồng An Nhơn - cũng rất yêu mến Lệ Quyên và sẵn lòng truyền nghề cho người mà họ tin tưởng sẽ kế tục xứng đáng thế hệ của họ.
Sự ưu ái của các nghệ sĩ bậc thầy ở An Nhơn kết hợp với khả năng thiên phú cùng tấm lòng say mê nghệ thuật và quá trình rèn luyện công phu đã làm nên một cô đào thanh sắc vẹn toàn. Lệ Quyên trở thành đào chính của đoàn tuồng An Nhơn khi chưa đến tuổi 20. Rồi "sư phụ" và "sư mẫu" Hoàng Chinh - Hồng Thu cũng đã chấm cô học trò ruột của mình làm con dâu. Chồng của Lệ Quyên là nghệ sĩ Hoàng Việt, trước đây là diễn viên múa của đoàn ca múa nhạc Chim Yến. Sau khi đoàn Chim Yến chuyển ra Quảng Ngãi, Hoàng Việt trở thành diễn viên của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Hiện nay anh công tác ở Nhà Văn hóa Quy Nhơn và là một biên đạo múa sáng giá ở tỉnh nhà, tham gia dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ quần chúng có chất lượng.
Năm 1986, đang hoạt động ở phong trào tuồng không chuyên, Lệ Quyên được mời về NHT Đào Tấn. Ở môi trường chuyên nghiệp với hoạt động nghệ thuật bài bản, qui mô, có định hướng rõ nét; được sự giúp đỡ của các bậc đàn chị như các NSƯT Hòa Bình, Phương Thảo… "chất không chuyên" ở Lệ Quyên dần được lột bỏ, giọng hát của Lệ Quyên được tôn lên rất nhiều bởi có sự kết hợp hài hòa cùng nghệ thuật biểu diễn. Từ chỗ chỉ được phân đóng vai đào chính ở một số vở tuồng đề tài tiểu thuyết, Lệ Quyên đã vươn đến các vai diễn quan trọng hơn ở các vở tuồng cổ mẫu mực và một số vở diễn được dàn dựng công phu, như vai Kỷ Lan Anh (vở Hộ sinh đàn), công chúa Trại Ba (Ngũ hổ), Bàng Quí Phi (Xử án Bàng Quý Phi), Mai Hương (Nỗi oan tình), Vương Thiên Kim (Vương Thiên Kim tế chồng)… Tuy nhiên, thế mạnh chủ yếu của Lệ Quyên vẫn chính là ở sắc đẹp cùng giọng hát độc đáo, mang đến cho khán giả một ấn tượng đậm nét. Lệ Quyên là một trong số những diễn viên của NHT Đào Tấn được khán giả khen thưởng nhiều nhất. Một số nơi khi ký hợp đồng biểu diễn với nhà hát còn kèm theo yêu cầu là phải có Lệ Quyên!
Chất giọng mượt mà, đằm thắm, đậm chất biểu cảm của Lệ Quyên không chỉ là thiên phú mà còn ở sự khổ công rèn luyện mới có được một kỹ thuật hát khá điêu luyện và điệu nghệ với cách luyến láy, ém hơi, nhả chữ để khán giả được nghe như "tiếng ngọc rót vào tai". Giọng hát làm mê đắm lòng người đã đem lại cho Lệ Quyên chiếc HCV đầu tiên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, tại Hội thi tiếng hát hay Tuồng - Chèo toàn quốc năm 1992. Với vai Vương Thiên Kim, Lệ Quyên đoạt HCB tại Hội thi trích đoạn Tuồng hay toàn quốc 1993. Lặng lẽ tìm tòi, sáng tạo, âm thầm trau chuốt giọng hát và luôn lao động nghệ thuật nghiêm túc, không hề từ chối, so đo bất kỳ một vai diễn nào do nhà hát giao, 11 năm sau khi đoạt chiếc HCV đầu tiên, Lệ Quyên đã đạt đến một đỉnh cao mới với chiếc HCV qua vai Ngu Cơ trong vở "Mộng bá vương" tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp khu vực miền Trung vào đầu tháng 5-2003 này.
Hy vọng rằng với quá trình phấn đấu liên tục, với sự cống hiến hết mình cho sân khấu tuồng, Lệ Quyên sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật.
. Thúy Vi
|