Ngôi sao sáng của sân khấu Tuồng
15:21', 24/6/ 2003 (GMT+7)

NSƯT Ngọc Cầm

Đó là NSƯT Ngọc Cầm (Võ Thị Ngọc Cầm). Bà sinh năm 1927 tại xã Phước An (Tuy Phước, Bình Định), xuất thân từ một gia đình nghệ thuật nổi tiếng với nhiều nghệ sĩ xuất sắc. Cha của bà là cụ Chánh ca Đựng; chú ruột là Chánh ca Nhì là học trò của Đào Tấn, đều dốc sức truyền nghề cho Ngọc Cầm. Sau này Ngọc Cầm còn được người anh ruột là Phó ca Thơm (bầu Thơm) chỉ dạy tận tình.

Năm 14 tuổi, Ngọc Cầm chính thức bước lên sân khấu, đóng một số vai đào phụ. Năm 16 tuổi, thanh sắc vẹn toàn, Ngọc Cầm đã làm say đắm khán giả tuồng miền Trung qua những vai đào võ: Liễu Nguyệt Tiêm, Lan Anh, Trại Ba… Lúc này (khoảng trước năm 1945) sân khấu tuồng Bình Định có cặp đào Hồng Thu, Minh Đức rất nổi tiếng. Ngọc Cầm muốn chọn cho mình một con đường riêng để khỏi phải đứng sau lưng hai bậc đàn chị ấy. Thấy thể hình của mình phù hợp với vai kép, Ngọc Cầm chuyển qua học và diễn vai kép. Trước kia trên sân khấu không có phụ nữ. Tất cả các vai đào đều do diễn viên nam đóng. Vì vậy có nhiều diễn viên nam lại nổi tiếng ở vai đào như Chánh ca Nhì, Chánh ca Đông, Tám Thanh, Thọ Chung… Lớp đào hát do diễn viên nữ đóng đầu tiên ở Bình Định là đào Dần, đào Ngọ ở Phù Cát. Lớp thứ hai là Hồng Thu, Minh Đức. Ngọc Cầm thuộc lớp thứ ba. Ngọc Cầm muốn làm ngược lại, nếu như trước đây nam đóng đào thì bây giờ nữ đóng kép. Với quyết tâm và tài năng sẵn có, Ngọc Cầm đã thành công trên con đường đi riêng của mình.

Sau này, mỗi thế hệ diễn viên tuồng Bình Định đều có vài diễn viên nữ đóng kép nhưng chưa có người nào thành công như Ngọc Cầm. Các vai kép Địch Thanh, Lộ Địch, Tiết Nhơn Quí, Lưu Sanh Ngọc, Vạn An, Phạm Công, Lục Vân Tiên… là những vai diễn thành công của Ngọc Cầm.

Mỗi lần Ngọc Cầm hóa trang lên sân khấu, người xem cảm nhận được một vai kép rất đẹp bởi chất oai phong lẫm liệt của vai kép võ, và chất thư sinh của vai kép văn được nâng cao hơn nhờ có thêm cái đẹp của khuôn mặt, của thể hình. Nhưng nói đến Ngọc Cầm mà không nhắc đến vai Lã Bố (Phụng Nghi Đình) là chưa nói hết được tài năng của bà. Có thể nói chính vai Lã Bố đã làm nên tên tuổi Ngọc Cầm. Bà đã thể hiện hoàn mỹ cái phong thái hào hùng, uy vũ của một trang dũng tướng bách chiến; cái ngạo mạn, khinh đời của một kẻ biết rõ mình có thế lực và có tài, thêm vào đó là cái chất lẳng lơ, đa tình của một chàng trai dạn dày, từng trải…

Ngọc Cầm không những diễn tốt, mà hát cũng rất hay, được xem là bậc thầy về nghệ thuật hát. Bà có một làn hơi thiên phú rất dồi dào và một kỹ thuật hát điêu luyện, nghệ thuật luyến láy, ém hơi, nhả chữ, lướt và nhấn rất độc đáo, nhất là ở những câu hát có láy vần trắc. Đó là một giọng hát rất ngọt ngào, truyền cảm, lột tả được hết cái thần của nội dung câu hát. Giới sành điệu cho rằng chất giọng Ngọc Cầm có nhụy, có hột (độ rung của thanh đới).

Trước đây Ngọc Cầm thường đóng cặp với các cô đào Hồng Thu, Thu An, rồi đến Lệ Siềng, Khánh Dư cùng một số cô đào trẻ khác. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Ngọc Cầm đã từng tham gia nhiều đoàn ở vai trò là diễn viên chính như Tấn Thành Ban, Hòa Thành Ban, đoàn Thống Nhất (Bình Định) và một số đoàn hát khác ở Quảng Nam, Đà Nẵng và ở miền Nam. Bà cũng đã đào tạo được một số diễn viên trẻ đóng kép xuất sắc như Thương Thương, Thu Sương… Trước và sau 1975 Ngọc Cầm lập gánh hát hoạt động ở Gia Lai. Sau này bà tham gia biểu diễn ở Nhà hát tuồng Đào Tấn và một số đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh Bình Định. Năm 66 tuổi bà mới nghỉ hát. Tuy vậy, thỉnh thoảng bà cũng xuất hiện trên sân khấu vào những dịp lễ hội.

NSƯT Ngọc Cầm là một ngôi sao của sân khấu tuồng Việt Nam. Khán giả tuồng suốt một dọc miền Nam đều biết tiếng bà. Tình cảm và lòng yêu chuộng mà khán giả dành cho NSƯT Ngọc Cầm rất đậm đà. Ở Bình Định và Gia Lai, mỗi lần bà đi chợ, biết mặt, mộ danh "cô Bốn" nên chị em tiểu thương, người thì bỏ vào túi xách của bà vài con cá, người bỏ miếng thịt, kẻ thì bó rau, miếng bí… Tuy vật chất không đáng là bao nhưng tấm lòng của khán giả thì đáng quí vô cùng.

Ngọc Cầm cùng các nghệ sĩ Hoàng Chinh, Tư Cá, Long Trọng được khán giả xưng tụng là "Bình Định tứ danh ca", đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. 3 nghệ sĩ kia đều đã qua đời; lớp nghệ sĩ cùng thời với bà cũng chẳng còn bao nhiêu người. Bà sống ở Gia Lai, "nhưng ở trên đó buồn quá, vì không có tuồng"- bà tâm sự như vậy- nên bà về ở Quy Nhơn để được gần gũi với sân khấu tuồng mà bà xem như là "máu thịt" của mình. Mỗi khi NHT Đào Tấn lên đèn biểu diễn là ở hàng ghế khán giả có mặt NSƯT Ngọc Cầm. Các nữ nghệ sĩ của NHT ĐT cũng đã "tranh thủ" được nhiều ngón nghề, nhất là nghệ thuật hát của bà. Ở vào tuổi 77, tuy không còn sức để biểu diễn nhưng giọng hát của bà bây giờ cũng chẳng thua kém gì cái thuở "một thời vang bóng".

. Gia Nguyễn

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Lệ Quyên - Giọng ca vàng của đất tuồng  (24/06/2003)
Vợ chồng "Nhà báo vườn"  (24/06/2003)
Vì mê cá độ bóng đá…   (24/06/2003)
Có một tộc họ khuyến học  (24/06/2003)
Lên chơi Tam Đảo  (24/06/2003)
Tản mạn phố cổ Hà Nội  (24/06/2003)
Ghi chép ở trường Mầm non Hoa Hồng  (24/06/2003)
Chăm sóc mai xuân vào thời điểm giữa năm  (24/06/2003)
Quả đắng từ cho vay khắc phục hậu quả bão số 5  (24/06/2003)
Về căn bệnh "bắt chước" khi viết báo  (24/06/2003)
Lung linh ngọn nến gia đình  (24/06/2003)
Chúng tôi làm báo điện tử  (24/06/2003)
Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là phẩm chất hàng đầu của nhà báo chân chính  (24/06/2003)
Ghi nhận từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp miền Trung - 2003  (27/05/2003)
Câu đối tôn vinh công đức Bác Hồ  (27/05/2003)