|
Một góc làng Hà Văn Trên (Vân Canh) |
Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Bình Định có 30.578 người, chủ yếu là Bana, Hrê, Chăm; định cư tập trung ở 113 làng, 22 xã thuộc các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơn. Đồng bào nơi đây có truyền thống cách mạng, một lòng theo Đảng, che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và ngày nay đang cần cù lao động xây dựng cuộc sống mới.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa VIII), trong những năm qua kinh tế miền núi Bình Định có bước tăng trưởng đáng kể, bình quân thu nhập đầu người năm 2002 là 2,5 triệu đồng/ người/ năm, tăng 60% so với năm 1990; trong đó đồng bào vùng dân tộc thiểu số là 1,5 triệu đồng/ người/ năm. Diện tích lúa nước tăng 30% so với năm 1990, năng suất đạt bình quân 40-45 tạ/ha; tăng so với năm 1990 từ 20-30 tạ/ ha. Sản xuất lương thực tại chỗ cơ bản đủ ăn; đã thay một số cây giá trị kinh tế thấp bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như đào, quế, tiêu, mía.
Chăn nuôi phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng; tổng đàn trâu bò ở 3 huyện miền núi khoảng 28 ngàn con trong đó tỉ lệ bò lai đạt 20%. Chương trình 327, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ thực hiện có hiệu quả khá, đã trồng mới 42.000 ha, giao khoán 36.550 ha rừng cho các hộ quản lý và bảo vệ; khoanh nuôi, tái sinh 27.516 ha, chăm sóc rừng trồng 7.528 ha… Nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục, phát huy như dệt thổ cẩm, thêu ren, đan lát.
Cơ sở hạ tầng miền núi được tăng cường đáng kể. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn miền núi từ năm 1991 đến 2002 là 238 tỉ đồng, trong đó vùng đồng bào dân tộc ít người là 195 tỉ đồng. Nhờ vậy đến nay tất cả các xã đều có điện, có đường cho ô tô chạy (đến trung tâm xã), có trạm xá; tất cả các trường học đều được ngói hóa, 95 số xã có sử dụng máy điện thoại. Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu vùng xa được thực hiện từ năm 1999 với tổng số vốn đã đầu tư hơn 36 tỉ đồng, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào miền núi. Ngoài nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách, tỉnh đã phân công 14 sở và 46 doanh nghiệp trên địa bàn có trách nhiệm giúp đỡ 23 xã đặc biệt khó khăn. Qua đó, các doanh nghiệp đã hỗ trợ 1.196 triệu đồng và hướng dẫn các xã nghèo cung cách làm ăn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, một số hộ vươn lên làm giàu.
Hoạt động văn hóa - xã hội có bước chuyển biến tích cực. Trẻ em trong độ tuổi đến lớp đạt 97%, đưa tỉ lệ người đi học đạt 20% dân số. Ngoài trường Phổ thông DTNT tỉnh, còn có 3 trường phổ thông DTNT huyện, 4 trường bán trú. Các xã đều có trường tiểu học đủ 5 lớp. Các xã miền núi cũng đã cơ bản hoàn thành công tác phổ cập xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách miễn học phí, các khoản đóng góp, cấp vở viết và trang bị sách giáo khoa đối với học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện chế độ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (từ năm 1990 đến 2002 đã cử tuyển được 134 em).
Các hoạt động văn hóa thông tin được tăng cường ở cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội VHTT miền núi các tỉnh được tổ chức hai năm một lần; cấp huyện mỗi năm một lần. Đã có 4.570 máy thu thanh và 330 máy thu hình được cấp không theo Chương trình phủ sóng PTTH vùng sâu, vùng xa và hải đảo của Chính phủ và 11.324 máy thu thanh bán theo chương trình trợ giá, trợ cước. Trừ 2 xã An Quang và An Nghĩa (huyện An Lão) còn lại 43/45 xã miền núi đều được phủ sóng truyền hình. Mỗi xã đều có Đài Truyền thanh, 7 loại báo, một số tạp chí và tranh ảnh chuyên đề dân tộc và miền núi được cấp không. Các loại dịch bệnh được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi. Thực hiện chủ trương củng cố y tế cơ sở, đến nay mỗi thôn, bản đều có cán bộ y tế phụ trách; các Trạm y tế xã đều được cấp đủ thuốc trị bệnh thông thường. Ba huyện miền núi có 32 bác sĩ trong đó có 6 bác sĩ về công tác tại Trạm y tế xã. Tỉnh đã thực hiện cấp thẻ miễn một phần viện phí, mua thẻ BHYT cấp cho hộ người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên đáng kể, các đối tượng chính sách được chăm sóc tốt hơn. Kết quả hộ đói không còn, tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số năm 1995 là 31% (theo chuẩn cũ) đến năm 2002 giảm xuống còn 30% (theo chuẩn mới).
Tuy nhiên, đến nay nhìn chung kinh tế vùng dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn còn phát triển chậm, chưa tương xứng với mức đầu tư của Nhà nước. Sản xuất lâm nghiệp chưa trở thành một nghề chủ yếu của miền núi. Đại bộ phận đồng bào ở rừng nhưng chưa hưởng lợi ích về rừng. Giao đất trồng rừng và khoán quản lý, bảo vệ rừng còn ít nên rừng vẫn còn bị khai thác trái phép. Kết cấu hạ tầng thủy lợi, nước sạch thiếu đồng bộ; chất lượng xây dựng, hiệu quả sử dụng, trình độ quản lý chưa tốt; định canh định cư chưa thật vững chắc. Đời sống nhân dân ở vùng dân tộc miền núi còn ở mức thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Mức độ phát triển văn hóa, y tế, giáo dục chưa cao; chưa đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí của đồng bào dân tộc. Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc và miền núi còn nhiều yếu kém; đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 7 về công tác dân tộc của Tỉnh ủy Bình Định đã nêu các mục tiêu cụ thể đến năm 2010 là:
Tập trung phát triển kinh tế, nâng cao mức sống đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, không để tái đói, phấn đấu giảm nghèo. Đến năm 2010 các vùng dân tộc thiểu số cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 10% theo tiêu chí hiện nay. Phấn đấu đạt 100% số làng có điện, trên 95% số hộ được dùng điện; 100% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; cơ bản xóa tình trạng nhà tạm; 100% số xã có đường ô tô từ huyện đến trung tâm xã thông suốt cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; ngăn chặn tình trạng phá hủy môi trường sinh thái, nâng độ che phủ rừng vùng dân tộc thiểu số từ 55% hiện nay lên 80%. Trước mắt, từ nay đến năm 2005 giải quyết cơ bản vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và 100% số hộ người có công với nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe và mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào dân tộc. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo; huy động hầu hết các em trong độ tuổi đến lớp học. Mỗi trạm y tế có ít nhất 1 bác sĩ và các thiết bị, thuốc men cần thiết để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Giảm tỷ suất sinh hàng năm 0,5 - 0,6%; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 30% năm 2010. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn và phát triển.
Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ có phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng được yêu cầu sự nghiệp đổi mới vùng dân tộc thiểu số trước mắt và lâu dài; củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao vị trí, vai trò Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ở địa phương trong việc tham gia thực hiện tốt chính sách dân tộc.
Với quyết tâm ấy, hy vọng đồng bào dân tộc thiểu số Bình Định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
. Ngọc Minh
|