Đến nay, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã xác nhận, quản lý hơn 100.000 đối tượng người có công. Những năm qua, phong trào "đền ơn đáp nghĩa" phát triển nhanh về bề rộng và chiều sâu, đều khắp ở các cấp các địa phương trên địa bàn tỉnh.
* Người có công: đời sống đã tốt hơn
|
Học sinh trường THCS số 3 Vĩnh Thạnh viếng Nghĩa trang liệt sĩ (ảnh: Long Vũ) |
Một trong những hiệu quả thấy rõ của phong trào là đã góp phần nâng cao đời sống của những người đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Trước hết là chuyện an cư. 8 năm qua (1995-2003), các cơ quan, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách, đối tượng có công. Đến đầu năm 2003, toàn tỉnh đã xây dựng được 466 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí là 5,333 tỉ đồng. Mỗi nhà tình nghĩa trị giá từ 10 đến 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, từ năm 2000, tỉnh đã thực hiện chủ trương "xóa nhà lá đơn sơ", xây dựng nhà ở kiên cố cho những gia đình chính sách với mức hỗ trợ 5 triệu đồng cho hộ chính sách và 10 triệu cho Bà mẹ VNAH. Đây là một chương trình xã hội mang lại hiệu quả tích cực. Chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với gia đình chính sách đã góp phần ổn định nơi ăn chốn ở, tích cực nâng cao đời sống của các gia đình chính sách. Chính vì lẽ đó mà nó đã được các cấp chính quyền và nhân dân hưởng ứng, triển khai thực hiện kịp thời.
Đến cuối năm 2002 đã có 5.221 ngôi nhà đơn sơ của hộ chính sách, trong đó có 94 nhà của Bà mẹ VNAH, đã được kiên cố hóa, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 27 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2003, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho 247 hộ với tổng kinh phí 1,35 tỉ đồng.
Số tiền huy động trong nhân dân để thực hiện chương trình này lên đến gần trăm tỉ đồng, bởi ngoài tiền hỗ trợ của tỉnh, thân nhân của các hộ chính sách đã đóng góp thêm vào để xây dựng ngôi nhà khang trang hơn. Dù bất cứ ở đâu, tại thành phố Quy Nhơn, Tuy Phước hay ngược lên các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh… đi đâu, cũng thấy những mái nhà của hộ chính sách giờ đã mang một diện mạo mới.
Như vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh hiện chỉ còn 80 hộ chính sách chưa được cải thiện nhà ở. Theo ông Phan Như Hải - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, sẽ cố gắng hoàn thành dứt điểm nhà ở đơn sơ của các đối tượng chính sách ngay trong năm nay.
Bằng nhiều hình thức tích cực, các cấp, các ngành, hội - đoàn thể đã giúp ổn định đời sống cho các đối tượng thương - bệnh binh và gia đình chính sách. Các cấp chính quyền đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi như: ưu tiên giao đất sản xuất nông - lâm nghiệp, hỗ trợ vốn, trang bị kiến thức làm ăn cho các gia đình chính sách phát triển kinh tế gia đình, giúp họ có việc làm phù hợp, thêm thu nhập thường xuyên ổn định. Các hộ chính sách thuộc diện đói nghèo được vay vốn từ Quỹ xóa đói giảm nghèo của tỉnh với lãi suất ưu đãi 0,3%/tháng để sản xuất kinh doanh thoát khỏi đói nghèo với mục tiêu đề ra là đến năm 2005, hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân trên cùng địa bàn.
Đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngoài trợ cấp, tỉnh còn có các chế độ ưu đãi khác. Hàng năm tỉnh đã mua bảo hiểm y tế cho gần 30.000 đối tượng với kinh phí trên 2,1 tỉ đồng. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được các cơ quan địa phương và Trung ương nhận phụng dưỡng suốt đời với mức trợ giúp 100.000- 200.000 đồng/tháng. Khi ốm đau, các mẹ đều được chính quyền địa phương và đơn vị nhận phụng dưỡng thăm hỏi, chăm sóc chu đáo. Con gia đình chính sách đều được hưởng ưu đãi trong giáo dục- đào tạo, tạo việc làm...
* Quy tập, chăm sóc mộ liệt sĩ: tình cảm và trách nhiệm
Toàn tỉnh hiện có 104 nghĩa trang liệt sĩ, 29.789 mộ liệt sĩ. Công tác quy tập, chăm sóc mộ, nghĩa trang, nhà bia ghi tên liệt sĩ đặc biệt được quan tâm. Hằng năm, Trung ương và tỉnh đều đầu tư kinh phí để xây dựng và sửa chữa, nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ với tổng vốn đầu tư 14,3 tỉ đồng, trong đó, Trung ương hỗ trợ 12,7 tỉ đồng và đã tổ chức xây mới hơn 4.300 mộ và nâng cấp xây lại gần 4.000 mộ trong các nghĩa trang liệt sĩ toàn tỉnh. Các phần mộ liệt sĩ đều được gắn bia đá. Đặc biệt, năm học 2001-2002, các bạn nhỏ đã dành hơn 125.000 ngày công tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, và đóng góp 45,8 triệu đồng giúp đỡ các gia đình chính sách gặp khó khăn. Bên cạnh đó, từ năm 1995 đến nay, toàn tỉnh đã quy tập 2.999 hài cốt liệt sĩ và trong 6 tháng đầu năm 2003, tiếp tục phát hiện một số hài cốt liệt sĩ và đang tích cực chuẩn bị để quy tập vào nghĩa trang.
* Trên đường xã hội hóa
"Qua tám năm thực hiện hai Pháp lệnh ưu đãi người có công, điều đáng mừng nhất là công tác chăm sóc người có công đã và đang được xã hội hóa. Không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đền ơn đáp nghĩa còn là tình cảm và trách nhiệm của từng người dân" - ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, khẳng định. Đến nay, đã có 293 xã, phường trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công.
Xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa là một minh chứng. Từ năm 1998 đến 2002, cấp tỉnh đã huy động 1,7 tỉ đồng; cấp huyện 1,2 tỉ đồng và cấp xã 2,5 tỉ đồng để tập trung xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách; thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng gặp khó khăn hoạn nạn, ốm đau và thăm các ngày lễ tết… Nội dung điều lệ xây dựng, quản lý Quỹ được tuyên truyền rộng trên địa bàn dân cư để mọi người hiểu và từ đó, tự nguyện tham gia. Hướng tới kỷ niệm 56 năm ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, Ban chỉ đạo Quỹ cấp tỉnh đã tổ chức đợt vận động đóng góp. Đến nay, 64 đơn vị đã đóng góp, với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng.
Đẩy mạnh xã hội hóa sẽ là hướng đi tích cực nhằm đẩy mạnh phong trào "đền ơn đáp nghĩa". Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung vào công tác quy tập, chăm sóc mộ liệt sĩ; thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; triển khai một số quy định mới; giải quyết chế độ cho đối tượng người có công còn tồn đọng…
. Lê Viết Thọ
|