|
Chăm sóc mộ phần liệt sĩ (ảnh: L.V.T) |
Bác Hai ơi, từ ngày ba con đưa bác về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Quy Nhơn, năm nào cũng vậy đến ngày 27-7 con lại đến đây nhổ cỏ, thắp nhang tưởng nhớ bác.
Mới đây, con về thăm quê. Quê mình bây giờ đổi thay nhiều lắm. Từ trên xã về đến nhà mình không còn phải đi bộ qua động cát như ngày xưa mà đã có một con đường bê tông chạy xuyên suốt đến bến xe ở giữa làng. Những ngôi nhà đúc, nhà ngói đã thay cho những mái tranh xiêu vẹo ngày nào. Điện lưới đã tỏa sáng mọi nhà, phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Thuyền chài tấp nập vào lộng ra khơi, tôm cá đầy khoang, thu nhập tăng lên, đời sống đã dễ chịu hơn nhiều.
Con cũng về thăm lại mảnh đất nhỏ năm xưa, nơi bà nội đã dựng lên một túp lều tranh nhỏ, nuôi dấu bác Tấn và bác Khéo - là hai cán bộ Huyện ủy ở quê mình. Và cũng chính trên mảnh đất nhỏ này, trong túp lều tranh xiêu vẹo đó, bác với ba con và bác Tư bị địch bắt đi ở tù; rồi chúng đày ải bác Tư ra tận biển khơi xa thẳm. Cũng chính nơi đây, nội đã đưa tiễn năm người con của nội lên đường ra trận.
Bác có còn nhớ cây keo sau hè nhà nội hồi đó, cứ chiều chiều bác Tấn và bác Khéo thường ra đây ngồi hóng mát? Bây giờ cây keo vẫn còn sừng sững, hình như nó vẫn mong nhớ, đợi chờ người cũ năm xưa. Trước mặt con là biển Tân Phụng, muôn nghìn đợt sóng nối theo nhau ồ ạt đổ vào bờ. Và sóng biển cũng kể lại cho con nghe những kỷ niệm xa xưa về mảnh đất này của một thời đạn bom, một thời hào hùng…
Chiến tranh cứ mỗi ngày trở nên khốc liệt. "Chiến tranh đặc biệt" đã chuyển sang "Chiến tranh cục bộ" rồi "Việt Nam hóa chiến tranh". Tất cả màu xanh của quê hương đã bị đạn bom Mỹ hủy diệt. Nội sinh năm người con, giờ chỉ còn một mình nội ở nhà. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu, cứ đến 2 giờ sáng là nội ngồi ăn trầu rồi ngóng trông các con.
Có lần địch tập kích vào nhà nội, gặp các chú du kích và cán bộ địa phương ở đó, địch đốt nhà, truy bắt nội và má con. Má con một đầu gánh con, một đầu gánh hành lý, không dám đi đường Mỹ Thọ- Phù Mỹ mà đi đường Mỹ Thọ - Bình Dương để vào Quy Nhơn tạm lánh một thời gian, rồi tìm cách về lại quê hương tham gia kháng chiến.
Con còn nhớ lần gặp bác vào năm 1965, khi bác về thăm nội, rồi bác lại ra đi theo tiếng gọi của non sông. Năm 1975 khi đất nước thống nhất, những người con của nội đã về đủ mặt, nhưng nội vẫn buồn vì bác đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.
Cả nhà ai cũng nhớ, cũng thương tiếc bác. Bác đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước. Bác đã sớm giác ngộ và hoạt động cách mạng từ tuổi thiếu niên. Hết bị địch bắt tra tấn tù đày, bác lại đi cầm súng chiến đấu, cả cuộc đời bác không vợ, không con, bác dành tất cả cho lý tưởng cách mạng sáng ngời.
Gia đình và dòng tộc mình rất đau xót và vô cùng căm giận kẻ thù đã cướp mất của mình một người thân; nhưng cũng rất tự hào vì đã có những người con "biết hy sinh vì nghĩa lớn, đã lấy máu mình tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng tộc, quê hương, đất nước".
. Phạm Thanh Ba
|