Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao:
Những ghi nhận đầu tiên
14:45', 23/7/ 2003 (GMT+7)

Theo thống kê của UBND tỉnh, hiện nay Bình Định có 34 tiến sĩ, 138 thạc sĩ, khoảng 15.800 người có trình độ đại học, cao đẳng. So với một vài tỉnh lân cận đây là con số khả quan, nhưng để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới tỉnh Bình Định phải đẩy nhanh hơn nữa chiến lược phát triển nhân lực. Tuy xem vấn đề phát triển đội ngũ lao động trình độ cao là khâu đột phá quan trọng để góp phần phát triển kinh tế nhưng chiến lược thu hút và đào tạo dạng lao động này vẫn còn gặp khá nhiều bức xúc.

* Thu hút nhân lực chất lượng cao - kết quả còn thấp

Trong cuộc gặp gỡ cán bộ công chức có trình độ cao được tỉnh tổ chức vào tháng 6-2003, Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ Phạm Vĩnh Khương (cán bộ đã nghỉ hưu) phát biểu: "Muốn lao động gắn bó với địa phương thì mình phải tạo nguồn bằng con em địa phương ngay từ bậc phổ thông. Phải đưa cả thông tin về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh mình đến với các cháu nhiều hơn để các cháu biết ở Bình Định đang có những cơ hội nào, việc làm nào đang chờ mình. Ưu đãi thật nhiều nhưng không việc làm phù hợp, không được nâng cao trình độ chuyên môn thì các cháu không mặn mà đâu".

* Hàng năm ngân sách của tỉnh Bình Định đã chi bình quân không dưới 1 tỉ đồng để hỗ trợ cho việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao.

* Đối với các cử nhân loại giỏi, tỉnh trợ cấp ngay lần đầu là 5 triệu đồng, chịu trách nhiệm bố trí công tác phù hợp năng lực.

* Đối với cán bộ trong tỉnh làm luận án thạc sĩ, được hỗ trợ 15 triệu đồng/người và bảo vệ luận án tiến sĩ được hỗ trợ 30 triệu đồng/người để bảo vệ luận án.

* Đối với người ở địa phương khác về Bình Định công tác, thạc sĩ được cấp ngay lần đầu 15 triệu đồng/người; tiến sĩ được cấp 30 triệu đồng/người. Ngoài ra, tỉnh còn bố trí đất, nhà ở ngay tại trung tâm thành phố, tạo điều kiện về việc làm cho vợ (chồng) và kể cả người thân trong gia đình họ khi đến với Bình Định.

Chưa thu hút được thêm nhiều lao động chất lượng cao nhưng Bình Định lại bỏ quên một lượng chất xám khác. Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ Thái Phục Hanh góp ý: "Trong ngành Y có khá nhiều y bác sĩ tuy đã nghỉ hưu nhưng còn khả năng cống hiến và muốn được tiếp tục cống hiến. Tuy nhiên việc tận dụng trí tuệ của những người này chưa được quan tâm đúng mức. Trong nhiều hội nghị khoa học của ngành Y, lãnh đạo ngành không mời cán bộ hưu trình độ cao về tham dự. Tốc độ phát triển của công tác liên kết, hợp tác nghiên cứu quốc tế cũng rất chậm. Trước đây nhờ sự vận động giúp đỡ của một số Việt kiều, BV Pau (Cộng hòa Pháp) đã đồng ý tiếp nhận một số bác sĩ của BVĐK tỉnh BĐ sang tu nghiệp nhưng ta đã không tận dụng được cơ hội rất tốt này...".

Theo kết quả khảo sát của tỉnh Bình Định, ngành Y và ngành Giáo dục là hai ngành có chất lượng đội ngũ lao động cao nhất Bình Định, nhưng chính ở đó cũng còn đang tồn tại nhiều bức xúc về vấn đề nhân lực. Nếu mở rộng ra toàn cảnh đội ngũ nhân lực của cả tỉnh, nỗi bức xúc sẽ còn lớn hơn.

* Vì sao sau khi ra trường, sinh viên người Bình Định ít về tỉnh công tác?

Là một trong những tỉnh sớm có chính sách hoạch định việc tạo nguồn ngay tại chỗ và thu hút nhân lực từ nơi khác về, nhưng kết quả của Bình Định phải nói là rất hạn chế. Suy cho cùng cái cách thu hút nhân lực mà Bình Định đang làm cũng chỉ là tìm cách trả giá cao để mua quả, trong khi tỉnh bạn vừa chăm sóc khi quả đang nụ, khi mua giá của bạn cũng hấp dẫn hơn. Một sinh viên cho biết: "Ngay từ năm thứ hai, thứ ba nhiều công ty đã chủ động đặt vấn đề cấp học bổng để giữ người. Các ngành kinh tế, cơ khí, xây dựng thường đắt hàng nhất. Nhưng đầu bảng hiện nay là những sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản. Chủ các trại tôm ở miền Tây dám cấp lương cho sinh viên khi còn đi học để sau này họ về làm cho họ; không một sinh viên loại khá giỏi nào của ngành này bị bỏ sót. .. Sinh viên Bình Định gần như không có sự liên hệ nào với các cơ quan ở quê nhà cả. Họ không về là có lý do, thu nhập ở BĐ thường rất thấp, điều kiện nâng cao trình độ không nhiều... Bây giờ đã học giỏi thì sẽ có chỗ làm tốt ở bất cứ nơi đâu, nhiều nơi chào mời lắm. Chính sách của tỉnh chỉ thu hút sinh viên loại giỏi, thuộc ngành mũi nhọn tỉnh cần. Với tình hình như hiện nay, tỉnh mình khó lòng thu hút được nhiều sinh viên loại giỏi.".

Xét về chính sách, có thể nói chính sách của Bình Định không phải là yếu, nhưng những thông tin về những chính sách ấy lại không được phổ biến rộng rãi và liên tục. Một trong số rất ít sinh viên tốt nghiệp loại giỏi mà Bình Định đã thu hút được là cô Nguyễn Thị Kim Xuyến – sinh viên tốt nghiệp loại giỏi được tỉnh thu hút về trong năm 2003, cô cho biết: "Quê tôi ở Quảng Nam nhưng tôi chọn Bình Định làm nơi công tác vì tôi thấy chính sách đãi ngộ của tỉnh khá tích cực, cơ hội để tu nghiệp thêm rất rõ ràng. Có điều khi còn ở trường ngay cả những sinh viên Bình Định không phải ai cũng nắm được các điều kiện, chính sách nhân lực chất lượng cao. Một chính sách hấp dẫn như vậy mà không được tuyên truyền sâu rộng trong giới học sinh sinh viên". So với những địa phương như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, tiềm lực của Bình Định không thể bằng, nhưng nếu để xây dựng nền tảng phát triển lâu dài lẽ nào Bình Định lại không thể "thắt lưng buộc bụng" mà nuôi nhân tài.

* Chảy máu chất xám

Bác sĩ Nguyễn Đồng – Phó giám đốc BVĐK tỉnh BĐ cảnh báo nạn chảy máu chất xám: "Bình Định đã đầu tư khá nhiều để nâng dần chất lượng đội ngũ lao động của mình, nhưng khi đạt kết quả ta lại thiếu những chính sách cần thiết để giữ gìn nguồn nhân lực này. Nhiều bệnh viện tư nhân ở TP Hồ Chí Minh ráo riết săn lùng y - bác sĩ. Hiện tượng chảy máu cán bộ y tế lành nghề sau khi diễn ra ở BVĐK tỉnh nay đã lan sang phía BVĐK Quy Nhơn và có lẽ rồi nó sẽ lan về cả các huyện. Một vài ngành khác cũng xảy ra hiện tượng tương tự". Gần đây đã xuất hiện hiện tượng một số phụ huynh có con em học giỏi đã tổ chức gởi con em mình vào thành phố Hồ Chí Minh học tập ngay sau khi kết thúc lớp 10. Họ lý giải rằng - Tiếp cận với môi trường giáo dục chất lượng cao ngay từ lúc này sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi trong giai đoạn kế tiếp. Mặt khác, ở thành phố Hồ Chí Minh, chính các trường THPT cũng tự xây dựng chính sách thu hút học sinh giỏi về phía mình. Và xem ra họ đã làm khá thành công.

Các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội thì mỗi năm một cao hơn, trong khi đó đội ngũ lao động lại không bám kịp tốc độ phát triển này. Khi làm nền tảng cho sự phát triển của xã hội, chất lượng nhân lực càng cao thì tốc độ cũng như hiệu quả phát triển càng bền vững. Và cũng như tất cả các lĩnh vực khác "bộ máy nhân lực" cũng cần được đầu tư để phục vụ những mục tiêu phát triển ngày càng nhiều hơn. Vì lẽ đó đã đến lúc ta phải nhìn lại, kiểm tra lại để có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách tạo nguồn nhân lực.

. Đông A

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch hồ Núi Một   (23/07/2003)
Viết cho con   (23/07/2003)
Tấm bia liệt sĩ   (23/07/2003)
Tâm sự bên nghĩa trang liệt sĩ   (23/07/2003)
Đền ơn đáp nghĩa   (23/07/2003)
Những chuyển biến tích cực  (24/06/2003)
Hiện trạng rạn san hô, sinh vật biển vùng vịnh Quy Nhơn  (24/06/2003)
Ngôi sao sáng của sân khấu Tuồng  (24/06/2003)
Lệ Quyên - Giọng ca vàng của đất tuồng  (24/06/2003)
Vợ chồng "Nhà báo vườn"  (24/06/2003)
Vì mê cá độ bóng đá…   (24/06/2003)
Có một tộc họ khuyến học  (24/06/2003)
Lên chơi Tam Đảo  (24/06/2003)
Tản mạn phố cổ Hà Nội  (24/06/2003)
Ghi chép ở trường Mầm non Hoa Hồng  (24/06/2003)