|
Niềm vui được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên (ảnh: B.P) |
Chỉ sau ba tháng triển khai, Dự án thí điểm giao đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên (ĐLN CRTN) ở thôn Hà Ri (Vĩnh Hiệp-Vĩnh Thạnh) đã gây được sự chú ý của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh. Lần đầu tiên ở Bình Định, người dân được cầm trên tay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên. Với giấy chứng nhận này có thể nói người dân đã thật sự làm chủ rừng. Một luồng sinh khí mới đã thổi qua những cánh rừng ở Hà Ri.
* Giao rừng cho dân
Ông Nguyễn Hiếu Hòa – Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết: "Trước đây rừng được nhà nước giao khoán cho dân bảo vệ theo hợp đồng được ký kết hàng năm. Theo đó, người nhận khoán có trách nhiệm thường xuyên bảo vệ rừng, báo cáo kịp thời những dấu hiệu bất thường xảy ra trên vùng rừng mình bảo vệ cho cơ quan kiểm lâm biết. Hoàn thành trách nhiệm của mình, người dân được nhận 50.000đ/ha/năm, được quyền khai thác những lâm sản phụ có trong rừng... Theo phương án này rừng được bảo vệ khá tốt nhưng mối liên hệ giữa người dân với rừng không có tính bền vững, ổn định, lâu dài (hợp đồng chỉ được triển khai khi ngân sách có nguồn chi, hợp đồng chỉ ký hàng năm). Vì thế người dân không dám đầu tư dài hạn vào diện tích rừng được giao khoán bảo vệ để làm giàu rừng và khai thác. Muốn bảo vệ và phát triển tốt vốn rừng, người dân phải nhìn thấy những quyền lợi rõ ràng, bền vững khi tham gia bảo vệ rừng. Đó là cơ sở để chúng tôi triển khai Dự án thí điểm giao ĐLNCRTN ở thôn Hà Ri".
Khác với phương án giao khoán, với việc được giao quyền sử dụng lâu dài, người dân không được nhận số tiền 50.000đ/ha/năm nhưng với việc được giao quyền sử dụng ĐLNCR người dân có được một số quyền lợi cơ bản: Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ĐLNCRTN trong thời hạn 50 năm. Được nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, được hưởng các chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước trong vấn đề bảo vệ phát triển rừng. Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích ĐLNCRTN như thu hái lâm sản phụ, khai thác cây gỗ chết khô, cây đổ gãy, cây sâu bệnh theo thiết kế của cấp có thẩm quyền. Được phép khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác tối đa không quá 20% khi rừng phòng hộ đến độ tuổi cho phép khai thác với thiết kế được Sở NN-PTNT phê duyệt và cấp phép... Người được giao quyền sử dụng ĐLNCRTN có trách nhiệm quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng nhằm đảm bảo mục đích rừng có chủ thực sự, dân gắn bó với rừng, bảo vệ và làm giàu rừng, nâng cao đời sống của nhân dân thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh làm cho vốn rừng ngày càng phát triển bền vững.
* Những nụ cười đầu tiên của chủ rừng
|
Phát luồng phân lô giữa các vùng rừng (ảnh: B.P) |
Hôm chúng tôi đến Hà Ri cũng là ngày anh Đinh Văn Lanh – thôn phó Hà Ri vừa thu hoạch từ vùng rừng rộng 2,9ha của mình một số lâm sản phụ. Anh Lanh cho biết: "Vùng rừng của mình có nhiều cây hạt dẻ, cây dâu gia, song mây, dầu rái... Mấy hôm trước mình gom được hơn 200 kg song mây bán được 200.000 đồng. Mình đếm rồi, rừng của mình có đúng 10 cây ươi, chừng 3 tháng nữa thì đến lượt thu hoạch hạt, lứa đầu ước tính mình thu được hết thảy chừng 100kg hạt, mỗi ký mình bán khoảng 15.000đ là đã thu được 1,5 triệu đồng rồi. Sắp tới cán bộ của hạt kiểm lâm sẽ chỉ cho mình và bà con cách trồng và chăm sóc cây quế, trồng giống trúc lấy măng, một vài loại cây lấy gỗ nữa...". Cùng chung niềm vui như anh Lanh, cụ Đinh Gầm (77 tuổi) khoe với chúng tôi: "Nhận rừng xong, mình liền đi coi thử có cái gì trong vùng rừng nhà nước giao quyền cho mình. Rừng tốt lắm, có nhiều cây gỗ lớn, rất nhiều dây mây, rừng của mình gần suối nước, có 20 cây dâu rừng, 20 cây xay. Dâu rừng chuẩn bị hái quả được rồi... Hôm giao sổ chủ quyền, chủ tịch xã hứa sẽ giúp bà con tìm cách đầu tư chăn nuôi, trồng trọt thêm một vài thứ để bà con có thêm nguồn thu nhập. Mới có 3 tháng thôi nhưng người Hà Ri ai cũng phấn khởi".
Chỉ mới chừng ba tháng kể từ ngày huyện tiến hành việc giao ĐLNCRTN nhưng nhận thức và thái độ của người dân đối với công tác bảo vệ rừng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực khá nhanh. Giờ đây người dân đã biết chính xác địa giới vùng rừng của mình là ở đâu, trong rừng có những nguồn lợi nào, cần làm gì để giữ rừng và làm giàu rừng thêm để khai thác lâu dài. Khi đã trở thành tài sản của dân, chính họ sẽ thực hiện đều đặn việc tuần tra bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Văn Bảy - Chủ tịch xã Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh) khẳng định với chúng tôi: "Trước đây lâm tặc vẫn thường lén lút xâm hại rừng từ phía Hoài Ân. Tuy chính quyền và kiểm lâm đã tích cực tuần tra bảo vệ nhưng do ở địa bàn giáp ranh nên cũng khó. Từ ngày rừng được giao cho dân, nạn lâm tặc phá rừng giảm hẳn, thật đơn giản bây giờ rừng đã có chủ. Xâm hại đến rừng là xâm hại trực tiếp vào tài sản của dân, họ đâu để yên".
* Để rừng thêm xanh
* Dân số Hà Ri có 81 hộ, 396 người, 185 lao động, 93% là người Bana, còn lại là người Dao di cư từ phía Bắc vào, chỉ có 1 hộ người Kinh.
* Tổng diện tích rừng đã giao cho 76 hộ dân: 300ha thuộc các khoảnh 7, 8, 9 tiểu khu 185 xã Vĩnh Hiệp. Thời hạn giao quyền: 50 năm.
* Thu nhập bình quân 1,5 đến 2 triệu/người/năm. |
Diện tích được giao quyền sở hữu sử dụng cho dân Hà Ri chủ yếu là rừng phục hồi, thuộc nhóm rừng IIA – IIB, các cây gỗ trong rừng có đường kính bình quân 14cm đến 20cm, trữ lượng bình quân 26m3/ha đến 62m3/ha. Mật độ rừng tái sinh khá dày, bình quân từ 400 đến 500 cây/ha, cây tái sinh và phát triển tốt. Trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình, ngành Kiểm lâm đã tác động phát luồng toàn bộ dây leo, cây bụi, chặt bỏ những cây cong queo, sâu bệnh, nên rừng phát triển rất tốt. Các loại cây phổ biến: dẻ bằng lăng, bời lời, dền, cầy, trâm, thành ngạnh, dâu gia... Những vùng rừng đã giao cho dân ở Hà Ri là những vùng rừng đã được ngành kiểm lâm đầu tư tác động nên chất lượng rừng khá cao, người dân có thể thấy ngay một số lợi ích trước mắt nên dễ hăng hái đầu tư phát triển vốn rừng. Tuy nhiên không phải vùng rừng nào cũng đẹp như vậy để có thể tiến hành giao khoán dễ dàng. Vì thế khi triển khai ở những vùng rừng khác, chính quyền cũng như các ngành có liên quan như: Địa chính, NN-PTNT, kiểm lâm cũng cần tính thêm để nếu cần thì phải có chế độ hỗ trợ ban đầu cho bà con.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh cho biết: "Khi đặt ra vấn đề giao ĐLNCRTN cho dân với thời hạn lâu dài, mục tiêu mà nhà nước hướng đến không chỉ là bảo vệ diện tích rừng vốn có, mà còn tính đến việc chính người dân sẽ đầu tư để làm giàu vốn rừng. Rừng giàu hơn thì lợi ích cụ thể của người dân cũng sẽ tăng theo, và trách nhiệm của họ với vấn đề phát triển rừng cũng chặt chẽ hơn. Để có thể giúp người dân xác định được hướng đầu tư chính xác, mang lại những lợi ích bền vững, thì không chỉ một mình ngành kiểm lâm là đủ mà còn phải có sự góp sức của nhiều ngành kinh tế khác". Từ thực tế nêu trên, thiết nghĩ nếu muốn có thêm nhiều cánh rừng được bảo vệ tốt như ở Hà Ri có lẽ đã đến lúc tỉnh Bình Định nên xây dựng chiến lược hành động lâu dài để xúc tiến việc giao rừng cho dân. Rừng sẽ giàu, sẽ xanh thêm một khi chúng có chủ thật sự.
. Bá Phùng
|