Quê cũ
15:0', 23/7/ 2003 (GMT+7)

Vì mải mê kiếm tìm kế sinh nhai nơi phố thị, sau hơn mười năm tôi mới về quê. Trước ngày tôi lên đường, mẹ suốt đêm trằn trọc. Nghe tiếng trở mình, tiếng dép khua lẹp xẹp, tôi hiểu mẹ da diết nhớ quê. "Lá rụng về cội" mà; người về già ai cũng đau đáu được nhắm mắt xuôi tay nơi chôn nhau cắt rốn.

Nhớ ngày mẹ ra phố ở với vợ chồng tôi, sống trong sự đủ đầy về vật chất, nhưng tôi đọc trong mắt mẹ một nỗi buồn xa xăm. Tôi biết mẹ nhớ bà cụ nhà hàng xóm chiều chiều sang nhà chơi, ngồi chung với mẹ trên một manh chiếu trải dưới lũy tre ken dày, lấy trầu từ chiếc rổ tre cỏn con ra têm, thêm mấy miếng cau khô rúm ró cho vào chiếc cối đá nhỏ xíu ngoáy lấy ngoáy để rồi đôi bạn già bỏm bẻm nhai ngon lành, chuyện trò tâm đầu ý hợp.

Mẹ làm sao quên ngôi nhà vách trát đất thịt, mái lợp ngói vảy đã rêu phong, có hàng cửa trước bậc thềm treo tấm phên tre như tấm rèm cố định – nơi cha mẹ chung sống với ông bà tôi từ những năm tháng tuổi còn thanh xuân với sự ra đời của chị em tôi. Mẹ làm sao quên tiếng gà eo óc gáy trưa trong mảnh vườn cũ đầy bông cải vàng rực rỡ, rồi làn khói lam nhè nhẹ bay lên từ mái bếp trong chiều muộn với tiếng hát ru con nhà ai nghe buồn não nề và có cả tiếng chim gợi tình ríu ran trên cây mận đầu hè. Có lần mẹ nói như với chính mình "Người thành phố đèn nhà ai nấy tỏ", chứ "Không miếng mắm trao qua, miếng cà trao lại" như người ở quê mình.

Có lẽ sự ồn ã, xô bồ chốn thị thành và cái không gian nhỏ hẹp ấy làm mất đi cái cảm giác thoáng đãng, yên bình mà mẹ rất cần có đối với tuổi già.

Tôi bước ra xe mẹ còn căn dặn "Thằng Út nhớ mua cho mẹ mấy bó trầu với chùm cau tươi. Trầu cau ở quê mình ngon lắm!".

Quê cũ hiện ra sau gần nửa ngày đường làm tôi mệt nhoài. Những dãy nhà cổ kính ở đầu làng biến đi đâu mất, thay vào đó là những ngôi nhà mái bằng tân kỳ, bề thế. Con đường đất vào làng đã được trải bê tông thẳng băng. Dọc đường thi thoảng có những quán ăn, quán karaoke ồn ã chẳng kém gì phố thị. Tôi tự nhủ "Mẹ biết không? Mẹ muốn về quê để tìm cái cảm giác yên lành ư? Khó đấy!".

Ngôi nhà cũ của gia đình tôi chừng ấy năm không người chăm sóc, giờ mái ngói oằn xuống như tấm lưng của cụ già mặc áo nâu, hàng cau trước sân nhà cao lêu khêu, trái chín vàng màu da cam không ai buồn hái. Có lẽ ở quê ngày càng thiếu vắng người già ăn trầu chăng?

Tôi nhớ một lần đi dự đám cưới ở phố, thằng bạn cứ tiếc nuối: "Mày nghĩ coi! Có đất nước nào trên thế giới này có được phong tục đẹp trong ngày cưới dùng trầu cau để thưa chuyện như người Việt mình không? Sự tích trầu cau với anh em nhà họ Cao một lòng chung thủy có một không hai, vậy mà ngày càng phôi pha!". Tôi chỉ biết cười buồn đồng tình với bạn. Ấy là thằng bạn tôi chưa từng sống ở quê như tôi, chưa hiểu trong sự đổi thay đi lên của làng quê đã vô tình "khai tử" những nét đẹp văn hóa có từ hàng trăm năm. Người châu Âu thường nói một câu tưởng chừng như mâu thuẫn "Người ở phố không thích người ở miền quê cục mịch, quê mùa, nhưng họ thích nhạc đồng quê". Có những khu du lịch ở thành thị người ta lại dựng lên những mái tranh xén tỉa hết sức công phu, dùng những chiếc bàn, chiếc ghế bằng mây tre… Vậy thì mẹ tôi yêu làng quê hơn cuộc sống tráng lệ ở phố xá cũng là điều dễ hiểu!

. Trần Quốc Cưỡng

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Để Quy Nhơn thêm xanh, sạch, đẹp   (23/07/2003)
Ấn tượng Yanni   (23/07/2003)
Kim Oanh trong những vai diễn "bụi"   (23/07/2003)
Hà Ri – xanh một vùng rừng   (23/07/2003)
Đường Xuân Diệu- Đâu là đáp số của "bài toán" tái định cư?   (23/07/2003)
Đề nghị truy tố bảy kẻ lừa đảo ra trước vành móng ngựa   (23/07/2003)
Những ghi nhận đầu tiên   (23/07/2003)
Du lịch hồ Núi Một   (23/07/2003)
Viết cho con   (23/07/2003)
Tấm bia liệt sĩ   (23/07/2003)
Tâm sự bên nghĩa trang liệt sĩ   (23/07/2003)
Đền ơn đáp nghĩa   (23/07/2003)
Những chuyển biến tích cực  (24/06/2003)
Hiện trạng rạn san hô, sinh vật biển vùng vịnh Quy Nhơn  (24/06/2003)
Ngôi sao sáng của sân khấu Tuồng  (24/06/2003)