Nếu tạo hóa rộng lòng cho anh một trong những năng khiếu lợi khẩu, phục dược, bỉnh bút, vi sư… đã là ưu ái rồi; đằng này, Cư có những hai. Là bác sĩ chủ nhiệm quân y trung đoàn, anh từng gọi tên, chỉ mặt khối con bệnh lẩn khuất đâu đó trong cơ thể nhỏ bé nhưng phức tạp của con người và bắt chúng phải cúi đầu, quay lui. Nghề nghiệp cho anh gần với ống nghe, bệnh án hơn là mi-crô, bục giảng, nhưng Cư còn có tài khác là nói chuyện rất hay. Cứ theo "bài" của các nhà tâm lý học: "Phụ nữ yêu bằng tai" và nếu Cư biết phát huy lợi thế của mình thì hẳn anh là tay "sát" gái có hạng. Điều đó chưa được kiểm chứng; còn điều này là thực tế: mỗi lần nghe anh nói chuyện về phòng chữa bệnh, mọi người đều dỏng tai, nhướng cổ, chắc con chiên nghe giảng đạo cũng chăm chú đến thế là cùng.
Cư thường đăng đàn với những nội dung (vô phép nói sau lưng các thầy thuốc là hơi khô), đại loại như các bệnh thường gặp trong mùa đông và cách phòng chống; phòng chữa bệnh trong mùa hè; đại dịch HIV/AIDS; hiểm họa ma túy… Ấy vậy mà những tràng vỗ tay tán thưởng, những tiếng cười thú vị luôn chen ngang những buổi thuyết trình của anh. Lắm lúc người ta lấy lời anh làm chuẩn để trích dẫn, làm theo: "Bác sĩ bảo phải thế này mới đúng", "Anh Cư chả dặn thế là gì". Có người khen tài ăn nói của Cư theo cách khác "Sao anh chẳng bù cho mấy ông báo cáo viên kiêm "bác sĩ gây mê", nghĩa là tuyên truyền mà cứ như ru cử tọa lơ mơ đi vào "vương quốc của thần mộng"; hoặc "Lẽ ra anh phải là một speaker nổi tiếng mới khỏi phung phí năng khiếu trời cho". Cư khoát tay, lắc đầu, ý chừng không muốn nghe những lời bốc thơm đại ngôn ấy.
Trong chương trình tuần này của trung đoàn, bác sĩ Cư có buổi truyền thông về dân số – kế hoạch hóa gia đình vào tối thứ ba. Nội dung này anh đã "tái diễn" nhiều lần. Sau mỗi lần đăng đàn, anh lại bổ sung số liệu, tư liệu mới cho bài nói của mình. Lẽ thường, kiểu "đảo băng cát xét" như thế dễ cho người nghe cảm giác bảo hòa, nhàm chán; nhưng người truyền đạt ở đây là anh – thí sinh từng đoạt giải nhất trong hội thi tuyên truyền viên của quân khu – nên vẫn có sức lôi cuốn. Từ vấn đề tăng dân số gắn liền với phát triển kinh tế xã hội, đến chuyện trên giường ngủ của vợ chồng, từ chuyện tảo hôn đến tệ "kỳ thị" con gái con trai đang nặng nề đâu đó trong một bộ phận dân cư… được anh truyền đến người nghe bằng chất giọng trong sáng, "vặn to thu nhỏ" đúng chỗ, rất dễ vào lòng người. Cư lập luận, chứng minh từ chuyện xa tới điều gần với mong muốn cử tọa đồng tình với anh điều này: không thể thả phanh, mặc sức; đã đến lúc việc sinh nở của con người cần có sự điều chỉnh. Và mong muốn ấy của Cư cũng như chỉ huy đơn vị được nhiệt liệt hưởng ứng; bằng chứng là bốn năm rồi không cán bộ, nhân viên nào của trung đoàn sinh con thứ ba. Lắm trường hợp cơ cấu giới tính trong gia đình không như ý mà lệch pha theo mô hình "ba cộng một" nhưng chẳng ai bẻ rào, vượt ẩu trước chính sách dân số của nhà nước. Riêng nội dung cuối trong những buổi tuyên truyền được Cư nhắc đi nhắc lại "chỉ để tham khảo" là sinh con theo ý muốn, hình như không hiệu nghiệm lắm. Rõ nhất là sau hai lần có con, bác sĩ vẫn là người "đẹp trai nhất nhà". Khoa học còn tương đối huống chi chuyện ấy – đó là lời lẽ những người bênh vực Cư khi ai đó tỏ ý thiếu tin những điều anh nói.
Gần đây, trong trung đoàn có dư luận bác sĩ Cư sinh con thứ ba. Tin này loan ra từ mấy cậu cùng quê anh. Xì xào là thế nhưng qua bổ sung hồ sơ cán bộ hàng năm, Cư vẫn ghi "hậu phương gia đình không có thay đổi". Trong tự kiểm điểm đảng viên hàng năm, anh vẫn hùng hồn: "Chấp hành tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước". Cả những dịp Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi, anh cũng chỉ nhận hai suất quà đơn vị cho các cháu rồi đóng hộp, đưa ra bưu điện gửi về quê xa. Đã thế, năm rồi anh vừa được đề bạt quân hàm đại úy. Dư luận kia lơ lửng một dạo rồi lặng vào quên lãng.
o0o
Tối thứ ba, chưa đến bảy giờ, cán bộ chiến sĩ đơn vị đã ngồi chật hội trường, mắt dồn lên sân khấu, háo hức chờ. Bác sĩ Cư đứng sau cánh gà, líu ríu lật xem lại nội dung. Ngoài thuyết trình, tối nay còn có phần văn nghệ "cây nhà lá vườn", trong đó có tiết mục tấu hài nói lên cảnh cực khổ của một gia đình đông con do anh đảm nhiệm.
Cư ướm bước ra sân khấu thì cậu liên lạc chạy tới níu áo, ghé tai anh nói nhỏ: "Bà xã anh điện vào nói là bé Ba ốm nặng, đang cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Anh về ngay!". Cư đứng lặng trong nỗi lo chợt đến. Anh dựa vô tường, mặt đá mát lạnh mà người anh nóng ran. Hình ảnh đứa con tội nghiệp choáng hết tâm trí anh. "Bác sĩ đâu, bắt đầu đi" – Cư giật mình nghe trung đoàn trưởng ngồi ở hàng ghế đầu nói vọng lên. Anh trấn tĩnh, vuốt lại tóc, lấy khăn tay thấm mồ hôi trên mặt rồi bước ra. Hội trường im phắc. Ánh sáng bật lên. Cư đưa tay chỉnh micrô cho vừa tầm rồi cất lời:
- Thưa các đồng chí! "Đa tử, đa tôn đa phú quý" là quan niệm của các cụ ta ngày xưa, nay đã lạc hậu. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dân gian đã đúc kết: "Muốn giàu: nuôi heo. Muốn nghèo: nuôi đẻ. Muốn khỏe: kế hoạch". Từ lâu, Nhà nước ta coi sinh đẻ có kế hoạch là quốc sách…
Cư cố nói tiếp nhưng lưỡi líu lại. Dường như tất cả mồ hôi trong người cùng túa ra, anh đứng ngay đơ như tượng gỗ. Mặt nhợt nhạt, người anh rệu rã, cứ như muốn đổ xuống. Bên dưới có tiếng xì xào: "Ảnh quên đấy, ai nhắc đi", "Bác sĩ trúng gió rồi!". Như trong cõi vô thức, Cư quay lưng, lảo đảo đi vào hậu trường kéo theo những ánh nhìn không chớp. Tiếng lục vấn lao xao của đồng đội vọng tới như đám mũi nhọn đâm vào tim anh. Cư ôm lấy đầu, cứ như nén lại những xót xa muốn làm người anh nổ tung ra. Nhớ những lời khen, những tràng vỗ tay mọi người từng dành cho mình trong các buổi nói chuyện, anh cảm thấy buồn đau dâng đầy trong hổ thẹn. Và nữa, tin dữ về đứa con khiến anh càng rối lòng trong những nỗi niềm cùng đến.
Cư ngước lên, chạm cái nhìn nghiêm khắc của trung đoàn trưởng. Ông hất hàm:
- Bác sĩ làm sao thế?
Cư ấp úng, chỉ dám hé một phần lý do sự cố:
- Báo cáo thủ trưởng… bé Ba đang cấp cứu.
- Bé Ba nào?
Đáp lại giọng giật ngược của vị chỉ huy, Cư nói rời rạc nhưng rõ ràng:
- Cháu là con tôi – đứa thứ ba.
Trung đoàn trưởng ngớ người, mồm mắt tròn xoe. Hình như chợt hiểu, ông hạ giọng:
- Không ai thay được cậu lúc này đâu, tiếp tục đi. Tôi sẽ cho công vụ đi lấy vé, mai cậu bay sớm.
Nói rồi, trung đoàn trưởng chỉ về phía bục nói chuyện đặt chếch bên trái sân khấu. Nhìn vào chỗ quen thuộc đó, liên tưởng đến cái vành gỗ đặt ở những nơi xử án, lần đầu tiên, Cư cảm thấy choáng ngợp và sợ hãi làm sao. Anh điếng người khi chợt tự hỏi: những đồng đội thân yêu kia sẽ nghĩ gì khi biết phía sau những điều tuyên truyền tốt đẹp của anh…
. Nguyễn Trọng Hoạt
|