|
Me khai thác thế long giáng (ảnh: N.D) |
"Mảnh đời còn lại", "Cắt nửa vầng trăng", "Sức sống mãnh liệt’’, "E ấp"… là tên các tác phẩm sinh vật cảnh (TPSVC) độc đáo, được các nghệ nhân hoặc một nhóm bạn chơi SVC đã cao hứng đặt cho. Thường những tác phẩm này phải có những nét dị biệt; có hình dáng độc đáo nhưng mang tính nghệ thuật cao; có chế độ sống và phát triển đặc biệt; gắn liền với nguồn gốc xuất xứ, hoặc một điển tích, hoặc một hình tượng nào đó. Phần lớn đây là cây khai thác từ tự nhiên, nên thường không tuân thủ những quy tắc về dáng - thế một cách nghiêm ngặt như kiểng cổ. Các nghệ nhân thường bảo: "Nó hổng giống ai", nhưng đó chính là… "hàng độc".
Thực tế, Bình Định hiện không phải là nơi lưu giữ nhiều TPSVC có giá trị lớn về nghệ thuật, cũng như về kinh tế như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhưng nơi đây lại là vựa "hàng độc" SVC nổi tiếng, mà giới sưu tầm và thương buôn trong cả nước biết đến và ưa chuộng. Bằng nhiều con đường khác nhau, như giao lưu, trao đổi và nhất là mua bán, vô số TPSVC đặc trưng của Bình Định đã có mặt khắp cả nước và nước ngoài. Chừng chục năm trở lại đây, Bình Định là một trong những "điểm nóng" được các "tay săn hàng độc" SVC cả nước đeo bám.
Mai xuân có mặt trong Top ten những danh kiểng nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng cây mai xuân thật sự có giá trị chỉ khi hội đủ những điều kiện như: hình thức đẹp, nội dung độc đáo và nhất là phải đủ độ lão (già). Tuy nhiên, để đủ độ lão của cây mai (trồng trong chậu) phải có sự tiếp nối chăm dưỡng nhiều đời người; nên người ta nghĩ ngay đến việc khai thác cây mai lớn mọc ngoài vườn, để tạo mai thế. Cây mai cội (đã cho vào chậu) mang hình con voi đang phủ phục, của anh Nam ở Tuy Phước, được bán với giá 25 triệu đồng vào năm 1997, được xem là giá kỷ lục lúc bấy giờ. Gốc mai đại thụ của bác Nguyễn Duy Quý (PCT Hội SVC Việt Nam - CT Hội SVC Bình Định) được xem là cây mai khai thác "thành thuộc" nhất Bình Định. Hiện nay, có rất nhiều Tỉnh Hội SVC ở phía Nam rất muốn mua lại cây mai này. Họ ra giá gần đến 5 nghìn USD, nhưng bác Quý khẳng định: "Bao nhiêu cũng không bán! Đây là đặc sản quý của quê hương, nó vừa là giống mai ngự, đọt xanh truyền thống, vừa là cây mai lão mang dáng dấp đặc trưng của Bình Định. Nếu mình ham tiền bán đi, là có lỗi với đời sau".
"Mảnh đời còn lại" là tác phẩm bon sai cỡ trung, có giá trị hàng chục triệu đồng, hiện ông Thịnh (Bưu điện Bình Định) đang sở hữu. Đó là một cây me mọc ở triền núi, bị đốn đến gần gốc, đốt cháy một bên, được một tay chơi cây ở Sông Cầu (Phú Yên) đào về định cho vào chậu để trồng, thì tình cờ gặp một người sưu tầm SVC ở Bình Định gạ mua với giá 50 nghìn đồng, về Quy Nhơn bán nóng (chưa biết cây sống được không) với giá gần 1 triệu đồng. Trao qua tay mấy chủ, đến tay nghệ nhân Huỳnh Thế thì cây me đã phát triển mạnh, những vết sẹo đã bù da, các vân gỗ khô lồi lõm tạo thành những họa tiết đẹp và lạ mắt. Qua sự tái tạo của bàn tay nghệ nhân, cây me này đã trở thành một tuyệt tác SVC.
Tác phẩm "Sức sống mãnh liệt" của nghệ nhân Phước Lộc là cây trắc gai có dáng ngọa long (có người gọi là long giáng). Thân và gốc nhiều chỗ bộng, trơ ra phần gỗ lũa trông rất kỳ quái như đầu rồng, vuốt rồng; chỉ còn lại một phần da khiêm tốn, nhưng vẫn nuôi khỏe cả một bộ chi, tàn đồ sộ bên trên. Anh Lộc mua lại cây này của một nghệ nhân khác ở Quy Nhơn, giá chỉ 600 nghìn đồng. Sau khi cưa, đục, cắt, gọt, "vật lộn" với những chi tàn sum suê để tạo lại dáng, thế theo ý mình, trong phút ngẫu hứng, anh đã nhìn ra một chú rồng nằm từ trong thế cây bạt phong. Hiện đang có nhiều "đại gia" đang theo đuổi, anh Lộc ra giá 3.000 USD để thăm dò, thật lòng anh chưa muốn bán; Hội SVC tỉnh đang đề nghị anh mang tác phẩm này tham gia Hội thi SVC toàn quốc sắp đến.
Cây nguyệt quế của KTS Thanh Trì được nhiều nghệ nhân trong cả nước biết đến và tôn là "Nguyệt quế đại sư"; bởi nó có đường kính của thân đến hơn 40 cm. Các nhà "sưu tầm" đã khai thác nó ở rừng, với dáng trực, cành nhánh sum suê; anh Trì đã chi cả thảy khoảng 10 triệu đồng để có nó. Từ hình thức cây trang trí, anh Trì đã tạo lại thành cây thế, dáng rút lùn, có kích đại, nhiều thương buôn ở Hà thành đã gạ giá 25 triệu đồng nhưng chưa được làm chủ.
Và còn hàng trăm món "hàng độc" SVC từ cây khai thác ở Bình Định của các nghệ nhân, doanh nhân, nhà sưu tầm khác như: Ngọc Trân, Bá Dũng, Ngọc Sơn, Xuân Lý, Năm Mân, Đình Hưng, Đinh Bình Định… khó mà nêu hết. Những "hàng độc" đã nằm trong tay các " đại gia" thì khả năng lưu giữ được lâu dài, bởi họ không "bán nóng", nhờ đó mà số tác phẩm SVC thuộc hàng cao cấp của Bình Định còn tồn tại được; góp phần gìn giữ diện mạo đặc trưng của sinh vật cảnh Bình Định.
. Ngọc Diên
|