|
Một góc Nhơn Châu |
Từ Quảng Ngãi, tôi đưa con đi thi đại học tại Quy Nhơn. Sau khi được đội quân "thanh niên tình nguyện" và bà con ở Quy Nhơn chào đón, hướng dẫn nhiệt tình với chỗ ăn nơi ở tàm tạm, tôi rảnh rỗi, trà lá quán cóc bên đường. Tình cờ qua chuyện trò với một vài người bạn mới quen, tôi được biết Nguyễn Bá Nhạn - người bạn cùng đơn vị đóng quân ở xã đảo Nhơn Châu với tôi cách đây trên 20 năm - hiện đang công tác tại Thành đội Quy Nhơn. Tôi đến gặp, sau phút bỡ ngỡ hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Tôi nói rõ ý định muốn thăm lại Cù Lao Xanh một chuyến, trung tá Nguyễn Bá Nhạn - Phó chỉ huy trưởng Thành đội Quy Nhơn - ôkê ngay vì ông bạn của tôi cũng có chương trình đi công tác ở đảo nhỏ này.
Sau gần 3 giờ đồng hồ, chiếc thuyền 4 lốc chòng chành ngược gió đưa chúng tôi cập bến. Dự báo thời tiết không mưa, không áp thấp, thế nhưng lại có gió nồm khá mạnh, thuyền không thể nào vào gần bờ được, phải đi đò ngang. Đò ngang thì nhỏ, số người trên 30, lượn qua đảo lại phải gần 10 phút chúng tôi mới vào được đến bờ. Một ngư dân than thở: "Cầu tàu xây dựng đã lâu nhưng tàu thuyền không cập bến được. Rõ phí của". Tôi thắc mắc vì sao? Ông chủ đò ngang trả lời ngay: "Thuyền cập vào cầu tàu với sóng gió thế này chỉ vài cú va đập thì thuyền sẽ vỡ đôi".
Hôm sau, anh Nguyễn Văn Quyên - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã - nguyên cũng là lính ở đảo với tôi hơn 20 năm về trước - quê ở An Nhơn, có vợ là dân ở đảo khi còn là bộ đội - đã đưa tôi đi thăm một số nơi. Anh Quyên thật tình hỏi tôi: "Sau 23 năm trở lại, anh thấy ở đảo có gì khác?". "Khác lắm chứ!" Tôi đáp ngay. Vấn đề làm tôi thích thú nhất là toàn đảo đã phủ một màu xanh của cây keo lá tràm. Thuở trước, thấy đảo xanh khi còn ở xa, nhưng đến gần đảo chỉ toàn đá tai mèo và cây bụi đầy gai góc; bọn chúng tôi đi đo tọa độ, đào hầm công sự, mới chín giờ sáng mà nắng đã tong tong trên đầu. Giờ thì màu xanh bát ngát, xanh thực sự, xanh của màu lá cây rừng. Tuy vậy, theo anh Quyên, cũng mới chỉ trồng được 65 ha nhờ chương trình 327. Cơn bão năm 2001 đã làm thiệt hại khoảng 20%. Bây giờ muốn trồng nữa cũng không biết lấy từ nguồn nào.
Chiều về, nhìn đảo thấy sướng mắt. Trên núi màu xanh, dưới chân núi màu ngói đỏ tươi. Đêm về điện sáng lung linh. Đó đây ti vi, máy hát thi nhau nhấp nháy, xập xình. Nhớ lại năm xưa, điện không, ti vi không, chỉ có 10% hộ có nhà ngói. Toàn đảo có vài lớp học, mà chỉ cấp I. Tất cả các giáo viên đều tăng cường từ Quy Nhơn đến. Bây giờ đã có hơn 50% là giáo viên tại chỗ. Đảo đã có trường cấp II, 100% các cháu trong độ tuổi tiểu học đều cắp sách đến trường. Hơn 20% dân số của đảo được đi học. Có 30 em đang học cấp III ở đất liền và đã có 10 em tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Con số này đối với đất liền không nghĩa gì, nhưng đối với một xã đảo vùng xa thì thật có ý nghĩa. Về y tế, đảo cũng đã có trạm xá với 1 bác sĩ và 4 y sĩ. Điều thú vị là vị bác sĩ này được học lên từ xã đảo. Còn nữa, ở đảo giờ có thể liên lạc được khắp hành tinh. Bình quân 28 người có 1 máy điện thoại. Chả bù năm 1980, lúc đó, tôi là C trưởng của một đơn vị trực chiến trên đảo, ba tôi quê ở Quảng Ngãi mất, mãi hơn 1 tuần sau tôi mới nhận được tin.
Đêm ở đảo gió lồng lộng, chúng tôi bù khú với nhau bằng những ly rượu Bàu Đá chính hiệu. Ở Cù Lao Xanh này có những sự việc đã hơn 20 năm vẫn không thay đổi, lại trở thành kỳ tích. Nhưng cũng có sự việc không thay đổi lại trở nên khó chịu đối với khách đến thăm. Cách đây hơn 20 năm, số dân trên đảo khoảng 2.400 người. Cho đến nay dân số cũng từng đấy. Đó là sự "bất thường" của cư dân ở vùng biển đảo, vốn được mệnh danh là "cái máy" tăng dân số. Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng chừng thời gian ấy là một vạn dân và bây giờ đã hơn 2 vạn người. Ông Phạm Văn Mạnh - Phó chủ tịch UBND xã nói rằng: "Thời gian đầu phải vận động kế hoạch hóa dữ lắm, nhưng bây giờ thì người dân đã ý thức được rồi".
Về môi trường sinh thái, cả đảo đang nỗ lực phủ xanh là điều đáng ghi nhận. Nhưng còn môi trường sống ở đảo thì đang ô nhiễm nặng nề. Chất thải từ người, gia súc, gia cầm, từ sinh hoạt hàng ngày... đang vất xả mọi nơi. Trên đường đi, trên bãi biển, nơi đầu làng cuối xóm... ở đâu có dân là ở đó có chất thải. Diện tích đất ở không rộng, nhưng người lại đông, với môi trường ô nhiễm dễ xảy ra dịch bệnh.
Gần 11 giờ đêm, điện sắp tắt nhưng đội văn nghệ của Đoàn Thanh niên xã đảo vẫn đang tập những tiết mục để phục vụ cho buổi ra mắt đăng ký xây dựng thôn văn hóa. Bí thư Đảng ủy xã nói như đinh đóng cột: "Đây là dịp để Đảng bộ lãnh đạo toàn dân trong xã cùng với các đơn vị đang đóng quân trên đảo thống nhất hành động xây dựng cho được các thôn văn hóa. Trước mắt là sẽ trả lại môi trường sống trong lành cho đảo...".
Tôi nghĩ, một ngày không xa, với quyết tâm của toàn quân, dân trên đảo, chắc chắn Cù Lao Xanh sẽ mãi xanh, sạch, đẹp.
. Minh Điền
|