Thành Bình Định trong ký ức tuổi thơ của tôi là một ngôi thành hoang phế. Trong thành không còn hành cung dinh thự nhà cửa gì hết, nền cũ cũng không, ngoài mấy con đường dọc ngang bàn cờ, mà cỏ dại, bìm bìm đã lan ra trùm lấp nhiều nơi; những hàng cây gòn và một ông lão trồng hoa, bán kẹo kéo có nhà ở cạnh cửa Tây. Cây gòn ở đây nhiều lắm và còn được trồng ở cả ngoài phố nữa. Tán gòn giao nhau trùm mát các lối đi tạo nên một vùng xanh um cổ thụ. Hiếm thấy ở bất kỳ đâu là cái màu trắng tinh anh và mênh mông phiếu diểu của thành Bình Định khi vô số những trái gòn kia nở bông. Còn ông lão nhà ở cạnh cửa Tây thì không ai biết từ đâu đến, một người ngụ cư, cô độc. Ngày ngày, ông mang trên vai chiếc bàn kẹo kéo đi bán rong ngoài phố huyện, thì giờ còn lại ông trồng hoa. Ông có những chậu hoa nở tứ thời, và cứ đến Tết thì vườn hoa ông nở rộ, người trong vùng đua nhau đến mua đem về thưởng xuân.
In đậm trong ký ức của tôi là bến sông ở trước cửa Nam thành Bình Định - bến Trường Thi, cạnh đó có cái trường thi Hương được lập ra để tuyển chọn cử nhân cho mấy tỉnh trong vùng. Bến Trường Thi gắn liền với khoa cử là vậy; còn bến "My Lăng" của nhà thơ Yến Lan thì lưu danh mãi với thơ ca:
Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buồn câu
Trăng thì gầy rơi vàng trên mặt sách
Ông lái buồn để gió đến mơn râu
Đứng trên mặt tường thành, nhìn ra xa, sẽ thấy phía đông là ba ngôi cổ tháp có tên là tháp Bánh Ít như ba dấu chấm than chấm ngược lên trời. Phía nam là núi Ông hùng vĩ uy nghiêm. Phía tây là dòng sông Côn chảy giữa ruộng đồng mênh mông bát ngát. Phía bắc một quần thể danh thắng thành Hoàng Đế, núi Bà, hòn Mù U, tháp Cánh Tiên... Nó có cái kỳ vĩ, cẩm tú, hữu tình của nước non, nhưng cũng chứa chan vị ngậm ngùi của mấy lớp phế hưng.
Có câu ca dao cũng là câu hát ru em của vùng nầy:
Ngó lên hòn núi Mù U
Thấy ba ông cọp đội dù nấu cơm
Một ông xách chén đi đơm
Hai ông ứ hự nồi cơm mới vần
Tương truyền là để tả việc bếp núc, ăn uống của đạo quân ông Nhạc khi về tập luyện và dưỡng quân ở đây. Lại có chuyện kỵ binh Tây Sơn tập trận ở tháp Bánh Ít, sau mỗi buổi tập, đàn voi ngựa ấy xuống bến sông Tân An (dưới chân tháp) mà uống nước:
Nước Tân An hỏi bao giờ cạn
Hỏi trăm voi, ngàn ngựa uống tối ngày
Nghĩ người Nhạc, Huệ tài thay
Cờ đào áo vải mà dày nghĩa ơn
Má tôi thường đọc "Vè ông Tiến sĩ" cho anh em tôi nghe. Bị ám ảnh bởi tiếng kèn tò toe trong câu vè "Đêm năm canh kèn thổi tò toe, Ngày sáu khắc đứng ngồi chẳng tiện" cho nên khi đi học tiểu học ở trường huyện lỵ Bình Định, tôi thường thơ thẩn trong thành những buổi nghỉ học để tìm xem đâu là dấu tích đồn lính, trại giam, nơi Tổng đốc Bình Định giam nhốt những tù nhân và ông tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo khi ông cùng đồng bào chống Pháp và triều đình (trong cuộc nổi dậy chống xâu thuế), bị chúng bắt.
Cho tới bây giờ, mỗi khi kể lại hào khí đánh Pháp những năm đầu của cuộc kháng chiến, người An Nhơn không thể nào không nhắc lại những ngày đêm rộn rịp, khẩn trương, cả huyện đi phá thành Bình Định để tiêu thổ kháng chiến, ngăn bước tiến của quân thù. Hồi ấy, tâm trạng chung của nhiều người rất tiếc ngôi thành không còn nữa, nhưng đành lòng chấp nhận. Vì người ta tin ngày mai sẽ được cái rất lớn là nước nhà độc lập, nhân dân ta thoát khỏi đêm trường nô lệ, đón ánh sáng của cuộc đời tự do.
. Huỳnh Kim Bửu
|