|
Mộ nồi và một số hiện vật tìm thấy tại Động Cườm (ảnh: V.T) |
Mới đây, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khai quật di tích Động Cườm (thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn). Để giúp bạn đọc hình dung rõ nét hơn kết quả của đợt khai quật, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Trịnh Sinh, Trưởng phòng nghiên cứu Thời đại Kim khí- Viện Khảo cổ học Việt Nam.
- Thưa ông, kết quả của đợt khai quật khảo cổ học lần này tại Động Cườm liệu có khả quan so với mục đích đặt ra?
+ Di tích Động Cườm phân bố trên một cồn cát rộng khoảng 6-7 ha. Sau khi tiến hành khảo sát diện phân bố di tích, chúng tôi quyết định mở hố khai quật ở hai khu vực: sườn phía đông (trước sân đồn Biên phòng 308) và sườn phía tây bắc động cát (bên cạnh phía sau đồn Biên phòng 308). Sườn phía đông, có hố khai quật H1 diện tích 112 m2, sườn phía tây bắc có 5 hố khai quật, tổng diện tích 188m2. Trong 300m2 khai quật, chúng tôi đã phát hiện được 46 mộ chum và 4 cụm mộ nồi chôn úp nhau. Như vậy, mật độ phân bố chum mộ của di tích này khá dày, đặc biệt ở sườn phía đông. Hơn nữa, hiện tượng mộ chum và mộ nồi nằm cạnh nhau là một hiện tượng hiếm gặp trong văn hóa Sa Huỳnh. 46 chum táng hầu hết đã nứt vỡ nhưng khả năng phục dựng lại được khoảng 30 chiếc. Dáng chum hình trụ, đáy tròn lồi, có thể phân loại được hai kiểu dáng với những nét khác biệt: chum táng trong các hố sườn tây bắc có dáng hình trụ, hai cạnh thân đều từ phần gờ vai xuống sát đáy; còn chum táng trong hố ở sườn phía đông cũng có dáng hình trụ nhưng hai cạnh thân chum lại thuôn dần về phía đáy và thon hơn. Nhìn chung, xương gốm thô, có màu nâu đỏ, pha nhiều cát, kỹ thuật tạo dáng chum bằng dải cuộn kết hợp bàn dập, hòn kê và ghép nối.
Những đồ tùy táng chôn theo mộ chum là nồi nhỏ, bát bồng bằng gốm mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh và chủ yếu đặt trên nắp chum. Ngoài ra, còn có một số hiện vật như dao, rìu, đục, kiếm ngắn và đồ trang sức là hạt cườm thủy tinh màu sắc rực rỡ. Đặc biệt, có những hạt chuỗi bằng ngọc mã não màu đỏ ánh vàng. Dựa trên những di vật thu được, chúng tôi cho rằng chủ nhân của những mộ táng ở Động Cườm chính là những cư dân cổ văn hóa Sa Huỳnh. Khu mộ địa Động Cườm có khả năng tồn tại từ thế kỷ I, thế kỷ II trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên.
Những kết quả như vậy, đã vượt ra ngoài dự định ban đầu của chúng tôi. Cuộc khai quật này có thể khẳng định là đã thành công rực rỡ.
- Nhưng điều quan trọng với một đợt khai quật, không chỉ là thu giữ những hiện vật, mà là những kiến giải về lịch sử. Đợt khai quật này có bổ sung được gì vào những hiểu biết của chúng ta về cư dân và văn hóa Sa Huỳnh?
+ Có thể khẳng định ngay: đợt khai quật này đã bổ sung nhiều những hiểu biết về văn hóa Sa Huỳnh. Trước hết, qua nghiên cứu bước đầu các mộ chum và mộ nồi được phát hiện, chúng tôi nhận thấy rất nhiều mộ chum bên trong không có đồ tùy táng. Điều này chứng tỏ, trong đời sống xã hội của cư dân cổ Động Cườm đã có sự phân hóa giàu- nghèo. Từ các hiện vật được tìm thấy tại khu mộ địa, có thể hình dung được những nét cơ bản trong táng tục của cư dân nơi đây, qua đó, phần nào thể hiện được những nét cơ bản trong đời sống tâm linh của họ. Về kinh tế, cư dân này đã đạt đến trình độ cao trong kỹ thuật chế tác đồ gốm; có kỹ nghệ dệt vải, và có thể họ đã biết rèn sắt, làm đồ thủy tinh. Những cư dân này đã tận dụng hành lang biển để đánh cá; có mối liên hệ, giao lưu thương mại, trao đổi với các nền văn hóa khác… Điều quan trọng là những di vật thu được từ đợt khai quật này đã góp phần chứng minh cho nguồn gốc bản địa của một lớp cư dân cổ văn hóa Sa Huỳnh đã tụ cư lâu đời tại khu vực này.
- Với một di tích được đánh giá là quan trọng như Động Cườm, cần phải làm gì để bảo vệ?
+ Những hiện vật thu được qua cuộc khai quật di tích Động Cườm, chúng tôi đã đưa về Bảo tàng Tổng hợp Bình Định. Những hiện vật này cần có kế hoạch phục dựng khẩn cấp để tránh tình trạng bị mủn vỡ, hủy hoại do thời gian.
Với Động Cườm, đây là một trong những di tích có người ở sớm nhất ở Bình Định, chứng minh Bình Định là mảnh đất có lịch sử lâu đời; cần được bảo vệ và giữ gìn bằng mọi giá. Hiện nay, di tích này nằm trong khu vực quản lý của đồn Biên phòng 308, và theo như chúng tôi được biết, sắp tới sẽ có những công trình kiên cố được xây dựng ngay trên bề mặt di tích. Do vậy, chúng tôi đề nghị các cấp lãnh đạo từ tỉnh Bình Định đến huyện Hoài Nhơn và xã Tam Quan Nam cần có kế hoạch bảo vệ và cứu vớt di tích này. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh cần gấp rút tiến hành lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Động Cườm là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
- Xin cảm ơn ông.
. Lê Viết Thọ
|