Nói đến đồ gỗ, người ta không khỏi trầm trồ, thán phục khi nhắc đến sự sắc sảo, kỳ công những tủ thờ, bình phong, liễn đối… đến từ vùng An Nhơn. Làm nên những tạo phẩm tuyệt vời đó, có bàn tay những thợ khảm của làng nghề truyền thống thôn Cẩm Văn (xã Nhơn Hưng - huyện An Nhơn)...
* Lưu dấu nghề xưa
|
Anh Trần Văn Hùng đang giới thiệu một sản phẩm của làng nghề (ảnh: V.T) |
Người Cẩm Văn rất tự hào với nghề khảm, cẩn truyền thống, bởi họ đã gắn bó với nghề này từ hàng trăm năm nay. Trong ký ức của cụ Trần Nhi, một nghệ nhân cao niên trong làng, trước đây, nghề chạm, khảm phát triển lan rộng ra cả hai xã Nhơn Hưng và Nhơn An. Không ít những tủ thờ, liễn đối, bình phong… sản phẩm của làng nghề đã theo chân khách thương vào Nam, ra Bắc, trong tấm lòng trân quý của giới say mê đồ gỗ. Bẵng đi nhiều năm, làng nghề tưởng như lụn hẳn. Cho mãi đến năm 1995, khi có thị trường tiêu thụ, làng nghề mới gượng dậy được, nhưng cũng chỉ cầm chừng. Cả xã Nhơn An không còn hộ nào theo nghề, còn thôn Cẩm Văn thì cũng chỉ còn khoảng 5 - 6 hộ đang trụ lại với nghề. Làng nghề xưa sôi động là vậy, nay chỉ còn khoảng chục thợ chính, cùng ít thợ phụ làm theo thời vụ và vài bạn trẻ đang học nghề.
Nghề xưa, nay đã vợi đi đôi ba phần sắc sảo, bởi những ê-kíp thợ tài hoa, đã dần vắng bóng. Những tủ, liễn… sản phẩm hôm nay của làng nghề, vẫn rất đẹp, tinh xảo nhưng dường như cái hồn của nghề xưa đã vợi đi chút ít. Cụ Trần Nhi, nay dù 78 tuổi, nhưng vẫn miệt mài bên chiếc cưa, lưỡi đục, đặng truyền nghề lại cho con cháu, bởi: "Không truyền lại nghề này thì lấy ai làm nghề, làm sao giữ được nghề truyền thống của ông cha". Cả 5 người con cụ Nhi nay đều theo nghề này.
* Gian nan với nghề
Nguyên liệu của nghề khảm là gỗ cây gụ. Trước, loại gỗ này còn có thể tìm thấy ở những khu rừng sâu; nay, kiếm đỏ con mắt cũng không ra. Bởi vậy, các cơ sở khảm ở Cẩm Văn phải cắt cử nhau đi lùng mua lại những tấm phản gỗ gụ cũ ở các gia đình, đem về, rồi thuê thợ mộc đóng thành sản phẩm thô. Trên cơ sở đó, các thợ khảm, cẩn mới vào việc. Họ thổi hồn cho gỗ. Họ cẩn thận khảm lên đó nào ngọc trai, xà cừ... và tạo nên những sản phẩm tinh xảo. Mỗi sản phẩm được khảm với một mẫu mã có biến tấu riêng. Khi hoa lá, khi tích xưa, khi rồng, phượng… Mỗi thợ khảm, ngoài sự thành thạo về kỹ thuật, còn phải có con mắt nghệ thuật và một chút sáng tạo của người họa sĩ. Bởi vậy, từ khi bắt đầu xin vào làm thợ phụ, đến khi thành thục và ra nghề, mỗi thợ khảm phải bỏ ra không dưới vài ba năm cật lực.
Mỗi chiếc tủ thờ, khảm cẩn xong xuôi chào bán trên thị trường bán được giá chừng 17- 18 triệu đồng. Trong đó, tiền gỗ, tiền công thợ mộc đã chiếm chừng 1/3 giá trị; còn lại là tiền trai, xà cừ… Đó là chưa kể công khảm, cẩn. Một thợ than thở: "Chủ yếu là lấy công làm lời thôi!".
Anh Trần Văn Hùng, con trai cụ Nhi, năm nay 43 tuổi, đã có hơn 15 năm trong nghề, nay đã là chủ một cơ sở có vài thợ. Cứ vài ba tháng, gom được tiền, anh Hùng lại khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh tìm mua trai, xà cừ về trữ cho việc sản xuất. Anh Hùng tâm sự: "Làm được chiếc tủ hoàn chỉnh đầu tư bao công phu, tâm huyết, nhưng làm ra rồi, lại phải tính chuyện tìm đầu ra". Muốn tiêu thụ nhanh, được giá, các chủ cơ sở như anh Hùng phải cất công đưa hàng ra tận Hà Nội, hay vào thành phố Hồ Chí Minh- những thị trường lớn- để tiêu thụ. Nhưng do quy mô sản xuất nhỏ, lẻ nên càng thêm khó. Ngoài tủ thờ, các cơ sở này còn sản xuất thêm các sản phẩm như bình phong, liễn thờ, câu đối… Những mặt hàng này giá nhẹ, hợp với túi tiền và nhu cầu của người dân địa phương, dễ tiêu thụ hơn.
Mỗi thợ trong làng nghề, thu nhập tròm trèm một triệu đồng/tháng. Vậy mà thợ trẻ vẫn vắng bóng. Anh Hùng than thở: "Ở nông thôn, thu nhập vậy là khá. Vậy mà lớp trẻ cũng chẳng đứa nào chịu theo nghề truyền thống cả. Họ cứ lũ lượt vào Quy Nhơn, vào thành phố Hồ Chí Minh, kiếm việc làm hết cả. Xem ra, giữ được cái nghề của cha ông cũng khó lắm thay".
Trong câu chuyện với chúng tôi, những người thợ Cẩm Văn canh cánh bên lòng về những hướng đi giúp làng nghề ổn định về đầu ra và ngày càng phát triển nghề truyền thống của ông cha. Một điều kiện thuận lợi để họ phát triển nghề, sản phẩm vươn đến được những thị trường xa, nhằm chủ động về thị trường tiêu thụ vẫn luôn nằm trong những ước mong của họ.
. Khải Nhân
|