|
Bãi biển Cách Thử - Phù Cát (ảnh: H.T) |
Khu Đông gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó đừng mong ngày về, hoặc Khu Đông chín áo một quần... là những câu ca dao nổi tiếng, gắn liền với thành tích chiến đấu của mảnh đất khu Đông Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước trong kháng chiến chống Mỹ. Bây giờ, ở cái khu Đông một thời oanh liệt một thời hào hùng ấy đã và đang được quan tâm tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, và thật sự là vùng đất gạo trắng nước trong. Riêng khu Đông Tuy Phước, Phù Cát với nhiều tiềm năng du lịch, sẽ trở thành một vùng du lịch sinh thái đầy hấp dẫn trong tương lai.
Một ngày cuối tuần nào đó trong những ngày mùa hè tuyệt vời này, nếu các khu du lịch dọc đường Quy Nhơn - Sông Cầu, Hầm Hô, hồ Núi Một đã quá quen thuộc, các bạn hãy thử tổ chức một tour picnic "lữ hành" từ Quy Nhơn đến xã Cát Tiến - Phù Cát. Trên con đường này có nhiều điều lý thú và hấp dẫn đang chờ các bạn khám phá. Về phương tiện, có thể đi bằng xe đạp, xe máy hoặc ô tô; nhớ mang theo thức ăn trưa cùng nước uống.
Trước hết, xin các bạn đừng ngại đường xa vất vả, bởi đường 19B từ Quy Nhơn đi Tuy Phước, tỉnh lộ 640 từ thị trấn Tuy Phước xuống đến phía đông Phù Cát đã được thảm nhựa hoặc "bê tông hóa" khá phẳng phiu. Dọc đường, có những trạm nghỉ chân và tham quan mà có thể sẽ là điều bất ngờ đối với bạn.
Qua khỏi cầu Đôi vài km, rẽ vào đường 19B để đến thị trấn Tuy Phước, xin các bạn nhớ cho rằng trước đây Quy Nhơn nối liền với quốc lộ 1 bằng con đường này; các bạn đang đi trên con đường mà ngày xưa sứ thần nước Mỹ đã được nghĩa quân Tây Sơn đưa từ cửa biển Thị Nại đến thành Hoàng Đế (An Nhơn) để yết kiến vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Đến địa phận thôn Thuận Nghi thuộc phường Nhơn Bình - nơi giáp ranh giữa Quy Nhơn và Tuy Phước, mời các bạn ghé thăm chùa Hàm Long (còn gọi là chùa Hang). Đây là một ngôi chùa có bề dày lịch sử trên 300 năm, gắn liền với những thăng trầm của vùng đất này. Núi Hàm Long chạy dài phía sau lưng chùa là nơi đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh (1793). Nguyễn Ánh đại bại phải chạy sang Nhơn Lý rồi vào Gia Định... Cũng tại đất này, nghĩa quân Cần Vương do Đào Doãn Địch chỉ huy đã phục kích đánh cho giặc Pháp một trận tơi bời. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa Hàm Long là cơ sở bí mật của tổ chức Đảng địa phương. Sau hiệp định Genève (1954) chùa là trụ sở của Ủy ban liên hiệp đình chiến liên khu V, nơi làm việc của phái đoàn Trung ương về triển khai hiệp định tại Bình Định, do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa cũng là nơi liên lạc của cán bộ, chiến sĩ khu Đông khi hoạt động trong lòng địch... Hiện nay khu vườn chùa bên sườn núi được xây dựng thành khu vườn tượng Phật giáo rất hoành tráng; là nơi nghỉ ngơi, ngắm cảnh của khách thập phương khi đến viếng chùa.
Đi thêm vài km nữa, các bạn sẽ đến Trường Úc - một làng nghề nung vôi truyền thống nổi tiếng với câu ca dao: Bao giờ Trường Úc hết vôi/ Thì anh hết đứng hết ngồi với em. Bên cạnh cầu Trường Úc là một bãi đất trống được dùng làm sân bóng đá. Đây chính là ngôi chợ độc đáo, nổi tiếng cả nước vì chỉ họp chợ vào buổi sáng mùng một Tết hàng năm, bán những sản phẩm địa phương và tổ chức các trò chơi dân gian... thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tìm về trẩy hội Chợ Gò.
Từ thị trấn Tuy Phước, theo tỉnh lộ 640 xuống khu Đông, các bạn nên ghé thăm một di tích văn hóa- lịch sử quốc gia, trên núi Huỳnh Mai, thuộc xã Phước Nghĩa. Bước qua vài trăm bậc đá, bạn sẽ gặp khu lăng mộ của danh nhân văn hóa Đào Tấn. Thắp nén nhang tưởng niệm danh nhân sản sinh từ quê hương Bình Định rồi phóng tầm mắt nhìn xuống bên dưới, toàn cảnh phía tây huyện Tuy Phước với ruộng đồng, nhà cửa, sông nước hữu tình lấp lánh dưới ánh nắng ban mai, chắc hẳn trong lòng bạn đang dạt dào cảm xúc trước cảnh quê hương yên bình, trù phú.
Qua khỏi Phước Thuận, đến Phước Sơn, các bạn sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của những nhà vườn rợp bóng cây xanh, chẳng thua gì nhà vườn xứ Huế. Phía đông Phước Sơn là đầm Thị Nại với những địa danh quen thuộc: Huỳnh Giảng, Cồn Chim... bạt ngàn những bờ tôm và rừng ngập mặn, một vùng sinh thái đang được đầu tư tái tạo. Mà thôi, đến được vùng này thì đường còn xa, hãy chờ một dịp khác, ta cứ theo tỉnh lộ 640 đi tiếp cho đúng với tour tuyến đã đặt ra cho chuyến đi này.
Đứng trên cầu Gò Bồi bắc qua nhánh sông Côn, ngắm nhìn thị tứ của xã Phước Hòa be bé, xinh xinh với những ngôi nhà ngói cổ, người am hiểu về lịch sử vùng đất này có thể sẽ chạnh lòng mà thốt lên câu cảm thán: "Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!". Vâng, gần trăm năm trước, nơi đây luôn tấp nập trên bến dưới thuyền, khách thương hồ trong Nam, ngoài Bắc; tàu thuyền nước ngoài vào ra "ăn" hàng, có thua gì Hội An (Quảng Nam) hay Phố Hiến (Nam Định) ngày ấy. Thời gian đi qua với bao cảnh "thương hải tang điền" đã làm cho thủy đạo này bị bồi lấp dần, đã trở thành một… bến sông quê!.
Đi dọc theo bờ sông Gò Bồi chừng vài trăm mét, bạn ghé lại tham quan nhà lưu niệm Xuân Diệu - được đặt ngay tại nơi mà ngày xưa nhà thơ của tình yêu đã được sinh ra. Đứng trầm ngâm bên tượng bán thân nhà thơ, trong làn gió se se thổi qua mặt sông, cơ hồ nghe tiếng ngoại gọi "Bàng ơi!" vọng về trong không gian huyền thoại (Bàng là tên nhà thơ lúc còn bé, bà ngoại nhà thơ thường gọi). Đây cũng là xứ sở của món đặc sản nước mắm và chả cuốn Gò Bồi nổi tiếng, và là nơi Xuân Diệu đã tự hào về mối lương duyên Ông đồ Nghệ lấy cô hàng nước mắm...
Qua khỏi Phước Hòa, biển xanh hiện lên rực rỡ với dải cát trắng lấp lánh chạy dài. Phía đông là dãy Phương Mai hùng vĩ, gợi nhớ truyền thuyết ông Khổng lồ gánh đá lấp đầm. Con đường như hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên bao la, hùng vĩ và đầy chất lãng mạn. Một tia nắng, một làn gió biển như cũng làm xao lòng du khách trước vẻ đẹp còn nguyên sơ, dạt dào tình đất, tình người khu Đông.
Đừng quá bịn rịn với biển xanh, cát trắng, bởi chúng ta còn một điểm cuối của cuộc hành trình, đó là ngôi chùa Linh Phong (còn gọi là chùa Ông Núi) vốn nổi tiếng là một "danh tự". Linh Phong cổ tự được xây dựng từ năm 1702, trên một ngọn đồi ở phía nam núi Bà, thuộc xã Cát Tiến - Phù Cát, lưng tựa vào núi cao, mặt trông ra biển, có suối nước uốn lượn quanh chùa, có cảnh quan sơn thủy hữu tình. Ở đây bạn sẽ được nghe kể lại những truyền thuyết như thực như mơ về ngôi chùa cổ gắn liền với Ông Núi - vị sư trụ trì đầu tiên, được vua Minh Mạng ban pháp hiệu Tĩnh Giác Thiện Trì- Đại lão thiền sư. Đây cũng là nơi danh nhân văn hóa Đào Tấn từ quan về ở ẩn và sáng tác những bài thơ để đời... Hiện nay chùa đã được trùng tu khá khang trang.
Buổi trưa ở chùa Linh Phong thật tĩnh mịch, chỉ có tiếng gió thổi qua rừng cây và rì rào tiếng sóng vỗ bờ. Các bạn có thể ăn trưa, nghỉ ngơi, thư giãn, rồi leo núi, tắm biển, câu cá, vui đùa, hát cho nhau nghe hoặc ngồi bên tảng đá ven suối, hòa lòng mình cùng thiên nhiên thanh khiết để quên đi những bận bịu của đời thường; để thấy rằng tour lữ hành Quy Nhơn - chùa Linh Phong đã để lại nhiều ấn tượng, và mong có dịp đi trở lại trên con đường văn hóa khu Đông.
. Quang Sinh
|