Đầu tư cho thương hiệu - đầu tư cho tương lai
11:43', 6/8/ 2003 (GMT+7)

Thương hiệu mạnh, phổ biến là yếu tố quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế hiện đại. Các sản phẩm do các doanh nghiệp Bình Định sản xuất nếu có đôi chút tiếng tăm thì có chăng cũng chỉ được nhớ đến ở phạm vi trong tỉnh, ít xuất hiện trên thị trường khu vực hoặc quốc gia. Thương hiệu đã trở nên cực kỳ quan trọng trong một thị trường đa dạng, nhiều màu sắc, và cạnh tranh quyết liệt như hiện nay.

* Giá trị thương hiệu không tự nhiên mà có

Mấy năm trước nhiều người đã hết sức ngạc nhiên khi biết Tập đoàn Unilever (Mỹ) đã định giá thương hiệu kem đánh răng P/S tới 4,5 triệu USD, hoặc như khi tiến hành cổ phần hóa Công ty sản xuất nước khoáng Vĩnh Hảo, chỉ riêng chữ Vĩnh Hảo không thôi đã được đánh giá đến gần 7 triệu USD. Thương hiệu có uy tín lớn là một giá trị vô hình kết tinh sau nhiều năm đầu tư. Gần đây một tập đoàn hoá chất tẩy rửa của Mỹ đã đặt giá 3,5 triệu USD để mua nhãn hiệu nước rửa chén Mỹ Hảo nhưng đơn vị sở hữu nhãn hiệu này nhất quyết từ chối. Họ tuyên bố không có ý định bán "Mỹ Hảo", vả lại chừng ấy tiền thì chỉ đủ mua chữ "M" trong cụm "Mỹ Hảo"... Những ví dụ trên cho thấy nhiều thương hiệu Việt Nam đã có giá trị không chỉ với thị trường nội địa mà còn mở rộng ảnh hưởng ra thị trường nước ngoài. Thậm chí có doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu mua lại thương hiệu nước ngoài như trường hợp Công ty bánh kẹo Kinh Đô đã mua lại thương hiệu kem Wall của Tập đoàn Unilever... Cùng với việc nhiều nhãn hiệu sản phẩm Việt Nam lên giá là hiện tượng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam như trường hợp võng xếp Duy Lợi, cà phê Trung Nguyên ở Nhật Bản, kẹo dừa Bến Tre ở Trung Quốc…

Khi khởi nghiệp, Kinh Đô, Mỹ Hảo hay Duy Lợi, Trung Nguyên cũng chỉ là những tổ hợp sản xuất nhỏ, có khi chỉ sản xuất với mô hình cơ sở sản xuất gia đình. Nhưng với tầm nhìn xa, với chiến lược kinh doanh khôn ngoan, định hướng xây dựng thương hiệu rõ ràng, những doanh nghiệp này đã lớn lên mau chóng. Trở lại với các doanh nghiệp Bình Định, bằng trực quan thôi cũng đủ thấy rằng các sản phẩm do các doanh nghiệp Bình Định sản xuất hiện nay rất ít xuất hiện trên thị trường khu vực miền Trung. Một trong những nguyên nhân là do sản phẩm của chúng ta thiếu thương hiệu và thiếu sự đầu tư cần thiết để quảng bá thương hiệu, tiếp thị và phân phối sản phẩm.

* Thiếu định hướng hợp lý

Gắn thương hiệu lên sản phẩm, tự nhà sản xuất đã thể hiện một cam kết trách nhiệm về chất lượng với khách hàng. Đồng thời khi sản phẩm tốt thì người tiêu dùng cũng dễ dàng tìm mua hơn, yên tâm hơn khi chọn dùng những sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác tử tế. Câu chuyện Bidiphar sản xuất dịch truyền là một ví dụ. Trước Bidiphar, chưa hãng dược phẩm nào ở Việt Nam sản xuất thành công sản phẩm dịch truyền. Bidiphar nghiên cứu sản xuất thành công đã khó, làm cho sản phẩm có tên tuổi, được khách hàng chấp nhận còn gian nan hơn. Nhưng nhờ định hướng đầu tư, nhờ chiến lược quảng bá thương hiệu hợp lý, giờ đây Bidiphar có thể ngẩng mặt tự hào với khẩu hiệu (slogan) – Bidiphar nhà sản xuất dịch truyền lớn nhất Việt Nam. Tiếc là những ví dụ như vậy ở Bình Ðịnh chưa có nhiều.

Sản phẩm có nhãn hiệu không có nghĩa nó đương nhiên được thị trường biết đến. Một loại sản phẩm nào đó ít ra cũng có tới vài chục đơn vị sản xuất, chào bán, quảng cáo. Và tìm cách đưa đặc tính ưu việt của sản phẩm, tên tuổi của mình vào trong trí nhớ của khách hàng. Quá trình này được gọi là tiếp thị. Những sản phẩm không được tiếp thị hoặc được tiếp thị kém hầu như sẽ không thể chen chân vào thị trường tiêu dùng vốn càng lúc càng chật hẹp. Tất cả các thương hiệu đọng lại trong trí nhớ của người tiêu dùng đều là những sản phẩm được doanh nghiệp quan tâm tiếp thị nghiêm túc, được triển khai bằng những kế hoạch bài bản, dài hơi…

* Cần lắm những kế hoạch dài hơi

Ống nhựa do công ty COSEVCO 75 sản xuất xét về các thông số kỹ thuật không thua kém các sản phẩm cùng loại có bán trên thị trường, giá bán lại rẻ nhất. Nhưng theo các chủ cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng cho biết thì ống nhựa COSEVCO 75 bán rất chậm, lý do là tiếp thị kém quá, công ty không có những chương trình khuếch trương thương hiệu hỗ trợ. Nói như vậy để thấy rằng chất lượng cao, giá cả cạnh tranh chưa hẳn sẽ đem lại thành công.

Đã đến lúc chúng ta phải tự mình trả lời những câu hỏi: Chất lượng sản phẩm do các doanh nghiệp Bình Định sản xuất có mẫu mã khá đẹp, đa dạng, có đủ các chứng nhận chất lượng, giải thưởng tại các cuộc thi, hội chợ triển lãm... Vậy tại sao cũng là nước khoáng, giày da, hàng thủ công mỹ nghệ nhưng các tên tuổi của Bình Ðịnh như Chánh Thắng, Bidirubex, Bình Minh... chưa đủ sức chen vai thích cánh với Vĩnh Hảo, Đảnh Thạnh, Thạch Bích, Bita’s, Asia, Bamboo...? Có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên có lẽ là do thiếu thương hiệu mạnh. Thương hiệu của sản phẩm thể hiện một phần cam kết của nhà sản xuất về chất lượng, độ an toàn sử dụng của sản phẩm với khách hàng. Người tiêu dùng thường yên tâm khi chọn dùng những sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác tử tế. Sản phẩm có thương hiệu khi chiếm được lòng tin của khách hàng dễ dàng mở rộng được thị trường, thu hút khách hàng. Nước mắm Đức Viên, Mười Thu đang bắt đầu chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh và có thêm nhiều khách hàng ở các tỉnh bạn là một trong những bài học điển hình về phát triển thương hiệu.

. Đông A

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch con đường văn hóa khu Đông   (06/08/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ sản xuất kinh doanh   (06/08/2003)
Cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ   (06/08/2003)
Cuộc chiến chống "lâm tặc" - Còn lắm gian nan !   (06/08/2003)
Truân chuyên nghề khảm Cẩm Văn   (06/08/2003)
"Di tích Động Cườm cần được bảo vệ bằng mọi giá"   (06/08/2003)
Ký ức thành cổ   (06/08/2003)
Cù Lao Xanh, xanh mãi...   (06/08/2003)
Vài nhận xét và đề xuất với báo Bình Định   (06/08/2003)
Đôi điều cảm nhận về báo Bình Định   (06/08/2003)
Báo Bình Định trên đường hội nhập và phát triển   (06/08/2003)
Đôi khi…  (23/07/2003)
Giao mùa   (23/07/2003)
Chuyện để ngẫm nghĩ   (23/07/2003)
Thơ... mất gà   (23/07/2003)