|
Đoàn Thanh Tâm |
Tại Liên hoan sân khấu Tuồng không chuyên (TKC) toàn quốc được tổ chức tại TP Nha Trang vào tháng 7 vừa qua, 2 vở tuồng: "Con trai của Sơn thần" (đoàn TKC Bình Định) và "Kẻ nô lệ" (đoàn TKC Bắc Ninh) của tác giả Đào Minh Tâm, do Anh Khoa chuyển thể, đều đoạt HCV. Nghe cái tên Anh Khoa, tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng thầm cho sân khấu truyền thống tỉnh nhà có thêm một cây bút mới. Nhưng hỏi ra mới biết, Anh Khoa là "bút danh phụ" của Đoàn Thanh Tâm - một tác giả trẻ của Nhà hát tuồng (NHT) Đào Tấn.
* Vài nét chân chung
Đoàn Thanh Tâm có một lợi thế lớn khi bước vào nghề sáng tác kịch bản sân khấu, bởi vì anh là một diễn viên tuồng được đào tạo bài bản (tốt nghiệp lớp trung cấp diễn viên tuồng - trường THVHNT Bình Định năm 1983, về công tác tại NHT Đào Tấn cho đến hiện nay). Thêm vào đó, gần 10 năm sống với tác giả lão thành Tống Phước Phổ, anh đã được ông "móc ruột" truyền nghề. Nhưng bấy nhiêu ấy vẫn chưa đủ, bởi viết tuồng không đơn giản. Ngoài cái chung của một tác phẩm sân khấu như: xây dựng tính cách nhân vật, tạo tình huống kịch, thắt - mở gút... thì ở bộ môn kịch hát như tuồng cần phải rành về luật thơ (Lục bát, Đường luật...) và am hiểu sâu sắc về làn điệu (nói lối, hát nam, hát khách...). Được NHT Đào Tấn tạo điều kiện, Đoàn Thanh Tâm đã tốt nghiệp khoa biên kịch - trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội khóa 1996- 2000. Tác phẩm tốt nghiệp của anh là vở tuồng Nguyễn Hoàng (đề tài lịch sử, bi kịch về sự tranh giành quyền lực Trịnh - Nguyễn ở thế kỷ 16) được NHT Đào Tấn dàn dựng, đoạt giải B tặng thưởng hàng năm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - 2002. Vở này cũng đã được Nhà hát Cung đình Huế dàn dựng, đoạt giải C Liên hoan sân khấu miền Trung - 2003. Cũng tại Liên hoan này, vở Mộng bá vương (tác giả Văn Trọng Hùng; Đoàn Thanh Tâm chuyển thể) đoạt giải B; riêng Đoàn Thanh Tâm được tặng bằng khen dành cho tác giả chuyển thể xuất sắc. Năm 1997, lúc còn là sinh viên, anh đã viết chung với tác giả Văn Sử vở Hoàng tử Rama và nàng Sita, NHT Đào Tấn dàn dựng tham dự Liên hoan sân khấu Đông Nam Á tại Campuchia, đoạt giải B. Vở này cũng đã được trao tặng giải B Giải thưởng Xuân Diệu - Đào Tấn của tỉnh Bình Định (1996- 2000).
Trưởng thành từ một diễn viên tuồng, với tính cách khiêm tốn, không thích sự khoa trương, Đoàn Thanh Tâm lặng lẽ tìm tòi, học hỏi, để tạo cho mình một con đường riêng trong việc sáng tác. Trong lúc sân khấu tuồng Bình Định khan hiếm tác giả thì Đoàn Thanh Tâm đã xuất hiện đúng lúc và kịp thời. Các kịch bản của các tác giả Văn Trọng Hùng (Mộng bá vương), Lê Duy Hạnh (Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Trời Nam...) đều có sự góp phần chuyển thể của anh.
Là một tác giả đã được khẳng định, nhưng anh chẳng nề hà gì trong mọi công việc nghệ thuật. NHT Đào Tấn dựng vở mới hoặc biểu diễn mà thiếu diễn viên, anh sẵn sàng nhảy lên sân khấu đóng một vai phụ nào đó; hoặc đóng vai quân sĩ; hoặc tham gia tiết mục múa trong các vở diễn; hoặc làm âm thanh, ánh sáng... anh đều vui vẻ nhận và hoàn thành nhiệm vụ. 39 tuổi với 20 năm làm nghệ thuật, Đoàn Thanh Tâm vẫn hằng tâm niệm con đường nghệ thuật của anh còn dài, còn nhiều thử thách, đích đến vẫn còn ở phía trước, nên anh càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn.
* Một khúc tâm tình
Chúng tôi đã có dịp tâm sự về nghề nghiệp sân khấu với Đoàn Thanh Tâm khi anh vừa trở về Quy Nhơn từ trại sáng tác Vũng Tàu (Hội NSSKVN tổ chức). Tuy rất vui vì những thành tích bước đầu của mình, nhưng trong anh vẫn còn nhiều trăn trở, lo toan cho tiền đồ của bộ môn sân khấu truyền thống (SKTT).
- Anh nghĩ gì về các tác phẩm sân khấu hiện nay?
+ Tôi chỉ là lớp kế thừa, cần phải học tập rất nhiều ở nhiều tác giả sân khấu bậc thầy. Qua các đợt liên hoan, hội diễn vừa qua, nhiều nhà hoạt động sân khấu có uy tín đã cho rằng: kịch bản sân khấu thì không thiếu; nhưng tìm cho được những kịch bản hay, có giá trị cao thì rất hiếm!
- Điều gì làm anh băn khoăn nhất?
+ Nhằm tinh giảm biên chế nghệ thuật, một số tỉnh hiện nay đã và đang sắp xếp, tổ chức các đơn vị nghệ thuật thuộc các kịch chủng khác nhau vào chung một nhà hát (riêng ở Bình Định thì không thực hiện việc "thử nghiệm" này). Không biết có tinh giảm biên chế được không, có gây nên hệ quả là chất lượng nghệ thuật giảm sút hay không, nhưng có một điều bất lợi thấy rất rõ là việc cào bằng các đặc trưng của từng bộ môn trong việc tuyển chọn, học nghề, hành nghề đang diễn ra. Đã đến lúc những người có trách nhiệm với ngành sân khấu nên có cái nhìn thẳng thắn và tích cực hơn với bộ môn SKTT, ở cả hiện tại và tương lai.
* Tác giả Đoàn Thanh Tâm sinh năm 1964. Quê Nhơn Khánh – An Nhơn
* Các sáng tác: Gương trong mắt sáng (1996 – NHT Đào Tấn dàn dựng); Chuyện tình Bạch Trân Nương (1997 – NHT Đào Tấn); Hoàng tử Rama và nàng Sita (1997 – viết chung – NHT Đào Tấn); Nguyễn Hoàng (2000 – NHT Đào Tấn, Nhà hát Cung đình Huế);
* Tác phẩm chuyển thể: Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc (1995 – NHT Đào Tấn – HCV Hội diễn toàn quốc 1995); Trời Nam (1999 – NHT Đào Tấn – HCV Hội diễn toàn quốc 1999); Mộng bá vương (2003 – NHT Đào Tấn – giải B LHSK miền Trung 2003); Kẻ nô lệ (2003 – TKC Bắc Ninh – HCV); Con trai của Sơn thần (2003 – TKC Bình Định – HCV). |
- Còn với sân khấu truyền thống Bình Định?
+ Điều đáng lo nhất là SKTT ngày càng thưa vắng khán giả, không chỉ ở Bình Định mà trên bình diện cả nước. Lớp trẻ thì hầu như xa lạ với "tinh hoa văn hóa dân tộc". Khâu đào tạo đội ngũ kế thừa cho SKTT, nhất là diễn viên, cũng là vấn đề bức xúc. Có thể nói rằng việc đào tạo lại trường lớp chỉ cần vài ba năm, nhưng khi hành nghề thì với nghệ thuật tuồng phải mất 10 năm mới có thể giỏi nghề; với dân ca kịch ít ra phải mất 5 năm. Để thành tài, thành danh là một chặng đường dài đầy cam go, thử thách, không phải ai cũng có thể vượt qua. Nhìn lại NHT Đào Tấn và Đoàn CKBC Bình Định, hiện nay những diễn viên trụ cột thì tuổi đời phần lớn là trên 40, mà lực lượng kế cận thì quá mỏng, việc "thanh xuân hóa" sân khấu là cần thiết, nhưng đầy khó khăn, chưa có giải pháp khả thi…
- Vâng, xin được chia sẻ những nỗi niềm của anh. Về vấn đề này, nên chăng chúng ta cùng nói theo "giọng" của các vở diễn kiểu chương-hồi rằng: Xem tiếp hồi sau sẽ rõ!
. Thúy Vi |