Truyện ngắn:
Một truyền thuyết về Lửa
11:49', 6/8/ 2003 (GMT+7)

Câu chuyện này xin được dành kể về Châu, về những ngày cuối cùng của đời anh ở Trường Sơn. Chỉ có điều lạ là, sau này khi người ta tìm được hài cốt của Châu, thấy có một bao diêm bọc trong giấy nylon rất cẩn thận, những que diêm không hề bị ẩm, quẹt vẫn lên lửa.

Không biết loài người từ đêm trường mông muội đã tìm ra lửa và giữ lửa như thế nào? Cũng không biết con người trong quá trình tiến hóa đã sáng tạo ra bao nhiêu truyền thuyết, tôn vinh bao vị thần về Lửa? Chỉ biết với chúng tôi, hai anh bộ đội trên đường Trường Sơn năm ấy, việc tìm ra lửa và giữ lửa quả hiếm thấy và cũng giản đơn hơn nhiều.

Lần ấy tôi nhận nhiệm vụ đưa Châu, một thương binh về tuyến sau để ra Bắc điều trị. Châu ít hơn tôi một tuổi nhưng vào chiến trường trước tôi một năm. Phải nói thêm đây là chuyến đi đối với tôi và cả Châu đều chỉ là để thi hành mệnh lệnh, bởi đã là lính chiến có anh nào vào rồi còn muốn ra! Máy bay, biệt kích vùng này hoạt động khá căng. Chúng tôi phải cắt rừng tìm đường riêng và ngắn, vừa để an toàn vừa dưỡng sức Châu. Trước tiên tôi đặt ra nhiệm vụ đảm bảo ngày nổi lửa ít nhất một lần để ăn chín uống sôi, thế mới mong cả hai có sức mà đi.

Nhưng vừa xuất phát, một tình huống nhỏ đã đẩy chúng tôi vào hoàn cảnh ngặt nghèo: chiếc bật lửa duy nhất mang theo bị rơi lúc vượt sông. Nước này thì xơi lương khô và uống nước suối là cầm chắc. Giữa lúc ấy Châu moi ở đâu ra một bao diêm, đếm còn đúng mười que. Kể cũng lạ, làm sao mà cậu ta giữ được một bao diêm nhãn hiệu Thống Nhất hẳn hoi, khi vào đây đã mấy năm? Cầm bao diêm đưa tôi, Châu cứ làm như trao một vật kỷ niệm, vẻ tiếc nuối lắm. Tôi nghĩ bụng: kỷ vật gì thì kỷ vật, trước hết nó phải là bao diêm cho lửa và nấu chín cơm lúc này!

Mấy que diêm với chúng tôi, giữa cái mưa Trường Sơn đầy tính khí này, thật quý hóa. Có vàng chưa đổi được. Bởi giản đơn là nó cho chúng tôi duy trì sự sống. Châu đề nghị dùng dè xẻn. Chia mười que thành cơ số cho mỗi ngày. Tôi phát hiện ra ở Châu, ẩn sau vẻ thư sinh mộng mơ, là sự chắc chắn, biết lo xa của người lính từng trải chiến trường.

Hai ngày đầu, lộ trình diễn ra mát mái, cơ số diêm thực hiện chặt chẽ. Đã có cơm chín nước sôi và đặc biệt có nước rửa vết thương thay băng cho Châu. Cơn sốt ở cậu ta cũng đã cắt. Châu có vẻ tỉnh ra và đi ít phải dìu. Ngồi vắt vẻo trên cánh võng Châu lại hào hứng kể về mối tình đầu của mình. Tôi lúc ấy còn mải ngồi phác kế hoạch đi hôm sau, nên câu chuyện chỉ vào tai bập bõm. Đại thể là có cô bé tên Hồng, lớn hơn Châu hai tuổi. Hai đứa chơi thân, hay nhặt những viên sỏi trắng đánh vào nhau cho phát ra những ánh lửa lập lòe như đít con đom đóm. Một lần trong góc tối (để nhìn ánh lửa cho rõ hơn) cùng với cái ánh lửa phát ra từ hai viên sỏi, cậu con trai lờ mờ cảm nhận có một ngọn lửa vô hình nóng rực. Thế rồi cậu bỗng nhận được cái hôn "sét đánh" từ cô bạn vừa ù té chạy ra ngoài. Những viên sỏi trong tay cậu như còn rực nóng…

Nhưng sự đời không phải lúc nào cũng chiều người ta. Ngày thứ ba, cái cơ số diêm có cơ bị phá vỡ. Hôm đó tôi nhận nổi lửa, còn Châu cảnh giới địch. Hai que diêm đầu đi tong bởi ngọn gió nuốt chửng, để lại vài sợi khói cay xè mùi củi ướt. Que thứ ba lửa vừa bén thì Châu bỗng chạy lại đổ ụp cả cái mũ cối nước vào bếp. Tôi ngẩng lên, đang còn ngơ ngác thì hai chiếc "chuồn chuồn" vè vè nhô lên phía bìa rừng. Thế là tắt ngấm mọi ý định nổi lửa và cũng đi tong mấy que diêm. Chúng tôi chỉ còn đúng ba que diêm cho những ngày đi tiếp. Ấy là chưa tính đến bao bất trắc đang đợi vốn rất sẵn trên đường Trường Sơn. Phải thay đổi cách thức hành quân ngay. Một lần nữa Châu đưa ra đề xuất: Chỉ dùng ba que diêm cuối cùng khi thật cần thiết. Tức là không dùng nó để lấy lửa, mà chỉ giữ nó như một thứ lửa tinh thần vậy! Chúng tôi phải tự tạo ra lửa bằng hai cái đầu cộng lại và bản năng sinh tồn của hai con người…

Lại một ngày nhá lương khô uống nước suối, bởi "ba ông đầu rau" vẫn nguội lạnh. Tôi bắt đầu lo cho sức khỏe của Châu. Không có nước sôi rửa thay băng, vết thương của cậu ta lại sưng tấy. Đành chấp nhận mạo hiểm, chúng tôi đi về phía bãi bom B52 rải hồi trưa, ngõ hầu tìm ra lửa. Khi chúng tôi đụng một sóc nhỏ, một cảnh tượng thê lương, hoang tàn như từ thời đồ đá hiện ra. Không còn nhận ra đâu là nhà, đâu lối đi. Những thân cây cỡ người ôm vỡ toác, đổ ngổn ngang, lửa còn bám trên thân cành. Bước lên nền một ngôi nhà đất còn bỏng rộp, trong đống tranh tro lẫn quần áo cháy dở, có mùi thịt cháy khét, không biết của xác thú hay xác người. Chưa kịp đặt chiếc bồng xuống bỗng một trận gió cuốn tới, kéo theo những cái chổi lửa khổng lồ táp phần phật. Tức thì lửa chặn trước mặt, lửa thốc sau lưng chúng tôi. Cả cánh rừng lồ ô bốc cháy, tiếng tre nổ như tiếng súng hiệp đồng. Chúng tôi đã sa vào trận đồ bát quái của lửa. Phải nhanh chóng và tỉnh táo tìm đường rút ra. Nếu càng chạy thục mạng, không xem chiều gió, cái thòng lọng lửa sẽ càng thít chặt. Sau một hồi vùng vẫy, chống chọi với con quỷ lửa, chúng tôi đã thoát hiểm, tới một con dốc ngồi thở tưởng đứt hơi. Cổ họng bỏng rát, chân tay mặt mũi tướp táp vết cỏ tranh cứa. Có quả bí xanh mót từ cái rẫy hoang liền đập ra mỗi đứa một khúc nhai sống. Châu tỏ ra có kinh nghiệm, bảo phải nhóm bếp ở ngay đây. Thế mới không sợ địch phát hiện. Đúng rồi! Máy bay làm sao phân biệt khói bếp và khói cháy rừng đang còn mù trời kia. Chiều ấy chúng tôi được bữa nấu nướng xì xụp. Nhưng đến lúc ăn, cổ họng tôi bỗng ứ nghẹn buồn nôn. Hình ảnh ngọn lửa đỏ quánh cùng mùi thịt khét ở cái nền nhà ám ảnh tôi.

Chúng tôi tiếp tục đi với ba que diêm "giữ lửa". Bệnh tình Châu bỗng sút trông thấy. Vết thương tái phát hành cậu ta suốt đêm. Hùa với vết thương, chứng sốt rét ngóc dậy. Hôm qua chạy lửa, Châu chạy khỏe; lúc ăn, Châu ăn được, còn động viên tôi ăn; tôi đã vội mừng. Cái câu nói "Từ trong ngọn lửa chết chóc, ta tìm ra ngọn lửa sự sống" để tôi đùa Châu là nhà thơ là câu Châu nói lúc ấy.

Phải có lửa để nấu cháo và đun nước sôi rửa thay băng cho Châu. Tôi quyết định dùng đến cơ số diêm cuối cùng. Song Châu lại cương quyết phản đối. Cậu ta đưa ra lý: "Chắc gì hôm nay đã tới trạm. Còn ngày mai, ngày kia thì sao?". Quyết định của tôi chỉ có giá trị năm mươi phần trăm! Nhưng tôi cũng không thể ngồi bó tay nhìn sức khỏe của Châu đang xấu đi nhanh chóng. Lỡ cậu ta mà quị, tình thế còn tồi tệ thế nào?! Thế là giữa chúng tôi nổ ra cuộc đấu lý gay gắt, bất phân thắng bại.

Xế chiều, chúng tôi phát hiện có dấu "bẻ cò", liền cắt đường, lần theo dấu lá, hy vọng gặp người. Nhưng đi được ít phút, bỗng nghe tiếng súng nổ ran rất gần. Tôi đành để Châu ở lại, ôm súng bám theo để trinh sát. Không thể để Châu cùng đi bởi cậu ta lại bắt đầu lên cơn sốt. Trước lúc đi, cùng với dặn dò uống thuốc, cảnh giới, tôi còn chuẩn bị sẵn cả củi, nước và không quên bảo: cứ nhóm lửa đun nước nấu cháo. Tôi đi sẽ quyết tâm gặp được bộ đội hoặc dân địa phương. Còn Châu lúc ấy nhìn tôi với đôi mắt màu nâu hơi mở to như mắt con gái: "Anh lo cho em thế là đủ lắm rồi. Anh cứ đi đi. Có sao thì cứ để em nằm lại. Rừng ở đây mát mẻ lắm". Rồi Châu lấy bao diêm đưa tôi. Không! Tôi bỗng ôm chầm lấy Châu. Tôi phải đi để tìm phương sống cho Châu, cho tôi…

Quả như tôi nói, tôi đã gặp một thanh niên địa phương. Hỏi về tiếng súng nổ, anh cho biết: Một tổ vận tải đụng thám báo. Giải phóng không bị ai. Hai thằng Mỹ chết, xác còn bên suối. Qua anh, tôi còn được biết trạm quân y tuần trước bị bom B52, đã rời cứ, ở cách đây một ngày đường. Khi biết tôi còn một người bạn bị thương lại bị sốt, anh ta tỏ ra lo lắng và sốt sắng: "Phải đưa nó về chỗ ta thôi. Có lửa nó mới sống. Ở đây nhiều thám báo, nhiều thú dữ lắm. Sáng mai ta sẽ dẫn đường về quân y". Tôi bảo anh đưa đến chỗ xác hai thằng Mỹ, lục túi lấy được cái hộp quẹt và một bao thuốc lá cho Châu, rồi nhanh chóng trở lại chỗ cũ.

Lúc này ánh ngày chỉ còn đọng ở cửa rừng. Tìm gọi mãi, không thấy Châu đâu cả. Hay cậu ta sốt ruột lại đi tìm tôi? Hay đã đụng thám báo? Cũng không loại trừ khả năng cậu ta "trốn" trở vào mặt trận, bởi chẳng đã có lúc cậu ta rủ rê tôi quay lại đơn vị. Mãi đến lúc người bạn đường mới gặp làm động tác khịt khịt mũi ra hiệu có mùi thuốc lá, tôi mới phát hiện ra Châu trên cánh võng mắc cao giữa hai cành cây. Linh cảm mách bảo điều chẳng lành. Điều thuốc lá trên tay Châu đã cháy lém vào thịt. Châu vẫn nằm yên như ngủ. Khẩu súng AK vẫn vắt ngang ngực ở tư thế sẵn sàng nhả đạn. Tôi lay gọi Châu trong nỗi tuyệt vọng của con thú mất bạn. Trong lúc lấy bộ quần áo mới ra thay cho Châu, tôi tìm thấy bao diêm vẫn bọc kỹ trong lớp vải nhựa. Tôi kinh ngạc khi thấy ba que diêm vẫn nguyên. Vậy Châu đã lấy lửa ở đâu để hút thuốc? Tôi chợt nhớ cái ánh lửa từ những viên sỏi trong thiên diễm tình Châu kể, có cô bé Hồng nào đó… Và tôi cũng thấy ân hận khi nhớ lại trước đó đã có lần đang giữa cơn sốt, Châu đòi xin một que diêm để đốt thuốc, tôi bị bất ngờ và bực thật sự. Tôi cho rằng vào chính cái phút ấy đã có một cái chết bi quan đang đè nặng xuống cậu ta. Và tôi đã nói với Châu bằng cái giọng chính trị viên: Rằng, chúng ta đi đây là đi bằng cái đầu; trong cuộc chiến đấu này muốn chiến thắng kẻ thù trước hết phải biết chiến thắng hoàn cảnh và chính mình. Có ngờ đâu những câu nói hay ho đó bây giờ chỉ còn là một mớ lý thuyết vô hồn của tôi.

Anh thanh niên địa phương chỉ dòng chữ được chích bằng mũi dao dưới gốc cây mắc võng ý bảo đọc cho nghe. "CHÂU, NGÀY… THÁNG… NĂM…". Dòng chữ mới viết, nhựa cây còn chảy ròng ròng như máu… Ngày mai nhựa cây khô, dòng chữ sẽ thành vết sẹo của cây thay cho tấm bia cùng bạn tôi vĩnh viễn nằm lại với rừng…

Tôi cẩn thận cất bao diêm vào chỗ túi ngực của Châu. Đây chính là phần lửa Châu trao lại cho tôi đi tiếp chặng đường ngày mai. Không, đi tiếp chặng đường cuối của cuộc chiến tranh; để đến một ngày đứng trước khải hoàn môn chiến thắng tôi nhủ thầm: giữa một cuộc chiến tranh tầm cỡ thế kỷ, chứa những tư tưởng thời đại; cuộc chiến tranh ở đó huy động tất cả vũ khí, trí tuệ văn minh, hiện đại, vẫn còn có hai con người đi ngược về tiền sử, đặng tìm ra lửa và giữ lửa, trong cuộc đấu tranh mưu sinh tồn tại…

. Nguyễn Siêu Việt