Với những cố gắng nhằm chia xẻ nỗi đau và giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) vượt lên khó khăn, tái hòa nhập cộng đồng, những năm gần đây, công tác hỗ trợ NNCĐDC ở Bình Định đã có những bước chuyển động đáng ghi nhận.
* Chia xẻ cùng các NNCĐDC
Một nạn nhân chất độc da cam (ảnh: Ngọc Thái)
Con số 30.883 người khuyết tật, trong đó có 14.064 người bị nghi nhiễm chất độc da cam ở Bình Định (số liệu của Sở LĐTB & XH) cũng chỉ là một con số tương đối. Nó không thể nói hết một cách tường tận những khổ đau, cơ cực mà các NNCĐDC Bình Định đang phải từng ngày, từng giờ, thậm chí phải dành cả cuộc đời để đối mặt với chúng. Nó là những nỗi đau hữu hình: những đứa trẻ mới sinh ra đã bị mù, câm, điếc, dị tật chân tay, thiểu năng trí tuệ, những người phụ nữ mà cái ước mơ làm mẹ cứ vuột ra khỏi tầm tay, những người đàn ông luôn sống trong nỗi ám ảnh về những lần máy bay Mỹ rải hóa chất làm trụi cả cỏ cây, hoa lá... Và cả những nỗi đau vô hình, đó là lời đàm tiếu của thiên hạ, rằng sinh con dị tật là do ăn ở thất đức, ông bà bắt tội...
Mười bốn năm qua, cậu bé Đào Văn Đông (An Nhơn) phải sống chung với khối u xơ thần kinh ở 2 mông nặng gần 20 kg. Người em đầy những nốt thâm màu chàm. Còn gia đình anh Đặng Hoài Mỹ (Quy Nhơn) thì hai cha con đều bị ung thư. Em Thái Thị Bích Thủy (Phù Cát) bị câm và có một tay cùng một chân bị dị tật không cử động được... Mỗi trường hợp một nỗi đau riêng, nhưng người ta bảo rằng tất cả đều là di chứng của chất độc da cam. Chiến tranh đã lùi xa 28 năm, nhưng hậu quả của nó biết bao giờ mới chấm dứt?
Bắt đầu từ năm 1998, khi Quỹ bảo trợ NNCĐDC Bình Định ra đời, hoạt động hỗ trợ người khuyết tật nghèo và NNCĐDC được xem là một mảng quan trọng trong công tác nhân đạo, xã hội của Hội CTĐ tỉnh. Cũng từ đó, trong khuôn khổ các hoạt động gây quỹ, thông tin về NNCĐDC Bình Định đã được nhiều người trong nước cũng như nước ngoài biết đến và chia xẻ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tháng 9-2001, cùng với quận Thanh Khê của Đà Nẵng, huyện Phù Cát của Bình Định được chọn để khảo sát thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước "Xây dựng tư vấn di truyền cho những gia đình chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học trong chiến tranh" do GS – TS Trịnh Văn Bảo (ĐH Y Hà Nội) làm chủ nhiệm. Lý do mà đoàn thực hiện đề tài chọn Phù Cát cũng không ngoài những gì mà lâu nay chúng ta đã biết: sân bay Phù Cát trong chiến tranh từng là nơi chứa chất độc hóa học (CĐHH) và là nơi máy bay xuất phát để đi rải CĐHH các vùng xung quanh. Qua đợt điều tra trước đó 2 tháng với 15.000 hộ ở Phù Cát, đoàn đã phát hiện 472 hộ gia đình có biểu hiện bất thường trong sức khỏe sinh sản do ảnh hưởng của CĐHH với các đặc điểm như: lập gia đình 2 năm nhưng chưa có con; bị tai biến thai sản nhiều lần; có một hay nhiều con bị dị tật; đã có một con khỏe mạnh, còn trong độ tuổi sinh đẻ nhưng tiền sử có nhiều lần bất thường thai sản… Đoàn đã khám và tư vấn về sức khỏe sinh sản cho các trường hợp trên.
Sau đó một thời gian ngắn, vào tháng 3-2002, có 6 trường hợp dị tật bẩm sinh ở An Nhơn và Phù Cát đã được Quỹ Bảo trợ NNCĐDC Việt Nam và Bệnh viện đa khoa tỉnh tài trợ mổ phục hồi chức năng. Chương trình này khởi nguồn từ chuyến đi khảo sát 3 huyện: An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn của đoàn GS, BS Quỹ Bảo trợ NNCĐDC Việt Nam, Viện 103 Bộ quốc phòng, Khoa ngoại – BVĐK tỉnh và Hội CTĐ tỉnh vào tháng 7-2001 về ảnh hưởng của CĐHH ở Bình Định. 6 ca nói trên đều bị dị tật bẩm sinh ở tay, chân, có người còn bị thiểu năng trí tuệ. Hầu hết những trường hợp này đều có hoàn cảnh khó khăn, một số có cha mẹ từng tham gia kháng chiến hoặc có thời gian sống ở khu vực gần sân bay Phù Cát.
Bên cạnh các trường hợp trên, nhiều NNCĐDC đã được các nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài giúp đỡ, như em Đào Văn Đông nhận được 22 triệu đồng, gia đình anh Đặng Hoài Mỹ nhận được 30 triệu đồng, hai cháu Huỳnh Thị Lan và Huỳnh Thị Hường ở An Lão bị bệnh ung thư máu nhận được hơn 15 triệu đồng để chạy chữa...
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là dự án hỗ trợ người khuyết tật nghèo và NNCĐDC Việt Nam do Hội CTĐ Mỹ và Thụy Sĩ tài trợ, và Bình Định là 1 trong 7 tỉnh thành của cả nước được chọn để triển khai dự án với kinh phí là 500 triệu đồng (từ 12-2000 đến 12-2001). Từ dự án này, đã có 205 hộ NNCĐDC ở 3 huyện An Nhơn, Phù Cát và Hoài Nhơn được giúp đỡ về các mặt như: chăm sóc sức khỏe, vay vốn làm ăn, học nghề, học văn hóa… Có thể nói, ngoài những hoạt động hỗ trợ mang tính đột xuất và theo từng thời điểm trong năm thì đây là một dự án có quy mô tương đối lớn, được xây dựng khá chi tiết, cụ thể, với mục đích hỗ trợ một cách hiệu quả đến những người phải chịu nhiều bất hạnh do di chứng của chiến tranh.
Một tin vui đến với các NNCĐDC Bình Định, sắp tới, giai đoạn 2 của dự án (2003-2004) sẽ được triển khai cũng tại 3 huyện trên với kinh phí 710 triệu đồng, có 170 NNCĐDC ở 127 hộ được hỗ trợ. Sở dĩ kinh phí được tài trợ trong giai đoạn này nhiều hơn trước nhưng số người được hỗ trợ lại ít hơn, theo ông Đào Duy Chấp – Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh – là: "Nhằm hỗ trợ một cách tập trung và mang tính bền vững cho các NNCĐDC khu vực này trước khi chuyển sang một địa bàn khác".
* Còn rất nhiều NNCÐDC cần được giúp đỡ
Bình Định là một "điểm nhấn" trên bản đồ NNCĐDC Việt Nam. Hiện nay dưới chân núi Phước Thành (Tuy Phước) và quanh sân bay Phù Cát vẫn còn CĐHH do chiến tranh để lại. Nhiều nhà khoa học đều khẳng định mối liên quan giữa chất da cam/dioxin và nhiều căn bệnh tìm thấy ở những vùng từng bị rải chất phát quang. Tại Hội thảo khoa học Việt - Mỹ về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người và môi trường, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 3 đến 6-3-2002, vấn đề cần phải làm sạch và khử chất độc da cam ở những khu vực bị ô nhiễm nặng nhất ở miền Nam Việt Nam cũng đã được đề cập tới. Nhưng, cho dù có bỏ ra 1.000 USD để chi phí cho một mẫu xét nghiệm và 500 triệu - 1 tỉ USD để tẩy độc (cho một tỉnh) thì làm sao có thể làm sạch và khử chất độc da cam trong cơ thể của những em Đông, cha con anh Mỹ, em Thủy… và hàng chục nghìn người khác?
Khách quan mà nói, 5 năm qua, đối với Quỹ Bảo trợ NNCĐDC Bình Định và những ai quan tâm đến vấn đề này, những hoạt động hỗ trợ cho các NNCĐDC đã có những bước chuyển biến đáng kể. Riêng Quỹ Bảo trợ NNCĐDC đã huy động được gần 1,4 tỉ đồng và đã chi hơn 1 tỉ đồng giúp đỡ các nạn nhân nói trên. Tuy nhiên, về phía các NNCĐDC, tính ra số người được hỗ trợ lại quá ít ỏi so với số người cần được giúp đỡ. Qua khảo sát, hầu hết các NNCĐDC đều có cuộc sống rất khó khăn với 2 nhu cầu chủ yếu là cải thiện đời sống và chăm sóc y tế. Vậy mà số người đã được giúp đỡ, kể cả trong và ngoài dự án, giúp đỡ đột xuất, cũng chỉ chưa tới 2.000 người.
Để ngày càng có nhiều NNCĐDC được chia xẻ nỗi đau, việc phát động phong trào xã hội hóa các hoạt động giúp đỡ NNCĐDC, trong đó Hội Chữ thập đỏ và ngành LĐ-TB & XH đóng vai trò nòng cốt là một định hướng đúng của Hội CTĐ tỉnh. Tuy nhiên, để hướng đi này thực sự mang lại hiệu quả, đòi hỏi phải có nhiều thời gian cũng như sự đồng cảm và đóng góp công sức của nhiều cá nhân, tổ chức.