|
Bác Hồ |
Trong một lần khi nói về K.Mác và sự nghiệp cách mạng vô sản, Lê-nin đã nói rằng cần có 70 ông Mác mới đủ sức lý giải vấn đề về lý luận, về khoa học cũng như hành động thực tiễn để xây dựng chế độ xã hội mới. Thế hệ mới của Việt Nam cũng cảm nhận được như Lê-nin rằng sự nghiệp này đẹp đẽ, lớn lao, và khó khăn vô cùng, mà nền móng dù đồ sộ bao nhiêu cũng chưa phải là lâu dài. Phải có hàng trăm Hồ Chí Minh từ trong những thế hệ mới, mới dựng nên tòa lâu đài hạnh phúc. Sự nẩy nở hàng trăm, hàng nghìn ấy... cần kíp biết bao nhiêu.
Những hoài vọng thiết tha, những dự cảm sâu sắc như những câu hỏi lớn, những cách đặt vấn đề để có một Tổ quốc vinh quang, sánh vai và hòa nhập với thế giới văn minh, giàu có, hiện đại, chỉ có những thế hệ mới có năng lực văn hóa rộng có trí tuệ cao, có những phẩm chất hành động mạnh mẽ và thiết thực... mới có thể lý giải về khoa học lại vừa có lực để thực hành trong hiện thực. Những mong ước để có một Đảng đổi mới, để có mối quan hệ dân chủ bình đẳng trong Đảng và nhân dân, để học thuyết đường lối của Đảng ngày càng phản ảnh và bắt kịp trình độ trí tuệ và lương tri, cập nhật của văn minh nhân loại, cũng như hoài bão và tình cảm nhân ái cao quý yêu thương và chăm lo cho con người... như Di chúc Bác Hồ để lại, chẳng ai khác là Thế hệ mới, mới có thể thực hiện và hoàn thành.
Suốt đời, bằng phẩm cách của mình, bằng kinh nghiệm của mình, Hồ Chí Minh là sự kỳ vọng ở vai trò của Thế hệ mới. Người từng mong ước một thế hệ Thanh niên sớm hồi sinh cho Đất nước (Thư gửi thanh niên Đông Dương - Bản án chế độ thực dân). Người từng nêu vấn đề phải dốc lòng chăm lo bồi dưỡng thế hệ mới cho đời sau (Di chúc của Hồ Chí Minh). Lịch sử là sự tiếp nối. Nó là hành động cộng vào, nhân lên của cả một cộng đồng những thế hệ mới khác nhau. Lịch sử không bao giờ là bản sao chép. Thế hệ mới sẽ đem khoa học để cộng vào và nhân lên những dự cảm, những mơ tưởng mà cha anh đã nêu ra. Dự báo dù kỳ vĩ và sắc sảo bao nhiêu cũng chỉ là dự báo. Nó cần có khoa học để lý giải, để chứng minh. Nó cần có trí tuệ và năng lực của con người, cả trình độ kỹ thuật vật chất mới để vừa thực hiện, vừa điều chỉnh cho đúng, cho phù hợp trong tình thế quốc gia và quốc tế cụ thể. Phải có hàng trăm Hồ Chí Minh và thế hệ Hồ Chí Minh mới hoàn thành được sự nghiệp đó.
Để làm được điều đó Thế hệ mới cần phải học. Kinh nghiệm và lời chỉ bảo của Hồ Chí Minh bổ ích biết nhường nào: "Việc học là việc của cả đời người, nó như chiếc thang không có bậc cuối cùng". Tạo điều kiện cho thế hệ mới có thể học và đem cái học để hành là trách nhiệm xã hội. Gia đình phải nuôi nấng chăm sóc. Nhà trường phải dạy dỗ theo một nền giáo dục nhân văn, dân chủ và khoa học. Bộ máy cai quản và điều hành xã hội phải tạo điều kiện cho gia đình tồn tại, cho nền giáo dục được thầy ra thầy, trường lớp ra trường lớp. Tuy thế vấn đề Thế hệ mới với "100 Hồ Chí Minh", chủ yếu vẫn là hành vi xã hội là tư cách công dân yêu nước của chính những người Tuổi trẻ.
. Nguyễn Khắc Mai
(Trích từ 100 câu nói về dân chủ của Hồ Chí Minh, NXB Trẻ -2002)
|