Vùng ven biển của Bình Định có nhiều đầm phá, trong đó có một số đầm lớn, có giá trị kinh tế – môi trường cao như: đầm Thị Nại (Quy Nhơn, Tuy Phước và Phù Cát) rộng trên 5.000 ha, đầm Đề Gi (Phù Cát và Phù Mỹ) rộng 1.600ha. Tuy nhiên do khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên biển quá ngưỡng cho phép, không có ý thức bảo vệ, môi trường biển và ven bờ đang đứng trước nhiều nguy cơ suy thoái.
* Từ hiện trạng môi trường biển, ven bờ
Hiện nay, việc khai thác thủy sản một cách triệt để bằng các phương tiện đánh bắt hủy diệt: xung điện, xiếc máy, chất nổ, lưới mắt nhỏ, giã cào ven bờ, một vấn nạn lớn của tỉnh đã và đang diễn ra trầm trọng gây suy giảm nguồn lợi sinh vật biển. Nạn dùng thuốc nổ để khai thác hải sản tuy có chiều hướng giảm so với các năm trước nhờ các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản được kiểm soát chặt chẽ. Nhưng tệ nạn này vẫn có thể bộc phát trở lại lập tức nếu ta lơi tay.
Các rạn san hô ở vùng ven bờ của Bình Định đã bị suy giảm nghiêm trọng do bị khai thác bừa bãi để nung vôi, làm vật liệu xây dựng trong nhiều năm qua. Mấy năm gần đây, ở Bình Định, đặc biệt là TP Quy Nhơn, Đề Gi phong trào khai thác tôm hùm con ngày càng gia tăng trong khi các ngành lại chưa có các biện pháp quản lý hữu hiệu. Nếu chúng ta không có các giải pháp đáp ứng kịp thời thì trong tương lai gần, nguồn tôm hùm con và các loài khác sẽ có nguy cơ cạn kiệt. Hoạt động khai thác tài nguyên ven biển (khoáng sản, vật liệu xây dựng), đã gây nên xói lở, sa bồi nhiều đoạn ven sông, ven biển, làm thay đổi chất lượng môi trường biển và ven bờ. Đặc biệt, việc khai thác ilmenite đã làm tăng cường độ phóng xạ ven bờ các khu vực khai thác, chế biến.
Một vấn đề cần phải quan tâm là các dải rừng ngập mặn ven các đầm trong tỉnh chỉ trong một thời gian ngắn hầu như không còn nữa, do khai phá để nuôi trồng thủy sản, đã gây ra tình trạng xói lở bờ, giảm năng suất sinh học và khả năng xử lý chất thải. Cộng với những hiện tượng xấu đó, việc các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã làm phát sinh một lượng lớn chất thải chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu đều được thải trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, nước thải của KCN Phú Tài, các cơ sở sản xuất, nước thải sinh hoạt của thành thị không qua xử lý vốn được đổ trực tiếp ra sông, biển. Mặc dù chưa có những đánh giá cụ thể về hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trong nước biển ven bờ, nhưng chắc chắn rằng nước biển ở đây sẽ có sự nhiễm bẩn các hóa chất trên.
* Đến những tai biến môi trường
Sự thay đổi thất thường của thời tiết, tai biến thiên nhiên đang là mối đe dọa cho vùng ven bờ. Do đặc điểm địa hình, ở thượng lưu có sự tập trung mưa lớn trong thời gian ngắn cùng với mưa bão đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ lưu. Trong thời gian gần đây, tần suất, cường độ lũ lụt đã có sự tăng nhanh, thất thường, xuất hiện lũ quét, kết hợp với triều cường đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong mùa mưa lũ từ 1998 –2000, toàn tỉnh có 8 vị trí bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài sạt lở là 4.250m và khối lượng đào đắp là 1.104.000m3, cụ thể cửa An Dũ (Hoài Nhơn) hiện nay tiếp tục phát triển dần ra phía bắc theo hướng song song với bờ biển, hàng năm cửa bị bồi lấp bịt kín về mùa khô và xói lở mạnh về mùa mưa bão; cửa Hà Ra và thôn Xuân Thạnh (Mỹ An, Phù Mỹ) hàng năm bãi biển bị lấn sâu vào hàng chục mét; thôn Trung Lương (Cát Tiến, Phù Cát): trên chiều dài 500-600m, sóng biển đã tạo vách cát thẳng đứng 6-7m và đe dọa cồn cát phía nam; xã Nhơn Hải và xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn): năm 2000, sóng biển đã làm sập 21 nhà ở.
Về bồi lắng, các sông bị bồi lấp đến tận các cửa sông, gây bồi lấp các đầm ven biển và cửa biển rất nghiêm trọng, nhiều đoạn sông trong mùa kiệt, lòng sông nổi lên những bãi cát to lớn, không còn dòng chạy trong sông. Hiện tượng sa mạc hóa các con sông trong tỉnh cho thấy rất rõ: vùng cửa sông Kôn (khu vực xã Phước Hòa) mỗi năm bị cát bồi lấp dày từ 0,1 –0,15m trên diện rộng hàng trăm ha. Cửa An Dũ (hạ lưu sông Lại Giang) do bồi lấp nên hàng năm lấn ra phía bắc hàng trăm mét. Hạ lưu sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại trong khu vực Quy Nhơn và sông La Tinh đổ vào đầm Đề Gi, khu vực xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Cát Minh tốc độ bồi lấp cũng tương tự với vùng hạ lưu sông Kôn. Tốc độ bồi lắng tăng nhanh từ năm 1990 đến nay, đặc biệt là trong năm 1999.
Ngoài ra, từ năm 1995 đến nay, trên vùng biển Quy Nhơn đã xảy ra 2 sự cố tràn dầu: dầu từ ngoài biển khơi trôi dạt vào bãi tắm và nghiêm trọng hơn là sự cố hỏa hoạn tại phường Hải Cảng; đổ thải chất thải công nghiệp đã làm cho môi trường vùng biển Quy Nhơn có những thời điểm ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, du lịch… Có thể nói, chất lượng môi trường nước biển ven bờ của Bình Định hiện đã bị suy thoái nghiêm trọng. Một vấn đề khác cũng cần quan tâm đó là sự mặn hóa dần các cửa sông dẫn đến sự biến đổi sinh thái, ảnh hưởng nông nghiệp và khai thác thủy sản. Các vùng đất ngập nước của địa phương cũng đã có sự suy thoái, các dải cây ngập mặn không còn, nguồn lợi thủy sản trong đầm suy giảm, chất lượng nước giảm sút.
* Những giải pháp thực hiện và kế hoạch đáp ứng
Nhằm bảo vệ các giá trị của tài nguyên và môi trường biển và ven bờ của tỉnh, trong thời gian qua, địa phương đã có những kế hoạch và hành động nhằm khắc phục, bảo vệ môi trường. Cụ thể như: Khảo sát, lập bản đồ ngập lụt của địa phương, nghiên cứu chỉnh trị các cửa sông, phục vụ cho công tác thủy lợi và phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh. Khảo sát điều tra nguồn tài nguyên biển ven bờ trong chương trình quy hoạch quản lý tổng hợp môi trường biển ven bờ. Nghiên cứu và phục hồi, sử dụng hợp lý một số hệ sinh thái đất ngập nước. Quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản, các vùng sản xuất tôm giống, nuôi tôm thâm canh…
Ngoài ra để tiên lượng và dự báo tốt nhằm ngăn chặn các tai biến môi trường có thể xảy ra, Bình Định còn triển khai một số chương trình hành động như: Xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường và tài nguyên ven bờ. Tăng cường trồng mới và trồng lại rừng ngập mặn, rừng ven biển. Quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản. Phối hợp giữa các ngành, địa phương liên quan trong việc khai thác tài nguyên đới ven bờ, quy định cụ thể trách nhiệm của từng ngành trong công tác quản lý. Phối hợp giữa các tỉnh ven biển trong khu vực trong việc quản lý vùng biển…
. Tiến sĩ Man Ngọc Lý
|