|
Học viên của Trung tâm Tin học Bình Định đang thực hành. (ảnh: Anh Tú) |
Đề án Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh (giai đoạn 2001-2005) chỉ được thật sự triển khai từ năm 2003. Với mức đầu tư bằng 1% tổng chi ngân sách hàng năm, chương trình phát triển CNTT tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để lớn mạnh. Là một người đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tin học và thường xuyên theo dõi các dự án CNTT của tỉnh, chúng tôi xin có một số ý kiến về phát triển CNTT của tỉnh.
* Về Dự án đầu tư Trung tâm hỗ trợ phát triển CNTT
Trong khi một số địa phương khác đua nhau lập các trung tâm công nghệ phần mềm thì Bình Định đã có chủ trương hết sức đúng đắn là đầu tư xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển CNTT để tạo đà cho sự phát triển cả công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, đào tạo và dịch vụ CNTT. Đây là mô hình phù hợp với thực lực của một địa phương có trình độ phát triển CNTT chỉ ở mức trung bình so với cả nước. Việc đầu tư xây dựng cho Trung tâm này một cao ốc văn phòng với cơ sở hạ tầng CNTT hiện đại để thu hút các đơn vị làm tin học trên địa bàn tỉnh vào thuê địa điểm sẽ tạo một môi trường cộng tác với sức mạnh của tập thể. Các chính sách ưu đãi của tỉnh, của nhà nước sẽ tác động tập trung và hiệu quả hơn.
Trung tâm hỗ trợ phát triển CNTT với vai trò tổ chức và tập hợp, nên đặt ra mục tiêu tập trung làm công việc hỗ trợ cho các đơn vị tin học trên địa bàn tỉnh có điều kiện hoạt động tốt hơn nhằm góp phần thúc đẩy sự nghiệp chung về phát triển CNTT của tỉnh.
* Về phát triển công nghiệp phần mềm
Phát triển công nghiệp phần mềm là một vấn đề hết sức phức tạp, vì vậy Bình Định cần phải thận trọng và có kế hoạch thiết thực hơn. Không nên chỉ tập trung đầu tư vào lĩnh vực phần mềm khi chưa xác định được địa chỉ của thị trường. Trình độ năng lực của đội ngũ CNTT Bình Định hiện nay chỉ đủ sức làm các phần mềm đơn giản, vì thế có lẽ chúng ta chỉ nên tính đến các hoạt động dịch vụ chuyển giao phần mềm.
Thị trường phần mềm trong tỉnh còn nhỏ bé, chủ yếu gói gọn trong các đơn vị Nhà nước và các doanh nghiệp. Các cơ sở tin học trong tỉnh khó có cơ hội cạnh tranh với các công ty phần mềm ngoài tỉnh. Vì vậy Bình Định cần tạo điều kiện cho lực lượng làm phần mềm trong tỉnh phát triển, chẳng hạn, khi triển khai một dự án lớn về phần mềm thì tỉnh nên cho một đơn vị tin học trong tỉnh tham gia kết hợp với một đơn vị làm phần mềm chuyên nghiệp ngoài tỉnh, làm như vậy mới tạo điều kiện cho lực lượng phần mềm trong tỉnh có điều kiện tiến bộ và hình thành dần đội ngũ chuyên nghiệp về phần mềm.
* Về phát triển công nghiệp phần cứng
Trong các dự án CNTT triển khai giai đoạn 2001-2005, chưa có dự án nào đề cập đến phát triển công nghiệp phần cứng, trong khi Bình Định có đội ngũ cán bộ và chuyên viên kỹ thuật có thể làm tốt việc này. Với khả năng về nhân lực CNTT của tỉnh hiện nay, UBND tỉnh nên hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để một số đơn vị tin học trong và ngoài tỉnh liên kết triển khai dự án về dây chuyền sản xuất, lắp ráp máy vi tính mang thương hiệu Việt Nam tại tỉnh Bình Định. Khi máy tính được sản xuất tại Bình Định, người tiêu dùng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật kịp thời của đội ngũ chuyên viên kỹ thuật tại chỗ. Đồng thời dự án này cũng sẽ giải quyết việc làm cho lực lượng lao động kỹ thuật đã tốt nghiệp kỹ thuật viên và trung cấp tin học của Bình Định.
* Về xã hội hóa sự nghiệp phát triển CNTT
Từ năm 1995 đến nay, thực tiễn tại Bình Định cho thấy các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đã có những đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển CNTT của tỉnh nhất là trong lĩnh vực internet và đưa tin học vào trong nhà trường. Để đưa máy tính vào sử dụng rộng rãi trong các trường phổ thông của tỉnh, phục vụ cho việc giảng dạy môn tin học và sử dụng Internet, Bình Định cần có chủ trương khuyến khích để các giáo viên nhà trường, hoặc các cá nhân, tổ chức khác cùng tham gia đầu tư. Với cách triển khai như vậy mới mong dự án "Giảng dạy tin học trong các trường phổ thông" sớm được thực hiện, có kết quả cao.
* Về thực hiện Đề án tin học hóa quản lý HCNN
Nhiều chuyên gia tin học trong cả nước đều nhận định: Tin học hóa quản lý HCNN không chỉ đơn thuần là trang bị phần cứng, phần mềm mà là vấn đề cải cách lề lối làm việc, xây dựng các quy trình nghiệp vụ quản lý mới nhờ công nghệ hiện đại.
Khi triển khai đề án 112 của tỉnh, chúng tôi xin đề nghị ưu tiên tập trung thực hiện các dự án về dịch vụ hành chính công, như các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, quản lý nhân khẩu, cấp quyền sử dụng đất và chứng nhận sở hữu nhà để phục vụ một cách thiết thực cho người dân và các doanh nghiệp. Sớm tiến hành xây dựng các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Nếu chỉ tập trung xây dựng hệ thống mạng, mua máy móc thiết bị mà chưa có hệ thống thông tin thì vài ba năm sau cơ sở hạ tầng và thiết bị cũng bị lạc hậu.
Trên đây là một số suy nghĩ còn mang tính tản mạn của chúng tôi - những người có tâm huyết với sự nghiệp phát triển tin học của tỉnh nhà. Hy vọng những ý kiến này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT còn non trẻ của chúng ta.
. Võ Ngọc Vĩnh
(Giám đốc Trung tâm Tin học Bình Định)
|