|
Máy lọc sạn của cơ sở Tân Trung Thành chuẩn bị xuất xưởng (ảnh: N.S) |
Những cựu chiến binh (CCB) đề cập trong bài viết này, thấm thía câu nói "thương trường là chiến trường" có lẽ cũng mau hơn những người khác. Với bản chất – không lùi bước trước khó khăn, kiên trì với mục tiêu đã lựa chọn, nhiều người lính năm xưa đã trở thành những chiến binh trên mặt trận kinh tế hôm nay. Vì thế, gọi họ là những người chiến thắng có lẽ cũng không sai, cho dù bây giờ họ không còn chiến đấu trên chiến trường nữa.
* Chân dung những người chiến thắng
Năm 1976, khi cô y tá Trần Thị Như Hoa xuất ngũ trở về quê nhà ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) với tấm thẻ thương binh hạng 3/4, mọi thứ dường như phải bắt đầu lại từ đầu. Chị phải đi làm thuê để nuôi gia đình, hàng năm địa phương còn phải cứu trợ thêm.
Không chịu bó tay trước khó khăn, vốn lại sinh sống ở vùng biển, chị nảy ra ý nghĩ: mua nước mắm rồi về các vùng nông thôn bán lại. Một thời gian, cuộc sống đỡ vất vả hơn, lại tích lũy được chút ít vốn và có nhiều bạn hàng, chị quyết định mở cơ sở chế biến nước mắm bán để tự mình quyết định chất lượng sản phẩm và nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của bạn hàng. Nhưng kinh nghiệm trong những ngày rong ruổi bán nước mắm không giúp gì cho người nữ cựu binh khi chị đứng ra chế biến nước mắm. Thất bại, chán nản, rút kinh nghiệm, làm lại, hư hỏng, rồi làm lại, cứ như thế, cuối cùng - năm 1988 - chị Hoa cũng thành công. Bây giờ thì thương hiệu nước mắm "Như Hoa – Tam Quan" đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong và ngoài tỉnh. Với doanh thu đạt 720 triệu đồng/năm, chị Trần Thị Như Hoa đã được bình chọn là một trong số rất ít những nữ CCB sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi cấp tỉnh.
Với anh Diệp Hoài Tân và những đồng sự CCB, việc những chiếc máy lọc sạn gạo nhãn hiệu "Tân Trung Thành" có mặt trên cả nước là một niềm vui khôn tả. Câu chuyện 3 chàng cựu binh Tân, Trung, Thành và cơ sở sản xuất máy làm sạch hàng nông sản nổi tiếng của họ hẳn không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng ít người biết rằng đã có lúc tưởng chừng "Tân Trung Thành" phải dẹp tiệm. Ấy là những ngày đầu khởi nghiệp, khi máy móc thiết bị thiếu, kỹ thuật không có, vốn ít, sản phẩm làm ra chưa hoàn thiện. Sau khi tìm tòi học hỏi công nghệ mới, họ quyết định xây dựng nhà xưởng và mua sắm thêm trang thiết bị sản xuất. Những chiếc máy lọc sạn "kỹ thuật cao" ra đời lúc bấy giờ làm không ít các nhà máy và cơ sở xay xát gạo ngạc nhiên vì chất lượng quá tuyệt vời. Đến nay, ngoài một xưởng đang hoạt động với công suất 500 máy/năm, doanh nghiệp Tân Trung Thành đang xây dựng một xưởng nữa ở khu TTCN Quang Trung với diện tích 1.200m2.
Cũng như hầu hết những người lính sau khi xuất ngũ, cuộc sống gia đình anh Lê Hồng Đào ở Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn) đầy ắp những khó khăn. Năm 1989, anh vay vốn, bắt tay vào nghề chế biến dầu dừa, kết hợp chăn nuôi với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Đến năm 1997 thì vợ chồng anh đã xây dược căn nhà trị giá 47 triệu đồng và trả hết nợ vay 10 triệu đồng. Không những làm dầu dừa, nuôi heo, anh Đào còn dư sức để canh tác trên mảnh đất rộng 2.500m2 với hai loại cây trồng chủ lực là lúa và bắp lai. Mỗi năm gia đình anh Đào thu lãi hơn 95 triệu đồng.
Và còn nhiều gương CCB SXKD giỏi như anh Huỳnh Tấn Lanh ở Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) nuôi trồng thủy sản, anh Mai Ngọc Thiệm ở phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) sản xuất dụng cụ thủy tinh dùng trong ngành dược, chị Trần Thị Thành ở Bình Dương (Phù Mỹ) sản xuất dây chỉ nhựa từ nhựa tái sinh... Tất cả đều có một điểm chung là từ tay trắng mà làm nên cơ nghiệp.
* Khẳng định mình trên trận tuyến mới
Hội CCB Bình Định hiện có 14.555 hội viên đang trực tiếp lao động SXKD, chiếm 73,5% số hội viên CCB. Toàn Hội có 52,7% hộ hội viên có mức sống trung bình, 43,8% hộ có mức sống khá và gần 3,5% hộ là hộ nghèo. Trong số 189 hội viên Hội CCB Bình Định vừa được bình chọn là CCB SXKD giỏi có 114 người đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi cấp xã, 52 người đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi cấp huyện và 23 người đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi cấp tỉnh (theo các tiêu chí của Hội CCB Việt Nam). |
Những CCB kể trên chỉ là một số gương mặt tiêu biểu trong phong trào CCB SXKD giỏi của tỉnh. Cũng như hầu hết những CCB khác, khi trở về đời thường, họ phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống thường nhật. Tuy không có tiếng bom tiếng súng nhưng cuộc chiến với cái đói, cái nghèo này đầy quyết liệt và cũng mang tính một mất một còn: hoặc là vươn lên làm giàu để có một cuộc sống no đủ hoặc phải chịu cảnh nghèo khổ.
Với bản chất của người lính, các CCB đã không chịu lùi bước. Họ mày mò, tự nghiên cứu để tìm ra hướng làm ăn cho mình, làm đủ các ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng chế biến thủy sản đến sản xuất TTCN, làm dịch vụ, kinh doanh… Nhờ không ngừng cố gắng, đời sống hội viên CCB Bình Định đã có những bước tiến đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên trở thành triệu phú và nhiều hộ không còn ở trong diện đói nghèo.
Nhưng chỉ SXKD giỏi không thì chưa đủ. Các CCB hôm nay vẫn giữ được nguyên vẹn hình ảnh "Anh bộ đội Cụ Hồ" năm xưa trong con mắt mọi người khi họ không chỉ biết làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn giúp đỡ người khác cùng thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống. Cơ sở nước mắm Như Hoa của chị Hoa ngoài việc giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động còn giúp cho các hộ nghèo thoát nghèo bằng nghề chế biến nước mắm, trong đó có 3 hộ đã vươn lên phát triển khá. Còn với doanh nghiệp Tân Trung Thành của anh Diệp Hoài Tân, anh ưu tiên nhận công nhân là bộ đội xuất ngũ hoặc con em các gia đình chính sách với mức lương trung bình từ 900 ngàn đến 1,1 triệu đồng/người/tháng. Anh Lê Hồng Đào, với những vị trí đã từng kinh qua trong quá trình về lại địa phương như: trưởng thôn, bí thư chi bộ, đội trưởng đội sản xuất, không những nêu gương cho mọi người về tinh thần vượt khó và cách làm kinh tế mà còn giúp đỡ cho 4 hộ trong thôn xóa đói, đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động khác.
Mặt khác, hiệu quả SXKD của các CCB không chỉ thể hiện qua con số doanh thu mà còn thể hiện qua các dự án vay vốn làm kinh tế. Ông Nguyễn Thanh Lịch – cán bộ Hội CCB tỉnh nhận xét: "Qua xét duyệt các dự án vay vốn của hội viên CCB trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy hầu hết là những dự án khả thi nên khi đi vào sản xuất kinh doanh thì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các khoản vay đều được hội viên CCB hoàn trả gốc và lãi đúng hạn, rất hiếm trường hợp dây dưa hoặc không chịu trả nợ nên chúng tôi rất yên tâm khi tín chấp cho họ vay".
Nói về phong trào SXKD trong CCB, ông Nguyễn Trọng Lư – Chủ tịch Hội CCB Bình Định khẳng định: "Để xây dựng Hội CCB trong sạch, vững mạnh, Hội không chỉ chú ý đến tư tưởng, chính trị mà còn quan tâm đến đời sống kinh tế của hội viên, bởi nó là một chất keo gắn kết hội viên với Hội, đồng thời là yếu tố quan trọng để đưa đời sống anh chị em đi lên".
. Nguyên Sương
|