|
Khai thác và tinh chế đá Granite - một thế mạnh của công nghiệp Tuy Phước (ảnh: B.P) |
Dự kiến đến năm 2005, khi Khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) Phước An xây dựng xong đi vào hoạt động, Phước An sẽ tạo một cú huých cho sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Tuy Phước. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, các vấn đề mà một khu CN-TTCN đặt ra cũng rất nhiều và cần được các ngành chức năng tiên liệu để có hướng giải quyết, ngay khi dự án còn nằm trên giấy.
* Tác động từ khu CN – TTCN Phước An
Tuy Phước có một vị trí khá thuận lợi để phát triển công nghiệp: có Quốc lộ I, Quốc lộ 19 chạy ngang qua địa bàn, gần Ga Diêu Trì, gần TP Quy Nhơn, và đặc biệt là gần các khu công nghiệp của tỉnh. Vì thế, chủ trương xây dựng một khu công nghiệp tập trung để tăng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN), giải quyết việc làm cho nguồn lao động tại chỗ được huyện Tuy Phước xúc tiến triển khai. Theo tính toán, khi hoàn thành, khu CN-TTCN này sẽ thu hút khoảng 20 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 1.500 – 2.000 lao động trong huyện.
Ngoài giải quyết việc làm cho lao động, Khu CN-TTCN Phước An còn tạo ra những tác động cụ thể đến đời sống người dân trong vùng, đặc biệt là ở khu vực Phước An. Phước An hiện có 4.287 hộ với 18.467 nhân khẩu, trong đó 2.812 hộ (65,6% tổng số hộ) có thu nhập chính từ các nghề nông, lâm, thủy sản. Khi khu CN-TTCN Phước An hình thành và đi vào hoạt động, số lao động dôi dư lúc nông nhàn của Phước An sẽ được giải quyết việc làm, đồng thời cơ cấu các ngành kinh tế của xã cũng sẽ thay đổi. Ông Huỳnh Minh Chấn – Phó Giám đốc BQL Dự án đầu tư và xây dựng huyện Tuy Phước cho biết: "Khi có khu CN-TTCN, chắc chắn khu vực này sẽ có nhiều thay đổi. Huyện sẽ thành lập Ban quản lý khu CN-TTCN để quản lý các doanh nghiệp, điều phối, giải quyết các nhu cầu, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động". Thế nhưng cũng cần nói ngay rằng, cùng với việc hình thành một khu CN-TTCN, nhiều vấn đề khác sẽ nảy sinh như: chỗ ở và các nhu cầu hàng ngày của công nhân, tệ nạn xã hội phát sinh, sự thay đổi trong đời sống dân Phước An... là điều mà Tuy Phước cần tiên liệu ngay từ bây giờ.
* Đừng quên bài toán môi trường
Khu CN-TTCN Phước An
- Diện tích: 26,42 ha.
- Kinh phí: 20 tỉ đồng.
- Các hạng mục: hệ thống đường giao thông và cống thoát nước mưa, hệ thống đường điện, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, nâng mặt bằng khu sản xuất.
- Thời gian: dự kiến trong 2 năm, từ 2003 đến cuối năm 2004.
* Huyện Tuy Phước có hơn 4.600 người thất nghiệp. Tỉ lệ thất nghiệp bình quân của cả huyện là 4,6%, trong đó khu vực thành thị lên đến 11,2% (số liệu năm 2001). |
Cái giá phải trả cho việc phát triển SXCN không thân thiện với môi trường thường rất đắt vì nó luôn bao gồm cả sức khỏe, tiền bạc và đặc biệt là lòng tin của người dân. Vì thế, khi xây dựng khu CN-TTCN Phước An, vấn đề xử lý chất thải từ sản xuất rất cần được lưu ý. Ông Nguyễn Ngọc Tấn – Chủ tịch UBND xã Phước An nêu ý kiến: "Huyện đã nói rất nhiều về Khu CN-TTCN Phước An, về chuyện giải quyết việc làm cho lao động trong xã, nhưng tiến độ xây dựng của dự án lại rất chậm. Dân cũng lo ngại nạn ô nhiễm môi trường từ các nhà máy, xí nghiệp ở khu CN-TTCN".
Theo dự án khả thi xây dựng Khu CN - TTCN Phước An (do Xí nghiệp tư vấn xây dựng thuộc Công ty 508 xây dựng) thì hệ thống xử lý nước thải sản xuất của Khu CN-TTCN Phước An vẫn chưa được thiết kế chi tiết. Ông Võ Ngọc Cang – Phó trưởng phòng Xây dựng huyện Tuy Phước lý giải: "Vì dự án chỉ mới ở mức tổng quát, các cơ quan chức năng của huyện chưa xác định cụ thể số lượng cũng như quy mô và các loại hình sản xuất của các doanh nghiệp sẽ hoạt động trong khu CN-TTCN. Vả lại đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý nước thải là rất tốn kém và phức tạp".
Vậy làm thế nào để hạn chế thấp nhất nguy cơ ô nhiễm môi trường, khi các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải? Ông Mai Thanh Thắng – Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước nói: "Trong giai đoạn đầu, huyện ưu tiên cấp phép cho các nhà đầu tư sản xuất có nhu cầu sử dụng ít nước cũng như đặc điểm sản xuất là ít thải nước thải công nghiệp. Trước mắt cứ như vậy đã".
Người dân Tuy Phước trông mong dự án xây dựng khu CN-TTCN sớm thành hiện thực để có thể tìm được cơ may đổi đời từ đó. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút DN... những bài học như bài học về vấn đề xử lý môi trường ở các Khu CN-TTCN đã ra đời trước như Quang Trung (Quy Nhơn), Khu CN-TTCN Gò Đá Trắng (An Nhơn)... rất đáng để huyện Tuy Phước lưu tâm, rút kinh nghiệm.
. Minh Khương
|