Trong khoảng 10 năm gần đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Bình Định (Trung tâm ƯDTBKHKT BĐ - Sở KHCN-MT BĐ) đã có nhiều đề tài, dự án có tính khả thi cao hướng thẳng vào mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Từ những năm 1990, để góp phần hạn chế nạn phá rừng, cần giải quyết vấn đề thay thế nguồn chất đốt, Trung tâm đã nghiên cứu và triển khai thành công đề tài làm than tổ ong bằng nguồn nguyên liệu địa phương. Ngoài đề tài này, Trung tâm còn triển khai ứng dụng kỹ thuật làm hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, làm khí đốt rẻ tiền và phân hữu cơ vi sinh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các kết quả nghiên cứu trên nay đã được người dân áp dụng rộng rãi trong tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Trung tâm có một bước tiến dài trong việc nghiên cứu bài toán nâng cao năng suất tôm nuôi qua việc thực hiện đề tài Nuôi tôm bán thâm canh từ việc sử dụng nguồn tôm giống nhân tạo. Chính kết quả nghiên cứu này đã góp phần đáng kể đưa phong trào nuôi tôm thịt và tôm giống của tỉnh phát triển vượt bậc. Đến nay, Bình Định là một trong những tỉnh có phong trào nuôi tôm sú thâm canh mạnh nhất nước.".
Trung tâm còn triển khai thành công công nghệ sinh học nuôi cấy mô thực vật để nhân giống cây trồng có giá trị kinh tế cao và các loại cây phục vụ cho công tác trồng rừng. Phương pháp này đã đáp ứng một phần khá lớn nhu cầu cây giống trong việc trồng rừng và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai nhiều đề tài, đề án phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp-nông thôn như: sản xuất thử nghiệm phân bón vi sinh từ nguồn than bùn đầm Trà Ổ (Phù Mỹ), sản xuất giống nấm và hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm ở địa phương…
Hiện Trung tâm có một phòng thí nghiệm nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô diện tích 150 m2 tại Quy Nhơn với đầy đủ các trang thiết bị máy móc, đáp ứng yêu cầu cho việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ. Phòng thí nghiệm này có khả năng nhân giống cây trồng đạt từ 200.000-300.000 cây giống/năm. Trung tâm còn có một vườn ươm thực nghiệm Công nghệ sinh học tại Phước An (Tuy Phước) với diện tích 3 ha để cung cấp nguyên liệu cho việc thực hiện công nghệ nuôi cấy mô. Đây cũng là nơi khảo sát khả năng thích nghi của các giống cây trồng mới trong điều kiện sinh thái ở địa phương. Ông Trần Cảnh Đào, cán bộ kỹ thuật tại đây, cho biết: "Qua trồng thực nghiệm, chúng tôi xác định được các loại cây như: xoài cát Hòa Lộc, chanh giấy, bưởi Năm Roi… thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên đã hướng dẫn bà con nông dân mua về trồng. Các loại cây như: sầu riêng, táo không thích hợp được nên đã khuyến cáo bà con không nên trồng vì không có hiệu quả". Vườn thực nghiệm Công nghệ sinh học Phước An còn có Cơ sở nhân giống cấy mô và chăm sóc sau cấy mô năng lực sản xuất từ 500.000 – 600.000 cây giống/năm…
Bên cạnh đó, Trung tâm còn có một đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao với 1 thạc sĩ Hóa-Sinh, 4 cử nhân Sinh học, 1 kỹ sư nông nghiệp. Số cán bộ khoa học này thường xuyên được học tập và đào tạo chuyên sâu, nâng cao tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học trong nước. Ngoài ra, Trung tâm còn có đội ngũ kỹ thuật viên 10 người thành thạo tay nghề, có khả năng thực hiện độc lập công tác triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất.
Với những gì đã làm được, có thể nói Trung tâm ƯDTBKHKT BĐ là những người bạn đồng hành của nông dân.
. Ngọc Thái
|