Bảo vệ nguồn nước - Vấn đề cấp thiết
10:55', 25/9/ 2003 (GMT+7)

Sắp tới Bình Định sẽ đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cho 9 thị trấn thuộc 7 huyện trong tỉnh từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Cùng với việc mở rộng, nâng cấp các hệ thống cung cấp nước sạch, vấn đề bảo vệ nguồn nước là vấn đề cần quan tâm.

* 50% dân số chưa được sử dụng nước sạch

Tuy được đánh giá là địa phương có chất lượng nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt vào loại tốt nhất trong cả nước nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Bình Định có nhiều người được sử dụng nước sạch. TP Quy Nhơn tuy là trung tâm hành chính của tỉnh nhưng cũng chỉ có 51% dân cư được sử dụng nước máy, chủ yếu ở khu vực nội thành. Ở các vùng còn lại và ở các xã đảo người dân sử dụng nước giếng đào, giếng khoan tự đóng. Ngoại trừ một số điểm giếng nhận được sự tư vấn, phân tích kiểm tra nguồn ra, các giếng còn lại không hoàn toàn đảm bảo các tiêu chuẩn về nước sạch dùng trong sinh hoạt.

Ở khu vực nông thôn, với 13 công trình cấp nước tập trung và nhiều công trình nhỏ lẻ khác được xây dựng ở các huyện trong năm 2002 (có 9 công trình được xây từ nguồn vốn Trung ương), đã có thêm 75.000 người dân sử dụng nước sạch. Dù vậy, tính tổng thể, con số người dân nông thôn Bình Định được sử dụng nước sạch cũng chỉ ở mức 52%. Họ phải tự xây dựng thêm 1.000 giếng khoan, 500 giếng đào để phục vụ sinh hoạt và chống hạn.

* Ô nhiễm nguồn nước và thất thoát nước sạch

Một nửa dân số trong tỉnh được sử dụng nước sạch sinh hoạt là con số quá thấp. Ở nông thôn, do đời sống kinh tế còn khó khăn nên khả năng huy động nguồn lực tài chính trong dân để xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường rất hạn chế. Trong khi đó, các nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và địa phương lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do đó, hiện vẫn còn một số lượng lớn người dân nông thôn chưa có nước sạch để sử dụng và thiếu các điều kiện vệ sinh khác như: nhà tiêu, nhà tắm, chuồng trại hợp vệ sinh. Mặt khác, đa số các công trình cấp nước tập trung sau khi xây dựng xong và bàn giao cho địa phương hoặc nhân dân tự quản lý sử dụng đã không phát huy hết tác dụng vì thiếu kinh phí và người có trình độ chuyên môn để vận hành, bảo quản, sửa chữa nhỏ. Trường hợp hư hỏng các công trình ở xã Bok Tới (Hoài Ân) là ví dụ điển hình.

Về chất lượng nguồn nước của tỉnh, qua khảo sát, Sở KHCN - MT đã có những kết luận rất đáng lo ngại. Mẫu nước sông Lại Giang lấy tại thôn Phụng Du, Hoài Hảo (Hoài Nhơn), nước sông Hà Thanh ở cầu Trường Úc, xã Phước Nghĩa (Tuy Phước) đều có chỉ tiêu vi sinh gây ô nhiễm vượt giới hạn cho phép từ 20 đến 30 lần. Mẫu nước sông Gò Bồi ở cửa Huỳnh Giản có nồng độ hữu cơ vượt mức cho phép mà nguyên nhân chính là do nước từ các hồ tôm thải ra. Về nước ngầm, có đến 9/16 mẫu nước giếng trên toàn tỉnh được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn nước sạch. Trong khi chất lượng nguồn nước tự nhiên không đảm bảo thì lượng nước máy lại bị thất thoát quá nhiều. Trung bình, lượng nước máy được sản xuất trong toàn tỉnh là 6,1 triệu m3/năm, tuy nhiên lượng nước máy được tiêu thụ chỉ có 4 triệu m3/năm, tính ra tỉ lệ thất thoát lên đến 34%. Điều này có nguyên nhân từ công tác quản lý chưa sâu sát và hệ thống cấp nước bị xuống cấp.

Năm 2003 được Đại Hội đồng LHQ chọn là Năm Quốc tế Nước ngọt nhằm kêu gọi các nước nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng, quản lý và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước ngọt. Trái đất của chúng ta chứa đến 3/4 là nước, nhưng có đến 97,5% là nước mặn, chỉ có gần 2,5% là nước ngọt. Phần lớn lượng nước ngọt này lại tích tụ trong các lớp băng tuyết vĩnh cửu và trong các túi nước ngầm không thể khai thác được. Do đó, lượng nước con người có thể sử dụng được là chưa tới 1% lượng nước ngọt của thế giới. Tuy nhiên, lượng nước nhỏ nhoi này cũng phân bố không đồng đều theo không gian, thời gian và phân bố dân cư.

* Nâng cao nhận thức cho người dân

Để bảo vệ môi trường nói chung và nguồn nước nói riêng, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh cũng đã có kế hoạch quy hoạch các làng nghề sản xuất thủ công của địa phương mình. Một số làng nghề ở An Nhơn, làng nghề sản xuất gạch ngói ở Bình Nghi (Tây Sơn) nằm trong khu dân cư đã được di dời. Các dự án, đề tài xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề như: xử lý khí thải từ hoạt động sản xuất tái chế kim loại ở An Nhơn... quy hoạch các cơ sở sản xuất nước mắm ở An Nhơn... cũng được triển khai. Việc tuyên truyền trong nhân dân về nước sạch, vệ sinh môi trường được các địa phương đẩy mạnh vào các đợt cao điểm như: Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

Những động thái trên mới chỉ là một phần của công tác bảo vệ môi trường và nguồn nước. Điều quan trọng và lâu dài là việc nâng cao nhận thức cho người dân để họ thay đổi hành vi và thói quen trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước sạch cũng như bảo vệ môi trường. Muốn thực hiện tốt điều này, đòi hỏi các ngành chức năng phải xây dựng những chiến dịch, dự án, kế hoạch tuyên truyền một cách bài bản và cụ thể.

. Nguyên Sương

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những người bạn của nông dân   (25/09/2003)
Một động lực phát triển mới của Tuy Phước   (25/09/2003)
Làm gì để có thêm những giá trị mới   (25/09/2003)
Những cựu chiến binh trên mặt trận mới   (25/09/2003)
Một số suy nghĩ về phát triển công nghệ thông tin tỉnh Bình Định (giai đoạn 2001-2005)   (25/09/2003)
Tích cực ngăn ngừa tai biến môi trường biển và ven biển   (25/09/2003)
Thế hệ mới - Làm gì để xứng đáng với kỳ vọng của Người   (25/09/2003)
Những chuyển động bước đầu   (06/08/2003)
Một truyền thuyết về Lửa   (06/08/2003)
Mẹ và lời ru   (06/08/2003)
Ngẩn ngơ trước Lạng Sơn   (06/08/2003)
Tác giả sân khấu Đoàn Thanh Tâm: Sự kế tục kịp thời !   (06/08/2003)
Đầu tư cho thương hiệu - đầu tư cho tương lai   (06/08/2003)
Du lịch con đường văn hóa khu Đông   (06/08/2003)
Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ sản xuất kinh doanh   (06/08/2003)