Hợp tác phát triển cảng biển giữa các nước ASEAN
10:57', 25/9/ 2003 (GMT+7)

Xếp dỡ container ở cảng Sài Gòn (ảnh: N.T)

Năm 2000, các nước ASEAN đã thống nhất hình thành mạng lưới cảng biển khu vực ASEAN gồm 46 cảng. Trong đó, Việt Nam tham gia 4 cảng đầu mối là: Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cái Lân. Để tăng năng lực cạnh tranh, các cảng biển đã tiến hành theo 2 hướng: nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hoặc hạ giá dịch vụ.

* Phát triển cảng biển khu vực ASEAN

Những năm gần đây, tư nhân tham gia vào việc đầu tư phát triển cảng biển ngày một gia tăng. Việc tư nhân tham gia quản lý và khai thác cảng biển thể hiện qua các hình thức: Nhà nước xây dựng cảng và cho tư nhân thuê khai thác như cảng Singapore. Tư nhân tự trang bị công cụ sản xuất trên cơ sở kết cấu hạ tầng cảng do Chính phủ xây dựng như Cảng Port Klang. Riêng Brumei Darussalam, nhà nước đã tư nhân hóa việc quản lý khai thác bến cảng container Muara, Chính phủ chỉ cung cấp các dịch vụ hoa tiêu, kéo đẩy và nạo vét. Malaysia đã công ty hóa và tư nhân hóa 6 cảng biển liên bang trong đó có cả cảng trọng điểm Port Klang, Cảng Leam Chabang cũng được tư nhân hóa việc khai thác và quản lý bến cảng. Cảng MITT của Myanmar là cảng do tư nhân xây dựng nhưng việc khai thác lại theo hình thức hợp tác nhà nước và tư nhân theo hợp đồng với nhà nước. Việc các hãng tàu lớn tham gia vào kinh doanh khai thác cảng là mô hình đã kết hợp được quyền lợi của chủ đầu tư (nhà nước) và người sử dụng cảng (chủ tàu) mà Cảng Tanjung Pelepas là một ví dụ sinh động.

Như vậy, hiện nay ASEAN có khá nhiều mô hình đầu tư phát triển cảng biển. Tùy vào điều kiện của từng quốc gia các chủ đầu tư sẽ xác định được mô hình cộng tác cụ thể. Gần đây Công ty HPH và PSA (Singapore) đã cử đoàn đến Việt Nam thăm dò khả năng hợp tác trong việc quản lý và khai thác Cảng Cái Mép – Thị Vải và Cảng Vân Phong.

* Các yêu cầu phát triển cảng container trong khu vực

Hiện nay, quá trình "container hóa" tiếp tục tác động mạnh mẽ tới việc phát triển cảng biển trong khu vực. Những tàu container thế hệ mới có sức chở từ 4.000 TEU – 6.600 TEU đóng vai trò là những tàu mẹ chỉ ghé vào các cảng chính phục vụ cho việc phân phối hàng chuyên chở tới các cảng nhỏ hơn gần kề. Cách đây chừng 10 năm, Singapore là trung tâm trung chuyển container duy nhất trong ASEAN thì ngày nay con số này đã là 17. Sự cạnh tranh trong kinh doanh vận chuyển container trong khu vực đã tăng lên rất nhanh. Năm 2002, cảng Singapore xếp dỡ 17 triệu TEU, các điểm trung chuyển sinh sau cũng mau chóng tìm được chỗ đứng, ví dụ Cảng Laem Chabang (Malaysia): 2,4 triệu TEU, Manila (Philipines): 2,3 triệu TEU, Tanjung Pelepas: 2,1 triệu TEU, Băng Cốc: 1,1 triệu TEU.

Theo dự đoán của Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) sản lượng hàng container của các nước trong khu vực ASEAN sẽ tăng nhanh từ nay đến năm 2006. Và tiếp theo đó sự bùng nổ về vận chuyển container sẽ diễn ra trong giai đoạn từ 2006 đến 2011. Trên cơ sở đó dự kiến số bến container cần xây dựng thêm của các cảng container ở các nước ASEAN là 56 bến vào năm 2006. Cụ thể: Singapore: 18 bến, Việt Nam: 16, Malaysia: 16 …

* Cải tiến việc quản lý và khai thác cảng biển

Trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới, các cảng biển trong khu vực sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Toàn cầu hóa sản phẩm đã tạo cơ hội cho cảng biển trở thành nhân tố làm tăng giá trị hàng hóa. Các cảng biển như Singapore, Tanjung Pelepas (Malaysia), Laem Chabang (Thái Lan) và Subic Bay (Philipines) trở thành các trung tâm trung chuyển có các khu vực phân phối hàng ngay trong khu vực cảng. Công nghệ phát triển làm cho việc kinh doanh khai thác tàu container phụ thuộc vào năng suất làm hàng của cảng. Việc container hóa thương mại thế giới làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động của vận tải biển và cảng biển. Mặt khác việc thay đổi cách thức phân phối hàng hóa đã tác động to lớn tới hoạt động của cảng. Có cảng hoạt động với chức năng là cảng trung tâm, có cảng làm chức năng là cảng vệ tinh. Vấn đề an toàn cảng và môi trường cảng đang đặt ra cho các chính quyền cảng trong khu vực phải đảm bảo đầy đủ các thiết bị theo yêu cầu, qua đó đòi hỏi cảng phải đầu tư lớn.

Ông Nguyễn Tín Dân - Giám đốc Cảng Quy Nhơn:

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, mỗi cảng biển phải nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ giá thành dịch vụ. Muốn thực hiện được điều này, các cảng biển phải mạnh dạn đầu tư đổi mới trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin và cải tiến thủ tục hành chính tại cảng. Những kết quả bước đầu về cải tiến thủ tục hành chính tại các cảng Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng và Quảng Ninh trong thời gian vừa qua là những mô hình để tham khảo rất cần thiết cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Việt Nam. Trong thời gian tới, Cảng Quy Nhơn sẽ tăng cường đầu tư mua sắm thêm nhiều trang thiết bị hiện đại để tăng cường năng lực làm việc, kiểm soát chặt chẽ để công trình cầu cảng 30.000 tấn thi công đúng tiến độ. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và phát triển nhân sự để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các đòi hỏi của thị trường.

B.P

Những vấn đề trên đây đòi hỏi các nước ASEAN phải cải tiến việc quản lý và khai thác cảng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc cải tiến đó được tập trung vào các lĩnh vực nâng cao năng lực của cán bộ thông qua việc phát triển nguồn nhân lực. Áp dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo việc trao đổi thông tin qua lại một cách chính xác và nhanh chóng. Tiến hành các nghiên cứu phát triển và nâng cao năng lực cảng để đưa ra các khuyến nghị về phát triển, kinh doanh khai thác và quản lý cảng tối ưu. Có sự phối hợp, hợp tác hữu hiệu giữa các cảng trong nước và trong khu vực. Cải tiến thủ tục hành chính cảng và nâng cao chất lượng từng dịch vụ của cảng. Các nước ASEAN sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn để đạt được các mục tiêu nhằm phát triển một hệ thống cảng biển khu vực năng động, xây dựng các tiêu chuẩn cảng biển tối thiểu, đặc biệt là các cảng container, tạo ra một cộng đồng cảng biển ASEAN thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin và hài hòa các thủ tục cảng biển, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào cảng biển ASEAN.

* Nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng biển Việt Nam

Trong bối cảnh cảng biển khu vực phát triển nhanh chóng và cạnh tranh gay gắt, vấn đề đặt ra là các cảng biển Việt Nam phải làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, góp phần vào việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam đã có quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2010 với 8 cụm cảng biển trong cả nước, nhưng vấn đề là cần biến quy hoạch phát triển này trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, để phát triển cảng biển lâu dài xứng đáng với vai trò của nó trong việc phát triển kinh tế, thương mại, du lịch của đất nước có 3.260 km bờ biển lại nằm trong khu vực phát triển năng động, chúng ta cần phải xây dựng quy hoạch phát triển cảng biển từ 20-50 năm; đặc biệt là nhanh chóng phát triển một cảng biển trung chuyển phục vụ không những cho Việt Nam mà cả cho các nước trong khu vực, trước hết là các nước liền kề với Việt Nam.

Để tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và khu vực thành công mà trọng tâm là nâng cao năng lực cạnh tranh, các cảng biển phải nâng cao trình độ cán bộ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam phấn đấu để cảng biển Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống cảng biển ASEAN và thế giới, góp phần làm tăng giá trị thương mại và du lịch của nước ta.

. Nguyễn Tương

(Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải)

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bảo vệ nguồn nước - Vấn đề cấp thiết   (25/09/2003)
Những người bạn của nông dân   (25/09/2003)
Một động lực phát triển mới của Tuy Phước   (25/09/2003)
Làm gì để có thêm những giá trị mới   (25/09/2003)
Những cựu chiến binh trên mặt trận mới   (25/09/2003)
Một số suy nghĩ về phát triển công nghệ thông tin tỉnh Bình Định (giai đoạn 2001-2005)   (25/09/2003)
Tích cực ngăn ngừa tai biến môi trường biển và ven biển   (25/09/2003)
Thế hệ mới - Làm gì để xứng đáng với kỳ vọng của Người   (25/09/2003)
Những chuyển động bước đầu   (06/08/2003)
Một truyền thuyết về Lửa   (06/08/2003)
Mẹ và lời ru   (06/08/2003)
Ngẩn ngơ trước Lạng Sơn   (06/08/2003)
Tác giả sân khấu Đoàn Thanh Tâm: Sự kế tục kịp thời !   (06/08/2003)
Đầu tư cho thương hiệu - đầu tư cho tương lai   (06/08/2003)
Du lịch con đường văn hóa khu Đông   (06/08/2003)