Ký của Lê Viết Thọ
|
Tướng Nguyễn Hải và niềm vui bên người vợ và các cháu. (ảnh: V.T) |
Trông ông trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 77 của mình. Mới tiếp xúc với ông lần đầu, tôi đã rất mến. Thú thật, ông đúng như cách mà tôi vẫn thường hình dung về một tướng quân cách mạng. Đó là một cựu binh với đầy đủ cái vẻ bề ngoài mà nhiều người vẫn thường mường tượng: giản dị, dễ gần gũi, khuôn mặt tươi tắn, thoáng chút hóm hỉnh, nhưng không thiếu nét cương nghị. Có lẽ, ngoại trừ mái đầu đã bạc, không ai có thể nghĩ ông chuẩn bị mừng thượng thọ. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Hải, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15, hiện là Chủ nhiệm HTX 22-12 (Hội Cựu Chiến binh thành phố Quy Nhơn).
1.Vừa nghe tôi đề nghị, ông đã cười khà khà: "Cái chuyện nhỏ ra sao, lớn làm gì, rồi đi theo cách mạng, thật lòng mà nói thế hệ của tôi là nó phải vậy. Thành tích à? Nếu có, là của chung tập thể. Chuyện của mấy chục năm trước, cứ lôi ra hoài... anh em họ cười". Tôi nói - Nhưng những thành tích đó đã được khẳng định, dân họ biết hết đấy thôi! Ông lại hóm hỉnh nháy mắt hỏi lại: "Thì vì mình là sĩ quan của dân chứ còn của ai. Dân không biết thì ai biết. Nhưng có làm được cái gì thì cũng chỉ nhờ cố gắng làm hết sức mình, rồi dân, rồi đồng đội vun vén lên thôi. Mấy lại, tôi đã già rồi, lẩm cẩm rồi. Nhiều khi chẳng nhớ gì được mấy, có khi nhầm lẫn nữa cũng nên". Nói thì nói vậy, nhưng rồi ông cũng ấn tôi ngồi xuống một chiếc ghế, thong thả kể. Chuyện của ông cứ chảy miên man, nhưng bao giờ rồi cũng xoay trở lại chuyện làm ăn trong thời buổi kinh tế thị trường bây giờ, với đầy đủ những khó khăn, phức tạp của nó. Thi thoảng, thấy tôi lui cui ghi chép, ông lại nhắc: "Ấy, tôi chỉ kể qua vậy thôi, anh khoan hãy ghi đấy nhé! Toàn chuyện nhỏ ấy mà".
Ông sinh năm 1926, cầm tinh con hổ (tuổi Bính Dần), là người thôn Quảng Xá, xã Tân Minh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. 19 tuổi, ông tham gia Chi đội 5 Quân giải phóng và lên đường Nam tiến, vào tận Sông Cầu (Phú Yên). Bị thương trong một trận đánh ở Đồn Giã, ông được đưa về Huế điều trị rồi năm 1963, lại vào Nam, chiến đấu ở Sư đoàn 2, 3 Quân khu V, sau đó, về làm Phó Chính ủy, rồi Chính ủy Trường Quân chính Quân khu. Đến năm 1977, với sự thuyết phục của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Sư đoàn 332 và đồng thời, làm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông Lâm Công nghiệp Kon Hà Nừng. Đến tháng 4 năm 1985, lại sang làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Binh đoàn 15. Về cuộc đời binh nghiệp của ông, ông chỉ nói vắn tắt có vậy.
Tháng 1 năm 1997, ông chính thức nghỉ hưu và ở lại Quy Nhơn. Từ một vị tướng bôn ba trận mạc, năng động làm kinh tế, nay ngày hai buổi ngồi nhà đọc báo, nghe tin tức thời sự qua chiếc tivi. Nhìn đi ngoảnh lại, thấy phần đông anh em cựu chiến binh vẫn cứ mãi loay hoay với cái nghèo, tự dưng ông... phát bực. Đi, gặp gỡ và tìm hiểu một số nơi, ông mới nảy ra ý định cùng anh em cựu chiến binh góp vốn làm kinh tế. Vừa nghe ông trình bày kế hoạch, Hội Cựu Chiến binh thành phố Quy Nhơn ủng hộ cái "rụp". Năm 1998, Hợp tác xã (HTX) 22-12 ra đời trên cơ sở ý tưởng đó.
2. HTX ra đời chỉ vỏn vẹn với 300 triệu vay từ Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh, còn lại là tiền anh em cựu chiến binh góp cổ phần. Kẻ ít 5 triệu đồng, người nhiều cũng được vài chục triệu. Trang thiết bị lúc đầu chỉ có chiếc máy làm carton trị giá hơn 400 triệu đồng. Nhà xưởng thì phải thuê lại của Công ty TNHH Đại Thành. Lao động là con em của các cựu chiến binh, ưu tiên cho con em xã viên HTX. Đẻ ra HTX thì dễ, nhưng nuôi cho nó sống, mà lại là sống cho tử tế thì thôi, phải nói là thiên nan vạn nan. Nhất là ấn tượng từ cái kiểu HTX đánh trống, gióng chiêng, quáng quàng ghi điểm, ngày công tính bằng vài ba cân thóc vẫn còn làm khối người e ngại mỗi khi nhắc lại. Nghĩ thôi đã thế, làm bạn hàng với nhau còn khó hơn. Năm đầu tiên, lỗ. Năm thứ hai, vẫn lỗ. Đến tháng 9 năm 2000, HTX bầu lại Ban Quản trị mới, ông mới chính thức đảm nhận trách nhiệm Chủ nhiệm HTX. Ông nói: "Tôi xác định: làm gì thì làm nhưng phải bảo đảm được mấy vấn đề cơ bản thế này: lãi cổ phần ít nhất phải đạt 1,2%/tháng; lương bình quân của người lao động trung bình phải đạt khoảng 700.000 đồng/người/tháng, thu nhập thực tế có thể cao hơn; hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ cho Nhà nước; bảo toàn vốn cho xã viên, đồng thời phải tạo tích lũy để phát triển sản xuất".
"Khách hàng tuy chưa nhiều nhưng đã thành bạn hàng của nhau rồi họ rất tin ở mình. Cái thuận lớn nhất của mình là uy tín. Họ nói: "Làm ăn với cựu chiến binh thì khỏi phải lo". Chà, họ không lo nhưng mình thì phải lo đấy. Lo làm sao để không chỉ giữ được niềm tin, mà ngày càng củng cố chữ tín của HTX và nâng tầm nó lên. Cái này thì khó đấy!". Ông tướng bồi hồi nhớ lại những người bạn hàng đã gắn bó cùng HTX trong những năm đầu gian khó, giọng ông nghe đã xa xôi. Mà thật, trong hoàn cảnh trăm người mua, vạn người bán, chỉ riêng KCN Phú Tài đã có đến vài ba doanh nghiệp sản xuất carton. Để gây uy tín với các doanh nghiệp, để họ tín nhiệm và "gọi" hàng của HTX đâu có dễ. Khó thì cũng phải gỡ chứ, chả lẽ lại ngồi ôm nhau than thở, ông cười hồn hậu: "Tôi nghĩ: có ba khâu chính yếu của một quá trình kinh doanh: trước hết là đầu vào, cuối cùng là đầu ra, ở giữa là bộ máy quản lý, sản xuất. Đầu vào cũng quan trọng, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cái quyết định nhất vẫn là ở bộ máy của mình. Bộ máy có vận hành tốt, hoạt động hiệu quả thì quá trình vận hành này mới thuận. Vậy là công việc của tôi bắt đầu từ việc hoàn thiện bộ máy, tinh giảm khâu trung gian và thực hiện khoán sản phẩm". Cũng cần nói thêm là trước đó, HTX thực hiện ăn lương theo công nhật, không những thu nhập của anh em công nhân thấp, lại không kích thích sản xuất. Nay, ông tiến hành khoán sản phẩm, không chỉ tăng năng suất lao động, mà không khí làm việc cũng khác, thu nhập người lao động cũng cao hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố nâng cao chất lượng, hạ giá thành cũng được HTX đặc biệt quan tâm hơn.
3. Sản xuất thì tất yếu phải tính đến chuyện đầu tư phát triển. Nhìn vào thị trường, Bình Định hiện có tới hơn 30 cơ sở sản xuất nước mắm, nhu cầu chai nhựa để đựng nước mắm rất lớn, nhưng các cơ sở này chủ yếu vẫn phải mua từ Đà Nẵng đưa vào hay chở từ thành phố Hồ Chí Minh ra. Cộng chi phí vậnï chuyển, giá thành đội lên khá đắt đã đành, mà mỗi khi hư hỏng, muốn đổi lại rất khó, lại không đáp ứng nhanh khi có nhu cầu. Nghĩ vậy, từ tháng 2 - 2000, HTX đầu tư dây chuyền sản xuất chai pét công suất khoảng 3.000 chai/ca. Sản phẩm làm ra không đáp ứng nổi nhu cầu của một cơ sở sản xuất nước mắm cỡ lớn. Do vậy, tháng 9 năm 2003 này, HTX lại tiếp tục đầu tư thêm một dây chuyền nữa với công suất gấp đôi dây chuyền cũ. Tôi hỏi: "Vốn ở đâu?". Ông nói: "Thì chúng tôi lại vay của cựu chiến binh thôi. Nhưng có điều này thật cảm động. Anh em quý, tin mình nên nghe thông báo là đem tiền đến cho vay ngay. Vốn đã vượt quá nhu cầu rồi, nhưng anh em vẫn cứ mang đến, một số người đã phải thế chấp nhà để vay vốn cho HTX vay. Thật khó cho anh em quá. Vậy là tôi quyết định: vay thêm một số vốn lưu động nữa với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng chút ít". Năm 2003, trước nhu cầu mở rộng nhà xưởng, phát triển sản xuất, HTX lại quyết tâm đầu tư xây dựng nhà xưởng mới. Lần này, HTX không sử dụng vốn góp của xã viên mà mạnh dạn đi vay. Đến nay, HTX đã đầu tư khoảng 1,8 tỉ để xây dựng nhà xưởng tại Khu TTCN Quang Trung (TP Quy Nhơn). Có lẽ, bởi uy tín của Chủ nhiệm mới nên dù nhiệm kỳ Ban Quản trị HTX đã kết thúc từ cuối năm 2002, nhưng xã viên đề nghị kéo dài thêm một năm, vừa để hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng mới; cũng như chuẩn bị phương án chuyển HTX thành Công ty Cổ phần. Tôi hỏi vui: "Làm Chủ nhiệm HTX vất vả hơn hay làm kinh tế quốc phòng vất vả hơn?". Ông hóm hỉnh: "Mỗi thời có mỗi cái khổ, cái sướng riêng chứ. Làm sao so sánh vậy được! Nhưng nhìn anh em cựu chiến binh đã bắt đầu bớt khổ, mình vui".
Đến nay, HTX đang giải quyết việc làm cho 94 cán bộ, công nhân với thu nhập bình quân 700.000-800.000 đồng/tháng và thực hiện đầy đủ các chính sách Nhà nước quy định như mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm tai nạn. Các tổ chức như Công đoàn và Đoàn Thanh niên được thành lập và hoạt động hiệu quả. Từ hai năm nay, HTX trả lãi bình quân 1,5%/tháng; doanh thu năm sau cao hơn năm trước: năm 2001 đạt 3,2 tỉ; thì năm 2002 là hơn 5 tỉ và dự kiến năm 2003 sẽ đạt hơn 7 tỉ. "Khoe" với chúng tôi như vậy, rồi ông kết luận: "Cái sướng nhất của tôi từ khi nhận làm Chủ nhiệm HTX đến nay chính là ở đó. Những đêm trằn trọc suy nghĩ cách làm của HTX, tìm cho được đầu ra… rồi những khi không quản mưa, nắng, đạp xe lọc cọc từ nhà lên HTX, kể ra thì cũng vất vả, nhưng nhìn vào những kết quả đã làm được, lại thấy khỏe ra! Khỏe lắm lận".
Rồi ông thủ thỉ: "Nói thật là làm Chủ nhiệm HTX, tuy quy mô nhỏ, nhưng không thật dễ dàng đâu. Ngoài những yếu tố chất lượng, giá cả, mẫu mã… làm ăn thời kinh tế thị trường còn phải biết ngoại giao nữa anh ạ! Có vậy mới kéo được khách hàng về phía mình. DN tư nhân hay Công ty TNHH thì dễ, họ lấy túi nọ, bỏ túi kia, trừ phần trăm cho người tiếp thị, giới thiệu sản phẩm… rất thoáng. Nhưng chúng tôi là kinh tế hợp tác, cũng không mấy đơn giản. Ậy, nhiều người cứ gạn hỏi tôi: ông thiếu tiền lắm hay sao mà già rồi còn bương ra nhận làm Chủ nhiệm HTX. Con cái thì đã trưởng thành cả, lương thiếu tướng của ông, rồi lương hưu của bà ấy, chẳng lẽ không đủ tiêu hay sao? Tôi mới hỏi lại: Tiền thì ai chẳng ham, chẳng cần. Với lại, đồng tiền mình làm ra, có gì mà ngại. Mà anh cũng hiểu, đấy là tôi bực, tôi cáu như thế, chứ trước tiên còn là chuyện trách nhiệm nữa chứ. Trách nhiệm với Hội, với bạn bè đã tin mình mà góp đồng vốn vào đây".
Tất bật với nhiệm vụ của một Chủ nhiệm, nhưng rời công chuyện ra, ông lại hạnh phúc trong ngôi nhà của mình. Trong căn nhà nhỏ trên đường Chương Dương, hai vợ chồng ông như đang sống thời vợ chồng son. Gia đình ông có ba người con, thì một đã mất, hai người còn lại đều đã trưởng thành và ra riêng cả. Anh con trai hiện đang làm việc tại một công ty TNHH; còn chị con gái, theo chồng ra Đà Nẵng và đang công tác trong ngành không quân. Tôi hỏi vui: "Cùng thôn, cùng xã, chắc hai ông bà đã gặp và mến nhau từ nhỏ?"- Vợ ông, bà Nguyễn Thị Phành, vui vẻ: "Không có đâu. Tui với ông là người cùng xã, cùng thôn đó, nhưng lại gặp nhau trên đường làm nhiệm vụ. Hồi đó, năm 1953, tui tham gia dân quân tự vệ, đi dân công hỏa tuyến, gặp ông lúc đó đang đóng quân ở Thừa Thiên - Huế. Thấy ông ấy cũng… đẹp trai, lại giản dị, công tác gan dạ, dũng cảm, vậy là tui ưng liền. Ưng đó, nhưng rồi cũng về quê tìm hiểu nữa, mới nên vợ nên chồng".
Vãn chiều, ông đưa chúng tôi đi một vòng xem cơ ngơi mới của HTX, khá khang trang. Nhìn dáng ông luôn tất bật bên những dây chuyền sản xuất, và đôi mắt có phần ưu tư trước dây chuyền bao carton chưa hoạt động được vì Khu TTCN Quang Trung chưa được bắc điện, tôi như đã bắt gặp một hình ảnh đẹp đẽ về một người cựu chiến binh trong cuộc sống hôm nay.
L.V.T
|