. Truyện ngắn của Huỳnh Văn Quốc
Nhà có 3 người. Bà Năm đã già xọp. Chị Nhạn tóc cũng lấp ló sợi bạc. Con Én đang học năm cuối cấp trung học thì như con trai, hễ về đến nhà là cứ quần cộc áo thun đi hái rau heo, chân tay rám rậm, suôn đuột. Nhờ nó mà chị Nhạn cũng đỡ vất vả. Chỉ ngại là thấy nó ít ngó ngàng tới sách vở, mà mê dán mắt vào ti vi quá. Chị phải nhắc chừng: "Cứ coi ti vi cho nhiều, rồi rớt tốt nghiệp đừng có than". Nó bĩu môi: "Mẹ già rồi, đâu còn ham vui như tụi con. Ti vi có nhiều cái vui lắm". Nó nói không phải là không có lý. Ti vi có nhiều chương trình hấp dẫn. Nhưng chỉ cánh trẻ là coi suốt ngày không chán, còn lớp người như chị không mấy háo hức. Vì bận, vì mệt, vì xem không xuể, vì bội thực truyền hình và còn vì nhiều lý do khác nữa. Chẳng bù cho ngày nào, ở cái làng heo hút núi không ra núi, biển không ra biển, chỉ teo tóp vài cánh đồng hẹp quanh năm đạm bạc này, không mấy khi người ta được xem cho no mắt chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật vài ba năm mới tạt qua một lần như mưa rào thoáng qua ruộng hạn.
Tiếng con Én chợt kêu lên làm chị giật mình:
- Ôi chán chết! Lại hát tuồng! Mẹ, bà xem không, con tắt?
Chị chưa kịp trả lời thì tiếng bà Năm khò khè từ trong buồng nói với ra:
- Để đó cho tao!
Bà Năm vốn mê hát tuồng, đến bây giờ niềm đam mê ấy vẫn không suy giảm. Bà mê những nhân vật của sân khấu tuồng đến nỗi cứ nhắc tới họ để so với cuộc sống bên ngoài, lại còn bảo: "Nói phải có tích, dịch phải có tuồng". Máu mê tuồng ấy đã được chị Nhạn thừa hưởng, một thời chị ước mình là Lưu Kim Đính sẽ được sánh duyên với một chàng Cao Quân Bảo nào đó. Và chàng Cao Quân Bảo đã đến với chị không ai xa lạ mà chính là anh hề Lùn của Đoàn tuồng Hương Quê. Đêm đêm anh hề Lùn đã làm cho bao người già trẻ trai gái đều hả hê với những trận cười. Anh cao chưa tới mét rưỡi, đi guốc mộc, mặc áo vải thô, đóng các vai tiểu đồng, chủ quán, tiều phu... Trên sân khấu, vai do anh diễn xuất hiện không nhiều, nhưng chỉ một cái nhếch mép, một dáng đi xấp xải của anh hoặc một câu nói tưng tửng là bất ngờ làm cho cả bãi xem rộ lên tiếng cười. Thậm chí có khi anh chẳng cần diễn, chỉ mới sững người với vẻ mặt ngay đuồn đuỗn, thần thái vừa thờ thộn vừa tinh quái là cả người anh đã toát ra một chất trào lộng lạ thường. Một số người đi xem hát không phải mê nghệ thuật, mà vì mê cái hài của anh. Những vai chính hát về trung hiếu tiết nghĩa có khi làm người ta ngủ gật, anh xuất hiện chỉ nói bông lơn vài câu với chất giọng khê nồng quen thuộc là ai cũng tỉnh như sáo, nghểnh cổ nhìn rồi cười ngây ngất, cười ngặt nghẽo, bao nhiêu nỗi lam lũ vất vả hàng ngày đều tan biến hết, chỉ còn lại tiếng trống chầu thùng thình vang vọng đêm thâu. Sau những lần như thế, bao giờ anh hề Lùn cũng được đoàn phân công tiễn chào khán giả bằng một câu quen thuộc: "Dà, kính thưa quý dzị khán giả! Dzở tuồng của chúng tôi còn hai đêm nữa mới đến hồi kết cuộc. Bây giờ đêm đã khuya, đành phải bịn rịn chia tay quý dzị. Chúc quý dzị một giấc ngủ ngon, trong giấc ngủ mơ toàn mộng đẹp để khi bình minh lên, quý dzị sẽ có một tinh thần sảng khoái mà tăng gia sản xuất...".
Anh hề Lùn có mẽ ngoài rõ ràng là kém trai, nhưng tài lợi khẩu của anh đã làm cho chị Nhạn thầm thương trộm nhớ. Cho đến một hôm chị đang ngồi sàng gạo ở nhà thì anh bước vào:
- Xin chào cô! Tôi muốn nhờ cô một việc, cô có đồng ý không?
- Còn phải xem anh nhờ việc gì đã.
- Là như vầy: công việc bán vé tại sân bãi không được kịp thời, người ta chen lấn dữ quá. Chúng tôi muốn bán ra ngoài trước một số để giảm tải. Dĩ nhiên là lựa chọn những người có uy tín mà Hợp tác xã giới thiệu để bán giúp, sẽ có hoa hồng bằng vé để xem hát...
Lần gặp chóng vánh ấy và những lần sau làm cho tình cảm giữa hai anh chị ngày càng nảy nở, và chị đã trao tất cả cho anh. Đến khi ấy rồi, chị mới đâm ra lo ngại:
- Chừng nào thì mình cưới nhau hả anh? Em sợ có thai quá!
- Anh thề là nếu không lấy được em trước khi cái thai lớn, anh sẽ bị trời tru đất diệt!
- Sao giống câu anh thề trong tuồng quá, em có nên tin không?
- Đây là anh thề ở ngoài đời, sao em lại nghi ngờ anh?
Chẳng rõ câu thề có giá trị đến đâu, nhưng chị cũng tin được một nửa, còn nửa kia dành cho nỗi chờ đợi phập phồng.
Đêm diễn cuối cùng của đoàn, Hợp tác xã có ý "chiêu đãi" toàn bộ dân làng một đêm hát hiến, với vở tuồng "Hoàng Dân - Hảo Nghĩa" hay là "Tề Thiên Đại Thánh đại chiến Hồng - Bạch Điệp". Anh hề Lùn đóng vai chủ quán Hảo Nghĩa, vào vai rất ngọt, đến nỗi diễn viên chính đóng vai Hoàng Dân không phải kém tài nhưng gần như trở nên mờ nhạt. Hoàng Dân thuở hàn vi kết nghĩa anh em với Hảo Nghĩa sau một đêm bị mất cắp hành lý tại quán, sau đó chàng lên kinh thi đỗ trạng nguyên. Điều oái ăm đã xảy ra: Hai nữ quái là Hồng Điệp và Bạch Điệp giả làm vợ và con của Hoàng Dân để đến sống với chàng, mê hoặc chàng. Đến khi vợ con thật của Hoàng Dân tìm đến thì chàng tống ra khỏi cửa, phải đợi Tề Thiên giáng trần mới "phá án" được! Người xem xót xa cho vợ con Hoàng Dân bị phụ bạc bao nhiêu, thì càng hả hê khi nghe Hảo Nghĩa nhiếc móc chàng thậm tệ bấy nhiêu. Trời càng khuya, gió càng lạnh, bỗng nhiên vai Hảo Nghĩa lăn đùng ra sân khấu, mắt trợn trắng làm cho ai nấy hoảng hồn. Người ta chưa kịp đưa đến bệnh viện thì anh đã tắt thở. Người thì bảo anh bị gió độc vì lúc chiều anh chưa kịp ăn uống gì, người mê tín lại bảo do anh diễn xuất thần quá nên các "quan" ở cõi âm bắt anh đi để phục vụ cho "họ" xem!
Hôm sau, chị Nhạn đến đoàn với đôi mắt sưng húp, bên giường anh có một người phụ nữ khác cũng không kém phần bi thương. Hai người nhìn nhau lạ lẫm. Một người đàn ông bước vào bảo:
- Xe tới rồi, mau đưa chú ấy đi cho kịp ngày!
Khi người phụ nữ đi ra, ông ta lắc đầu nhìn theo:
- Tội nghiệp, chưa kịp cưới nhau mà đã...
Tai chị Nhạn như ù đi. Chị chạy về nhà nằm vật ra giường, nức nở: "Anh thề làm chi cho ra nông nỗi, anh ơi! Cũng tại em, em hâm mộ anh, em có trách anh đâu?". Bà Năm lê đôi dép lẹp xẹp ngoài sân, nói với ông ba Hương hàng xóm: "Người như chú hề Lùn nói toàn điều hay, vui vẻ ai cũng mến, sao trời lại nỡ bắt đi hở anh Ba?". Tiếng ông Ba đáp lại: "Trời nào có bắt? Tại cậu ấy đau tim, hôm diễn nhập vai quá nên xúc động mạnh, tim bị ngộp mà chết. Tôi nghe nói, bác sĩ xét nghiệm họ bảo vậy". Bên trong, chị Nhạn thầm thì với chính mình: "Em buồn lắm nhưng không giận anh đâu. Em sẽ giữ giọt máu này cho anh, dù phải tủi hổ khổ nhọc thế nào chăng nữa!".
Tiếng bà Năm bỗng vang lên:
- Má con Én! Mày tỏ con mắt xem thử phải bà đào Bỉnh kia không?
Bà Năm chỉ tay vô màn hình. Chị Nhạn chạy lại kịp đọc được "Nghệ sĩ Ngọc Bỉnh", chị thốt lên:
- Phải rồi đó má, má nhớ dai thật!
Trông đào Bỉnh già đi nhiều, bà đang được Đài truyền hình phỏng vấn trong phóng sự: "Gặp những nghệ sĩ của đoàn tuồng Hương Quê ngày ấy". Đoàn tuồng một thời làm say mê biết bao người, nay nghe nhắc như nhắc chuyện đời xưa. Bà Bỉnh nghẹn ngào:
- Ngày nào tôi cũng xem truyền hình, cũng thấy nhiều bộ môn ca hát được phát huy. Nhưng ít khi thấy bóng dáng của ngành Tuồng chúng tôi đâu cả. Nhiều lúc nghĩ mà tủi, mà buồn. Chúng tôi đã gần đất xa trời, mong thấy cái nghề này khôi phục lại sức sống như xưa để mát lòng, thanh thản ra đi...
Con Én đến ngồi bên chị Nhạn tự lúc nào. Nghe đến đây, nó trề môi bảo:
- Gớm! Cứ làm như hay hớm lắm không bằng.
Thiếu chút nữa chị Nhạn đã cho nó cái tát tai. Nhưng chị kiềm lại được, ngồi ôm con mà nước mắt lăn dài.
. H.V.Q |