Danh sách học sinh miền Nam người Bình Định được đưa ra Bắc học tập trong những năm đất nước còn chiến tranh có 150 người thuộc các dân tộc ít người Bana, H'rê, Chăm.
|
Chị Yang Thi Ngát (bên phải) tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV |
Khi ra đi, các anh, chị đều là những cậu bé, cô bé nghèo khổ lam lũ, nhưng ai cũng có một tuổi thơ dữ dội, nhiều người đã tham gia kháng chiến trước khi biết cái chữ. Khi học hành thành đạt trở về lại quê nhà, các anh các chị đã đem hết sức lực và trí tuệ của mình một lòng phục vụ bà con buôn làng, phục vụ đồng bào mình, quê hương mình, đất nước mình. Tiêu biểu cho những người con của núi rừng đó là chị Yang Thị Ngát, người Bana ở Vĩnh Thạnh.
Ngát mồ côi mẹ từ khi còn ôm bầu sữa mẹ. Mấy lần Ngát bị đau nặng, bác (phải gọi cha bằng bác để khỏi bị chết) và dì ghẻ phải cúng, bóp trứng gà, nhưng "con ma" vẫn nói "mẹ cũng muốn lấy nó đi", nhờ trời, Ngát đều qua khỏi. Lớn lên, bảy tám tuổi, Ngát phải đi chăn bò cho bác (cô) mới có được cái ăn, cái mặc trong ba bữa Tết. Thế rồi, Ngát lớn lên nhanh nhẹn dần, mười tuổi đã biết làm giao liên, giúp việc cho các chú cán bộ người Kinh. Hàng ngày, Ngát trong vai cô bé đi đổi trầu dạo, cất tiếng rao lanh lảnh: "Ai đổi trầu không? Ai đổi trầu không?" Nghe tiếng rao lảnh lót của cô bé xinh xắn, nhiều mí, nhiều bá rất thích, thường đến đổi dạo lấy trầu thơm ngon của Ngát. Nhưng không ai biết được ở đáy gùi, dưới hàng trăm lá trầu xanh mướt, thơm thơm cay cay ấy là những tài liệu mật các chú giao cho Ngát chuyển đến nơi cần thiết, che được mắt kẻ thù.
Năm 1955, Ngát được ra Bắc học tập ở trường Học sinh miền Nam (HSMN) số 5 dành riêng cho con em các dân tộc thiểu số. Tại đây, Ngát luôn là học sinh khá, giỏi và có nhiều năng khiếu: hát hay, múa đẹp, thường được vinh dự đại diện cho các bạn đón các bác lãnh đạo và các đoàn đại biểu quốc tế…
Yang Thị Ngát tốt nghiệp trung cấp sư phạm và sau đó là đại học nông nghiệp. Ngày về lại miền Nam, chị cùng chồng - anh là người dân tộc Chăm - về quê hương Vân Canh của anh công tác. Chị đã có 15 năm (1985 - 2000) giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vân Canh. Là một kỹ sư nông nghiệp, với nhiệt huyết của một học sinh miền Nam, một cán bộ được Đảng và Bác Hồ nuôi dạy, chị đã góp phần cùng đồng bào mình phát triển ngành nông nghiệp ở Vân Canh qua các chương trình thủy lợi hồ Bà Thiềng, chương trình dầu thực vật, cây đào, phát triển đàn bò…, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân Vân Canh nói chung và cho đồng bào dân tộc Chăm ở Vân Canh nói riêng. Chị còn góp phần to lớn trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới cho người dân với việc hạ tỉ lệ phát triển dân số ở Vân Canh từ 3,8 con/một người mẹ (năm 1985) xuống còn 1 con/ một người mẹ (năm 1998) và góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn người dân. Đặc biệt, trong những năm qua, nền văn hóa Vân Canh ngày càng được khôi phục và phát triền theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; những nhà rông, những làng văn hóa tiêu biểu như Hà Văn Trên, Kà Xim, Suối Mây… nổi lên ở Vân Canh có tiếng trong toàn tỉnh, trong đó có vai trò tích cực, có sự đóng góp quan trọng của người cựu nữ học sinh miền Nam - Phó chủ tịch UBND huyện Yang Thị Ngát.
Giờ đây đã nghỉ hưu, nhưng chị Ngát vẫn say mê với những công việc vì dân, vì quê hương. Hiện nay là Phó Chủ tịch thường trực Hội khuyến học huyện Vân Vanh. Chị ngày đêm miệt mài với tất cả những việc liên quan đến chuyện khuyến học, nâng cao dân trí của trẻ em Vân Canh nói riêng và người dân Vân Canh nói chung với mong muốn con em Vân Canh ngày càng học giỏi, không có trẻ em nghèo bị thất học, xây dựng Vân Canh thành một xã hội học tập, phát triển trong xã hội học tập, phát triển của tỉnh Bình Định và cả nước.
. Xuân Mai |