Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Xin đừng bỏ gốc lấy ngọn
10:28', 23/10/ 2004 (GMT+7)
Nghệ thuật truyền thống đang có những bước phát triển mới. Những vở diễn mới góp cho kịch mục đang ngày càng dày thêm. Tuy nhiên, những vở diễn bài chòi cổ, những vở hát bội được xem là mẫu mực, cổ điển chưa được ghi hình lại để bảo lưu. Rồi những lớp nghệ nhân hãy còn nắm giữ được cái tinh hoa của nghề, ngày càng vợi dần theo năm tháng. Hãy bảo lưu và sưu tập một vốn di sản quý của văn hóa phi vật thể trước khi quá muộn...
* Hồn ở đâu, bây giờ?

Nghệ thuật tuồng cổ luôn được bảo tồn và phát triển ở Bình Định

Nếu chỉ nhìn vào thực lực hiện nay của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thì câu hỏi trên đây của chúng tôi hẳn thừa. Với hàng trăm đêm diễn một năm, năm nào cũng có những vở diễn mới ra đời và đoạt các giải thưởng này nọ. Hơn nữa, sự tiếp nối về thế hệ phần nào đã là minh chứng cho sự phát triển bền bỉ của nghệ thuật truyền thống.

Tuy vậy, một thế hệ nghệ sĩ nữa sắp đi qua, nhưng nhìn về lớp trẻ, chúng ta lại hiện rõ sự trống vắng. Những tinh hoa của nghề vẫn chưa được trao truyền hết. Trong khi đó, theo đạo diễn Hoàng Ngọc Đình, thời điểm hiện tại, nếu chúng ta không tiến hành ngay việc dựng và ghi hình lại những vở diễn được xem như là mẫu mực, cổ điển của nghệ thuật Hát bội như Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Đào Phi Phụng, Hộ Sanh Đàn… thì chỉ một, hai năm sau, chưa chắc chúng ta đã làm được. Ông giải thích: "Hầu hết dàn diễn viên của Nhà hát đều đã ở tuổi trên dưới 40; diễn viên trẻ thì chưa kịp trưởng thành. Hơn nữa, với các vở diễn, các vai được xem là mẫu mực như thế này, chưa có kinh nghiệm, chưa lăn lộn nhiều với nghề, trải mình trên sàn diễn, thì chưa đủ tầm để "vào" được các vai diễn này". Bên cạnh đó, nếu thời điểm hiện nay, chúng ta tiến hành ghi hình lại thì một thuận lợi lớn là sẽ được các nghệ sĩ lão thành như NSND Võ Sỹ Thừa, NSND Đình Bôi đóng góp ý kiến. Bởi vậy, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã từng khẳng định với chúng tôi, việc bảo tồn vốn cổ của sân khấu hát bội có ý nghĩa vô cùng quan trọng. "Đây là công việc chúng ta phải làm, làm được cái gì thì làm, không nên chờ đợi"- ông khẳng định.

Với ca kịch Bài chòi, công việc này càng trở nên cần thiết. Vốn chẳng có lấy một lịch sử sinh thành dài lâu và bền bỉ như các bộ môn nghệ thuật kịch hát dân tộc khác, ca kịch Bài chòi mới chỉ thác sinh trong tâm hồn của người Bình Định ngót nghét một thế kỷ nay, nên bên cạnh những nỗ lực tìm kiếm hướng sáng tạo mới làm giàu cho ca kịch Bài chòi, tìm về với cội nguồn bài chòi cổ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Về với bài chòi cổ, chính là để đúc rút lấy những tinh anh từ truyền thống, bồi thêm vốn hành trang, tiếp tục những sáng tạo mới. "Chỉ có quay lại những cái gì được xem là cơ bản nhất của nghề thì mới mong có được sáng tạo mới, mới mong có được những đóng góp mới"- một đạo diễn từng khẳng định với chúng tôi như vậy.

* Nghệ nhân: Di sản đặc biệt

Và trong cuộc trở về ấy, trân quý vốn văn hóa phi vật thể hiện đang được lưu giữ bởi những nghệ nhân hôm nay có tầm quan trọng đặc biệt. Có thể khẳng định: khi chưa có trường, lớp đào tạo bài bản như hiện nay, nghệ nhân dân gian chính là lực lượng đào tạo nên những thế hệ sau này của ca kịch bài chòi. Bản thân những nghệ nhân hiện còn cũng được truyền thụ nghề từ những người thầy, cũng đang nắm giữ được những tinh hoa của nghề như vậy. Nghệ nhân Lệ Liễu (Câu lạc bộ Bài chòi cổ Dân gian) tâm sự, bà được truyền nghề từ năm 8 tuổi, khi tham gia vào đoàn Đồng Ấu thôn Chánh Hữu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát. Bà kể: "Những người thầy hồi đó như thầy Ba Quyền, thầy Cửu Dị, thầy Bốn Phước… ai cũng thương, mà cũng thật nghiêm với đám học trò. Chỉ tập thôi, diễn không nhập, lơ mơ là ăn gậy, phun máu đầu ngay. Nghiêm là vậy, nên bọn tôi hồi đó, chú tâm tập, luyện từng câu hát, từng động tác".

Còn với Nguyễn Thành Sung, nguyên Trưởng đoàn Dân ca Kịch Bình Định, chẳng hạn, thì những kiến thức đầu tiên về ca kịch bài chòi ông học được từ những người thầy: ông Dư Gành, ông Sính… "Năm tôi lên bảy tuổi, tôi đã biết hô bài chòi và giọng hô khá tốt. Ông già tôi thấy có vẻ có năng khiếu mới nhờ cậy những người thầy đó, lúc đó là bầu hát đang ngụ lại tại nhà, truyền nghề cho"- ông tâm sự. Nhờ sự truyền nghề tận tâm ấy, ông bắt khá mau chóng với những làn điệu bài chòi cổ để rồi nổi danh trong làng ca kịch bài chòi với giọng hát điệu xàng xê khá đặc biệt. Nghe ông hát: "Thôi thôi đừng vợ đừng chồng… đừng thiếp đừng chàng"(Lang Châu - Lý Ân) - ông nhả nhịp một, rồi xàng xê lụy, xàng xê thượng… những nét luyến tròn, ngọt mà rõ chữ, một nét độc đáo của bài chòi cổ mà người hát đã khổ công học được.

Những nghệ nhân Chánh ca Ái, Nhưng Tầm, Nhưng Hươn, Ba Thơm… bên hát bội, và ông Sáu Điệt, bà Nhảy, ông Đáng… bên bài chòi đã lấy cái tâm huyết của cả một đời làm nghề ra truyền dạy để rồi: "thu lại rất ít niềm vui"- nói như NSƯT Nguyễn Kiểm. Và họ gắn bó với nghề cũng bởi một niềm kỳ vọng: trao truyền cho thế hệ sau những giá trị của nghệ thuật truyền thống. Vậy nhưng, những nghệ nhân như vậy đang ngày càng thưa vắng. Sự thưa vắng của họ trở thành một nỗi xót xa khi mà sự vắng bóng đó đồng nghĩa với sự biến mất của những vốn quý, của những kinh nghiệm tích lũy trong cả cuộc đời làm nghệ thuật. Một phần vốn quý ấy, họ đã trao truyền cho thế hệ sau, nhưng nói như một nghệ sĩ lớp sau: "Làm sao mà học hết cái tinh, cái thần của các cụ được". Một nét luyến của điệu xàng xê không mấy ai học được, một tiếng nhị không mấy ai theo kịp… đành mất dần. Và nhà trường hiện đại hôm nay dù có cố gắng cách nào thì cũng không thể truyền cho học sinh những ngón "bí kíp" như thế. Nắm giữ một vốn di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá, vậy mà nay, những nghệ nhân ấy đang mất dần.

* Xin đừng bỏ gốc lấy ngọn

Ngay trong công tác bảo tồn các giá trị của nghệ thuật truyền thống đang tiến hành hiện nay, chúng ta vẫn mới dừng lại ở bảo tồn tĩnh, tức là nghiên cứu, sưu tầm, ghi hình và cất vào các kho tư liệu, dữ liệu, mà chưa quan tâm đến việc bảo tồn nó ngay ở nơi sinh ra nó, nói cách khác là tạo cho di sản một đời sống trong cộng đồng, một mối quan hệ như nó đã từng có. Điều đáng ngạc nhiên là đã gần 30 năm sau ngày giải phóng, nhưng việc sưu tầm, ghi hình những vở diễn mẫu mực, những vở bài chòi cổ lại chưa hề được tiến hành. Trong khi đây là những phần việc mà đáng lẽ chúng ta cần phải dứt điểm từ rất lâu và đến hôm nay, chúng ta chỉ cần tìm cách tổng kết, lý giải để rồi tái đầu thai về cái nôi của nó. Sau 30 năm, chúng ta cũng mới dừng ở những phần công việc ban đầu của văn hóa học miêu tả.

Nghệ nhân còn, vở diễn còn, vậy tại sao chúng ta không xúc tiến ngay từ bây giờ những công việc như: mời các nghệ nhân đến dạy tại các trường đào tạo diễn viên? thành lập đoàn thể nghiệm với thành phần là các nghệ nhân và tổ chức ghi hình các vở mẫu mực…? Bên cạnh đó, truyền thống của đất tuồng Bình Định không phải ngẫu nhiên mà có, mà được dưỡng nuôi bền bỉ trước hết ở những làng tuồng. Nơi ấy, dưỡng nuôi và sinh thành những tâm hồn yêu nghệ thuật. Nơi ấy, nâng những bước đi đầu tiên của những con người sẽ là nghệ sĩ trong tương lai chập chững bước lên sân khấu và trao truyền cho họ những tinh hoa của nghề hát bội. Vậy nhưng làng tuồng Bình Định lại đang mất dần. Làng tuồng Nhơn Hòa (An Nhơn) nay không còn một đoàn hát nào, làng tuồng Cát Tường (Phù Cát) thì đã vợi đi cái nhịp sôi động thuở nào… Năm 2004 này, ngành Văn hóa tiến hành Dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể về Làng hát bội cổ truyền ở Phước An nhưng dự án này liệu có lập lại quy trình: sưu tầm, lập hồ sơ rồi… bỏ tủ?

Làm sao cho một lớp người già nằm xuống, những tinh túy của nghề hát còn kịp trao truyền cho người trẻ. Để rồi từ trong lòng nhân dân, người sinh thành và dưỡng nuôi những làn điệu bài chòi ấy, người ta có thể tựa vào câu hát mà vợi đi phần nào cái vất vả, gian truân của những đời người.

. Lê Viết Thọ

 

"Giữ gìn truyền thống rất quý, phải biết phát triển truyền thống càng quý hơn. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý là trong cách phát triển dầu phải "vay mượn" kỹ thuật của những bộ môn sân khấu khác cũng nên giữ sao cho bài chòi đừng bị biến chất, trở thành một loại hát tuồng hay "cải lương cải biên" mà phải giữ cho được bản chất của bộ môn này.

...Về vấn đề "phát triển" hay "cải tiến" Hát bội, hát Tuồng, chúng ta cũng nên vô cùng thận trọng, đừng biến sân khấu hát bội thành sân khấu cải lương hay kịch nói "có một hai lớp" (có khi chỉ một hai bài) hát bội. Không thể áp dụng ước lệ trong biểu diễn, những cách luyến láy trong các bài hát Nam để thay vào bằng kỹ thuật thanh nhạc mới…".

(GS-TS Trần Văn Khê - Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam)

CÁC TIN KHÁC >>
Người con gái của núi rừng  (23/10/2004)
Xa vẳng trống tuồng  (23/10/2004)
Huyền thoại thánh địa Cát Tiên  (23/10/2004)
Những tên cướp khoác áo học trò  (23/10/2004)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt San   (31/08/2004)
Mỹ mất dần vị thế số 1 về nghiên cứu khoa học   (31/08/2004)
Hoa Lâm Bình Định - "Thương hiệu bóng đá" mới cần giữ gìn và phát huy   (31/08/2004)
Côn đồ lộng hành, nỗi lo của người dân lương thiện   (31/08/2004)
Tiếng quê   (31/08/2004)
Tiếng hú chồn cheo   (31/08/2004)
Đội Bá trạo hơn trăm tuổi   (31/08/2004)
Vòng xoay hạt nhựa   (31/08/2004)
Đồng vọng một vầng trăng   (31/08/2004)
Thơ   (31/08/2004)
Những góc phố thân thương   (31/08/2004)