Kỷ niệm 6 năm ngày mất nhà thơ Yến Lan (5.10.1998-5.10.2004):
Trăng sao trong tim, thuyền bến trên trời
10:33', 23/10/ 2004 (GMT+7)

Chẳng biết ngoài kiếp thi sĩ ra, mấy ai có tiếng gọi đò lay động từ chốn dân dã đến nóc hoàng cung, từ kẻ vô tình đến người đa cảm, từ mặt đất đến trăng sao, từ cõi trần hoàn đến miền hư tưởng, từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác.

Ờ nhỉ, dù thế kỷ hay thiên niên kỷ cũng đã qua hai, và tôi tin còn khoảng thời gian mênh mang sau nữa, du khách đặt chân về thành Bình Định sẽ không thôi tìm kiếm về một ký ức ảo huyền của Bến My Lăng, của ông lái buồn mang sắc màu diệu vợi của ngàn trùng thắc thỏm với nhân gian bằng một tàn trăng ơ hờ trên sông nước. Một chút hoang vắng, một chút lạnh lẽo, một chút cô quạnh, một chút run rẩy, chỉ thế thôi. Nhưng không chỉ thế thôi, nhà thơ Yến Lan đã cầm nắm hư vô mà khắc tâm điểm nhãn, với bắt khoảnh khắc gieo vào nghìn trùng, lặn lội giữa trăng sao mà vớt lên cả khúc sông thuyền bến như một cuộc sinh thành đầy khải hoàn trong mối tơ duyên huyền diệu của tĩnh mịch và ngân vang, của trong ngần và sâu thẳm, của thực và mộng.

Thiên nhiên và lịch sử đã phú cho Bình Định đẹp một vẻ đẹp sắc lạnh và kiêu hãnh, vẻ đẹp an nhiên và bí ẩn như những sợi tơ trời giăng mắc đâu đó, giữa trăng sao, trên sông nước, trong cỏ cây và khắp hồn người. Ở đó, trong vũ điệu khôi nguyên của trời đất và con người, từng sản sinh và nuôi dưỡng những anh hùng, những thi nhân, những con người sẵn sàng lóp ngóp dưới sình lầy như những củ sen để đội lên không gian những vần thơ được dệt bằng hương thơm và ánh sáng. Trong một đêm trăng vàng trên bãi sông thơ mộng và cay đắng, cuộc chào đời của nhà thơ Yến Lan cũng như một định mệnh "Cơn đau trở dạ không giường chiếu-Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng". Mượn cách nói của thi sĩ Tây Ban Nha Federico Garcia Lorca "Nếu có ngày, nhờ trời, tôi được vinh quang, thì vinh quang ấy phân nửa là thuộc về Granada, nơi đã tạc nặn lên cái tạo vật tôi: thi sĩ bẩm sinh không thể cải hồi", ta có thể nói về Yến Lan với cái bến sông trăng Bình Định như vậy.

Người "thi sĩ bẩm sinh không thể cải hồi" Yến Lan đã sống thực thụ bằng thân phận thơ ca từ tiếng khóc chào đời cho đến hơi thở cuối cùng, đó là điều mà chúng ta có thể tự hào nói to giữa đất trời như thế. Ông đau đớn vật vã và lặng lẽ khiêm cung trình diện với thế giới này bằng tư cách một nhà thơ, từ cái bến sông heo hút đầy cảm khái của đất trời Bình Định. Rồi ông lên đường qua năm châu chín quận, từ tóc xanh đến tóc trắng, từ giữa thế kỷ đến lưng chừng thế kỷ. Cuối đời, ông neo lại với bến sông phố huyện quê nhà. Nhưng dù đi đâu về đâu, với Yến Lan, trăng sao trong tim và thuyền bến trên trời. Chính ông đã nối Bến My Lăng với thế giới và cũng chính bến My Lăng đã nối ông với thế giới. Dù rằng, đâu phải chỉ có vậy. Thế giới thơ Yến Lan tràn đầy, mênh mang và chúng ta có thể ghé qua các chặng đường ấy để cảm nhận cái ngọt ngào tinh tế mà không ít xót đắng chua cay. Đọc những vần thơ như vậy, người ta có thể xao động hơn để mà an nhiên hơn, lắng đọng hơn để mà phong nhiêu hơn, giày vò hơn để mà thanh khiết hơn. Ở thế giới ấy thấp thoáng bóng người thi sĩ Bình Định gầy gò và nhiều khát vọng, độc hành trên con đường truân chuyên dầu dãi: "Đồng hương kẻ xuống người ra đón-Mình suốt đời đi chửa tới nhà".

Hiếm có một bút lực dồi dào từ buổi hoa niên cho đến lúc sắp từ giã cõi đời như ông. Bạn bè ông trong nhóm Bàn thành tứ hữu khi xưa cũng có nhiều tương đồng trong số phận thi ca, ở tiếng hót của loài chim biết chắc mình không còn nương náu bao lâu nữa ở cánh rừng dương thế. Như thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử "Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút - Mỗi lời thơ đều dính não cân ta". Như Chế Lan Viên "Anh tồn tại mãi - Không bằng tuổi tên - Mà như tro bụi - Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên". Như Quách Tấn "Một mai ba tấc đất vùi - Trần gian gửi lại nụ cười cho hoa". Và ở ông "Phong trần tuốt xé guồng tơ tưởng - Chỉ sợi yêu thương mới vá lành".

Dù ở tuổi hăm tám như Hàn Mặc Tử, tuổi sáu tám như Chế Lan Viên, tuổi tám hai như Quách Tấn và như ông, quãng thời gian sáng tác cuối đời đều ở trên giường bệnh. Thơ ca vẫn là nỗi niềm đau đáu và đó chính là cứu cánh, là sự xoa dịu tâm hồn dù đó chính là ẩn hình của Nghìn trò cười khóc, theo cách nói của bạn ông, thi sĩ Chế Lan Viên.

Mạch đập day dứt của mảnh đất và con người Bình Định đã hội tụ một nhóm thơ đầy bản sắc và nối kết những đợt triều của bốn con người dầm thân trong nắng mưa của "chốn nương mây và cậy nguyệt". Thời gian luôn cuồn cuộn chảy nhưng những hình ảnh của lịch sử và văn hóa của một giai đoạn vẫn mãi đồng hành cùng chúng ta, trong đó không thể thiếu vắng dư ba của Bàn thành tứ hữu.

Cứ như vậy trong cỏ, trong cây, bên núi, bên sông, dưới gầm trời thao thiết trong tĩnh lặng, lay động trong yên hàn, huyền ảo trong hiện thế.

. Nguyễn Thanh Mừng

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Xin đừng bỏ gốc lấy ngọn  (23/10/2004)
Người con gái của núi rừng  (23/10/2004)
Xa vẳng trống tuồng  (23/10/2004)
Huyền thoại thánh địa Cát Tiên  (23/10/2004)
Những tên cướp khoác áo học trò  (23/10/2004)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt San   (31/08/2004)
Mỹ mất dần vị thế số 1 về nghiên cứu khoa học   (31/08/2004)
Hoa Lâm Bình Định - "Thương hiệu bóng đá" mới cần giữ gìn và phát huy   (31/08/2004)
Côn đồ lộng hành, nỗi lo của người dân lương thiện   (31/08/2004)
Tiếng quê   (31/08/2004)
Tiếng hú chồn cheo   (31/08/2004)
Đội Bá trạo hơn trăm tuổi   (31/08/2004)
Vòng xoay hạt nhựa   (31/08/2004)
Đồng vọng một vầng trăng   (31/08/2004)
Thơ   (31/08/2004)