Mùa cá chua
12:44', 23/10/ 2004 (GMT+7)

"Giàu nghèo một lẽ cá chua

Biết đâu thắng, biết đâu thua hỡi mình"

Gọi cá chua không phải vì thịt của chúng có vị chua hay chúng sống trong môi trường nước chua. Đến nay vẫn chưa có ai biết được nguồn gốc và tên thật của giống cá này. Theo nhiều ngư dân, tên "chua" là biểu thị của sự gian khổ (chua cay, chua chát, chua ăn…) trong việc đánh bắt cá bột và nuôi cá trong ao, hồ.

    Nuôi cá chua ở Nhơn Hội

Đó là những công việc rất vất vả cộng với tâm trạng nơm nớp lo âu từng ngày, không biết "trắng tay" lúc nào. Nó là giống cá được sinh ra trong bọt biển thì cũng dễ tan như bọt biển.

Ở Bình Định, vùng cửa biển Đề Gi (Cát Khánh - Phù Cát) có điều lạ là nước biển có độ mặn thấp hơn so với các nơi khác trong khu vực, thậm chí dù chỉ cách nhau vài cây số. Vào mùa hè, nước trong đầm Đạm Thủy (còn gọi là đầm Đề Gi, đầm Nước Ngọt) - nguồn nước chảy ra cửa biển Đề Gi - cạn dần, nước biển theo thủy triều tràn ngược lên đầm, biến nơi này thành một vùng nước lợ rộng lớn. Và, những cơn gió nam bắt đầu thổi nhẹ, đẩy những đợt sóng nhỏ vỗ vào bờ mang theo những đám bọt biển nổi lềnh bềnh sát cửa biển. Trong những đám bọt biển này có hàng triệu con cá nhỏ li ti bằng đầu chiếc kim khâu, trong suốt, chỉ phân biệt được nhờ hai chấm nhỏ đen đen của hai con mắt trên đầu, dài không quá 2cm, những người mắt kém hoặc người chưa quen thì không thể nào phát hiện ra chúng được. Chúng nổi trên mặt nước ẩn dưới lớp bọt. Đó là những chú cá chua bột. Lúc này, theo thói quen, từng đoàn người dân sống quanh vùng cửa biển Đề Gi, già trẻ, trai gái kéo nhau đến bắt cá chua bột với lỉnh kỉnh những dụng cụ, tiếng gọi nhau í ới vang vọng một góc trời.

Dụng cụ đánh bắt cá chua bột rất đơn giản, gồm một cái mành được ghép kín lại với nhau bởi những thanh tre hoặc nứa dài 10-20m, cao 0,4 - 0,5m; vài cái rổ nhựa hoặc rổ tre lỗ dày; vài cái thau con và một cái thùng đựng cá. Mỗi mành tùy độ dài ngắn mà có từ 4-5 người cùng tham gia. Người ta lội xuống nước (không dùng ghe thuyền), dùng mành quây tròn một vùng mặt nước bất kỳ rồi lấy rổ vớt. Khi phát hiện có cá trong rổ thì họ nhẹ nhàng dùng cái thau con múc đổ vào thùng chứa chứ không thể dùng tay hay vợt bắt, vì chúng quá bé, chỉ nặng tay một chút là chết. Hết chỗ này đến chỗ khác, người đánh bắt cá chua bột ngâm mình trong nước mặn, dưới cái nắng hè như đổ lửa, cho đến khi nào đạt yêu cầu mới thôi. Có khi trong mành được ít cá thì người ta vui vẻ, có khi quây vài ba chục mành mà không được mống cá nào, thật là buồn não ruột. Đó là chưa kể những ngày biển lặng sóng êm còn đỡ, nếu gặp gió to sóng lớn thì thật vô cùng gian nan. Từ dọc biển Sa Huỳnh đến xung quanh đầm Đạm Thủy, chỗ nào cũng có cá chua bột nhưng tập trung nhiều nhất ở một vùng nhỏ hẹp của xóm Khe thuộc thôn An Quang - xã Cát Khánh. Bởi địa thế nơi đây có đồi Vĩnh Lợi chạy dài ra biển, khi sóng đổ vào cửa biển đã bị hất sang xóm Khe; nơi này nước lại cạn, độ mặn thấp nên cá chua bột tập trung với mật độ khá cao.

Khai thác cá chua bột ở vùng đầm Đề Gi (Phù Cát)

Số cá bột bắt được người ta đem bán cho các chủ ao nuôi quanh vùng với giá không hề nhẹ. Lúc đầu mùa chưa ai phát hiện, ít người bắt, giá cỡ 1.000đồng/con, về sau giá hạ dần nhưng tối thiểu cũng đạt 400đ/con. Tuy đánh bắt cá chua bột là nghề vất vả, chỉ dựa vào may rủi, nhưng nếu trúng có mành thu được vài triệu đồng mỗi ngày.

Cá bột được nuôi trong ao, hồ nhỏ chừng hai tuần tuổi cho cứng cáp rồi mới thả ra ao nuôi chính. Ao nuôi phải hoàn toàn an toàn về mọi khâu kỹ thuật. Tùy theo diện tích ao mà thả cá cho thích hợp; thức ăn là những thực phẩm có trong vùng. Cá chua phàm ăn nên chóng lớn, do đó việc theo dõi chăm sóc để tăng khẩu phần là vấn đề mấu chốt; vả lại, thời gian nuôi không được phép kéo dài như những giống cá khác, chỉ 2,5-3 tháng là thu hoạch. Nuôi cá chua cũng là nghề gian nan, phải theo dõi, chăm sóc hàng ngày. Khi gần ngày thu hoạch, người nuôi nơm nớp lo không biết trời mưa lúc nào, mưa lớn hay nhỏ, mưa vào ban ngày hay ban đêm, nếu để sơ sẩy thì bao công lao sẽ trở thành công cốc.

Khi thời tiết cuối hè đầu thu, cá trong ao nuôi đạt từ 2-3 con/kg là thích hợp cho việc thu hoạch. Lúc này thời tiết miền Trung thường có mưa giông bất chợt, chỉ cần một cơn mưa to thình lình ập xuống, nước dâng cao, sau một đêm là coi như tay trắng. Đến bây giờ người dân ở đây vẫn chưa giải thích được điều này, mặc dù có những ao nuôi khi mưa nước chưa tràn qua bờ đắp nhưng cá mất sạch, chẳng biết chúng đi bằng cách nào. Do đó, người ta khẩn trương thu hoạch sớm, vì không ai biết được trời sẽ đổ mưa lúc nào, chẳng ai cả gan nuôi thêm nữa dù biết rằng loại cá này khi đạt đến độ lớn 1kg/con thì thịt rất ngon và giá cao gấp bội. Lúc đầu vụ, giá cá chua từ 60.000-80.000đồng/kg, sau giảm dần nhưng vẫn cao hơn một số loại cá khác. Đa số cá chua được bán cho các khách sạn, nhà hàng đặc sản chứ ít khi đem bán lẻ ra chợ.

Cá chua chế biến theo cách nào cũng ngon cả. Ngon nhất là nấu lẫu, thứ đến là nướng trui cuốn bánh tráng gạo với rau ghém chấm nước mắm nhỉ. Hai món này người ta có thể ăn mãi cho đến khi no mới thôi chứ không hề chán miệng bao giờ. Trong tiết hè oi ả, bên bãi biển mát rượi, quây quần nhau vừa ăn các món cá chua vừa trò chuyện, thỉnh thoảng nhấp vài ly Bầu Đá thì còn hơn cả những nhà hàng ở thành phố, đã ồn ào lại lắm điều phiền toái. Cá chua ít xương, hàm lượng dinh dưỡng khá cao, đặc biệt là tính lành nên thích hợp cho người bệnh mới khỏi, các sản phụ, cũng như những người suy dinh dưỡng hay lao động nặng…

Cá chua là một loài cá quý hiếm, mang nhiều đặc tính ưu việt. Thế nhưng, chỉ những người dân ở quanh vùng đánh bắt cũng như nuôi cá theo kinh nghiệm riêng của mình, chứ chưa có một cơ quan nào vào cuộc, tích cực tìm hiểu, nghiên cứu để khai thác nguồn tài nguyên quý giá này. Một người nuôi cá - bác Năm Quý - cho biết nhà bác chỉ có một ao, mỗi năm thả nuôi khoảng 10 nghìn con, sau ba tháng trọng lượng cá đạt bình quân 2 con/kg. Với giá cá trung bình 50.000đ/kg, bác thu được một khoản tiền không nhỏ. Bác còn nói thêm, nếu như nắm bắt được đặc tính của loài cá này (dù nuôi lớn, cá mẹ cũng không hề có chửa) và chỉ nuôi đạt từ 1-1,5kg/con thì hiệu quả kinh tế vô cùng lớn, vì loài cá này càng lớn thịt càng ngon, càng bổ. Và, vùng này nếu có những dịch vụ du lịch kết hợp nữa thì có thể gọi con cá chua là cá vàng, cá bạc.

. Lê Đình Hiếu

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Giải pháp nào để chấn chỉnh và quản lý hiệu quả?  (23/10/2004)
Đem thiên nhiên vào nhà  (23/10/2004)
Thơ  (23/10/2004)
Trăng sao trong tim, thuyền bến trên trời  (23/10/2004)
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Xin đừng bỏ gốc lấy ngọn  (23/10/2004)
Người con gái của núi rừng  (23/10/2004)
Xa vẳng trống tuồng  (23/10/2004)
Huyền thoại thánh địa Cát Tiên  (23/10/2004)
Những tên cướp khoác áo học trò  (23/10/2004)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt San   (31/08/2004)
Mỹ mất dần vị thế số 1 về nghiên cứu khoa học   (31/08/2004)
Hoa Lâm Bình Định - "Thương hiệu bóng đá" mới cần giữ gìn và phát huy   (31/08/2004)
Côn đồ lộng hành, nỗi lo của người dân lương thiện   (31/08/2004)
Tiếng quê   (31/08/2004)
Tiếng hú chồn cheo   (31/08/2004)