Hoài Ân: Tiếc quá cây dâu!
12:29', 23/10/ 2004 (GMT+7)

Hiện nay, giá kén đang ở mức từ 36.000-38.000đ/kg. Cứ ngỡ là đi đâu trên vùng đất Hoài Ân, nơi có truyền thống trồng dâu nuôi tằm từ lâu đời cũng sẽ gặp được những gương mặt rạng rỡ của những nông dân "nặng nợ tơ tằm". Giá kén đứng ở mức này ắt đã giúp họ vượt qua được cơn "bĩ cực"! Thế nhưng thực tế đã không như vậy…

* Long đong đời dâu!

Nhiều hộ nông dân ở xã Ân Mỹ (Hoài Ân) còn phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Theo nhiều bậc cao niên ở đây thì Hoài Ân là một huyện có truyền thống trồng dâu nuôi tằm từ thời xa xưa. Tuy nhiên, vẫn chỉ dừng lại ở mức độ manh mún, tự phát. Chỉ đến năm 1980 phong trào trồng dâu nuôi tằm ở địa phương này mới được phát triển có tổ chức, bắt đầu từ 5ha của HTX nông nghiệp Ân Mỹ. Tuy nhiên, bước khởi động này đã nhanh chóng bị "chặn đứng" do giá kén lúc ấy quá rẻ (8.000đ/kg) nên 5ha dâu lập tức bị phá bỏ, thay vào đó là cây mía. Đến năm 1990, từ sự thuận lợi về thổ nhưỡng cộng với giá kén lúc ấy cũng đang ổn định ở mức 18.000đ/kg nên cây dâu được xác định là loại cây trồng mũi nhọn trong kinh tế nông nghiệp của huyện Hoài Ân và phong trào trồng dâu nuôi tằm được phát động trở lại.

Thế nhưng sự trở lại của cây dâu trên đất Hoài Ân lần này cũng nhanh chóng "tắt ngấm" cũng vì lý do tụt giá! Giá kén 18.000đ/kg tồn tại chưa bao lâu đã lại tụt nhanh xuống chỉ còn 8.000đ/kg. Niềm tin vào cây dâu của người nông dân Hoài Ân vừa được "nhen nhóm" cũng bị "tắt" theo! Mãi cho đến năm 1995-1996 cây dâu mới thật sự phát triển mạnh trên mảnh đất này. Đây cũng là thời gian mà Công ty Dâu tằm tơ 2 đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho người trồng dâu nuôi tằm ở đây. Ngoài việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho bà con nông dân trong suốt quá trình sản xuất, Công ty bán nợ cho nông dân cây giống kèm "khuyến mãi": mua 1.000 cây được tặng 200 cây, mua trứng được giảm ½ giá. Những hộ chuyên cung ứng sản phẩm cho Công ty hưởng chính sách thưởng là 200.000đ/hộ. Nhờ đó cây dâu nhanh chóng có mặt trên nhiều địa phương của huyện này: Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Hảo, Ân Hữu và Ân Mỹ. Từ 5ha vào năm 1990 của những cán bộ, đảng viên trong xã đi tiên phong, Ân Mỹ nhanh chóng tăng diện tích cây dâu lên đến 90ha với hơn 300 hộ tham gia. Và ở xã Ân Hảo, nếu như vào giữa năm 1999 chỉ có 23ha thì đến cuối năm đã tăng nhanh đến 100ha.

Ông Phạm Hồng Huệ (Ân Mỹ) minh họa không khí hào hứng của việc trồng dâu nuôi tằm lúc bấy giờ: "Lúc ấy, có mảnh đất nào trồng dâu được là bà con trồng ngay, nuôi được chỉ 1 gam trứng thôi bà con cũng nuôi! Hiệu quả kinh tế của cây dâu lúc bấy giờ là cao gấp 7 lần so làm cây lúa, lãi ròng của 1 sào dâu là gần 4 triệu đồng/năm!". Trong thời gian này, Hoài Ân đã xây dựng một trạm ươm tơ tại HTX nông nghiệp Ân Thạnh có công suất từ 120-160kg tơ/ngày, với tổng vốn là 508 triệu đồng (tỉnh hỗ trợ 224 triệu và huyện hỗ trợ 40 triệu, còn lại là vốn của HTX). Thế nhưng thật oái ăm, khi trạm ươm tơ vừa xây dựng xong thì giá kén lại tụt nhanh thảm hại, bà con nông dân lại "quay mặt" với cây dâu (riêng địa bàn xã Ân Thạnh từ gần 50ha nay chỉ còn tồn tại khoảng hơn 10ha)! Và thế là trạm ươm tơ không có nguyên liệu để sản xuất, hiện nay đang đóng cửa!

* Bây giờ tiếc nuối cây dâu!

Ông Hồ Công Hậu-Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân- nuối tiếc nói với chúng tôi: "Khi giá kén từ 42.000đ/kg tụt xuống còn 17.000đ/kg, bà con trồng dâu trong huyện đã dần phá bỏ nhiều diện tích cây dâu. Từ gần 700ha (hơn 1.600 hộ trồng dâu nuôi tằm) nay diện tích cây dâu chỉ còn hơn 500ha. Những vùng dâu trọng điểm như Ân Mỹ, Ân Tín, Ân Hảo là những nơi nông dân phá dâu nhiều nhất, có hộ chặt trụi cả mẫu dâu. Số còn lại dù còn đó nhưng trong thời gian qua đã bị bà con "bỏ mặc" không chăm sóc, đầu tư gì! Bây giờ khi giá kén tăng đột biến như thế, nhiều hộ đã phá cây dâu rất tiếc nuối và đang lục đục trồng trở lại. Thế nhưng bây giờ mới trồng lại thì đã muộn, chỉ còn chẳng bao lâu nữa đã vào mùa mưa mà cây dâu thì không chịu được ngập lụt. Cây dâu mà bị tắm nước bạc thì tằm ăn vào sẽ sinh bệnh nên sản xuất cũng sẽ chẳng cho hiệu quả gì mấy…".

Tại HTX nông nghiệp Ân Mỹ, chúng tôi được nghe ông Lê Ngọc Định-Chủ nhiệm HTX- phàn nàn thêm: "Từ 100 ha, hiện trên địa bàn HTX chúng tôi chỉ còn khoảng 50ha cây dâu nhưng đã bị bỏ mặc xơ xác. Bây giờ bỏ vốn đầu tư chăm sóc trở lại thì bà con e ngại là giá kén lại tụt và tiếp tục thua lỗ. Bà con đã quá sợ những lúc như thế, kén mất giá đã đành, thậm chí bán cũng không nơi nào thèm mua, cả trạm Dâu tằm tơ đóng trên địa bàn (dù trong thời điểm "vàng son" họ rất săn đón) nếu có mua thì cũng rất khe khắt trong việc phân loại và chậm trả tiền! Còn bán cho tư nhân thì ắt sẽ bị ép giá. Do đó, thấy giá kén lên thì cũng mừng thật nhưng hiện nay bà con vẫn còn e dè trong việc khôi phục cây dâu!".

Đối với cây dâu, con tằm, ngành chức năng cần phải có một chính sách mang tính bền vững về giá cả, về cách thu mua trong thời gian tới thì mới tái tạo được niềm tin trong người nông dân để mới có thể phát triển ổn định loại cây trồng này - ông Hồ Công Hậu, Phó trưởng phòng NN-PTNT Hoài Ân, đã khẳng định như vậy!

. Vũ Đình Thung

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa cá chua  (23/10/2004)
Giải pháp nào để chấn chỉnh và quản lý hiệu quả?  (23/10/2004)
Đem thiên nhiên vào nhà  (23/10/2004)
Thơ  (23/10/2004)
Trăng sao trong tim, thuyền bến trên trời  (23/10/2004)
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Xin đừng bỏ gốc lấy ngọn  (23/10/2004)
Người con gái của núi rừng  (23/10/2004)
Xa vẳng trống tuồng  (23/10/2004)
Huyền thoại thánh địa Cát Tiên  (23/10/2004)
Những tên cướp khoác áo học trò  (23/10/2004)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt San   (31/08/2004)
Mỹ mất dần vị thế số 1 về nghiên cứu khoa học   (31/08/2004)
Hoa Lâm Bình Định - "Thương hiệu bóng đá" mới cần giữ gìn và phát huy   (31/08/2004)
Côn đồ lộng hành, nỗi lo của người dân lương thiện   (31/08/2004)
Tiếng quê   (31/08/2004)