Kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt nam (20.10.1930 - 20.10.2004)
Phong trào phụ nữ qua nửa nhiệm kỳ đại hội
11:19', 23/10/ 2004 (GMT+7)

Phụ nữ Bình Định kỷ niệm Ngày thành lập Hội năm nay đúng vào thời điểm phụ nữ cả nước đang đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IX; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước và 6 chương trình công tác trọng tâm của Hội năm 2004.

Đội nữ công Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định tham gia Hội thi ẩm thực cuối tuần do Hội LHPN tỉnh tổ chức

Trước hết phải khẳng định, Nghị quyết (NQ) Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IX và NQ Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XVI có nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình phát triển của xã hội nên đã đem lại sức sống mới cho phong trào phụ nữ tỉnh nhà. Chỉ trong vòng nửa năm, đã có 100% số xã, phường, thị trấn và 138 đơn vị (khối CNVC) tổ chức học tập NQ, thu hút trên 80% số hội viên phụ nữ tham dự. Hai huyện Phù Cát, Tuy Phước và 28 xã, đơn vị nữ công đã tổ chức được các hội thi giao lưu, tìm hiểu NQ, giúp cho cán bộ Hội cơ sở nắm chắc hơn về lý luận, từ đó chỉ đạo tốt phong trào. Việc quán triệt sâu sắc NQ Đại hội phụ nữ là tiền đề quan trọng để các cấp Hội tổ chức thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ mà NQ đề ra.

Một trong những nội dung hoạt động được Hội LHPN các cấp đẩy mạnh qua nửa nhiệm kỳ đại hội là tổ chức phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Thực hiện phong trào này, hàng năm, Hội triển khai cho cán bộ, hội viên học tập 3 nội dung của phong trào và tổ chức đăng ký và bình xét thi đua. Để nội dung phong trào đi vào cuộc sống, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực thông qua các hội thi, hội trại, hội nghị biểu dương; hướng dẫn phụ nữ chấp hành chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước, đề cao những giá trị tốt đẹp và phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Kết quả, sau nửa nhiệm kỳ đã có trên 90% số cán bộ, hội viên được học tập 3 tiêu chuẩn thi đua. Số người đạt 3 tiêu chuẩn tăng từ 40,8% năm 2002 lên đến 54% vào giữa năm 2004.

Việc giáo dục phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực, trình độ về mọi mặt của phụ nữ được thực hiện thông qua các chủ đề, thời điểm cụ thể với nhiều hình thức tuyên truyền như trực quan, xây dựng các tiểu phẩm, giao lưu kiến thức, tổ chức thi tìm hiểu… Các cấp Hội chú trọng bồi dưỡng kỹ năng truyền thông cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 3.794 tuyên truyền viên, bảo đảm 100% số cơ sở có tuyên truyền viên. Bên cạnh đó, Hội đã ký kết liên tịch với các ngành liên quan để phối hợp thực hiện tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước như phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, giúp chị em biết vận dụng kiến thức pháp luật vào cuộc sống hàng ngày, giảm bớt các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

Chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được các cấp Hội xem là chương trình mũi nhọn và không chỉ triển khai trong phạm vi hẹp là đối tượng phụ nữ nghèo mà còn mở rộng hỗ trợ cho mọi đối tượng phụ nữ, giúp họ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Chính từ mục tiêu này, phụ nữ Bình Định đã có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được duy trì và phát triển sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2004, đã có 4.204 chị em có điều kiện giúp cho 7.933 chị em nghèo số tiền khoảng 670 triệu đồng và hàng ngàn cây, con giống, công lao động… Nhờ đó, đã có 634 gia đình thoát nghèo, trong đó có 528 gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Không chỉ vận động phụ nữ tương trợ lẫn nhau, Hội còn đẩy mạnh các hoạt động vay vốn, tín dụng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Đến nay, Hội phụ nữ các cấp đang quản lý hơn 182 tỉ đồng và đã giải quyết cho 39.998 phụ nữ vay, trong đó có hơn 10.000 phụ nữ nghèo để tổ chức việc làm, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho phụ nữ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua các CLB như "Phụ nữ giỏi nghề nông"; các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Một chương trình khác không kém phần quan trọng là tổ chức các hoạt động giáo dục gia đình, chăm sóc sức khỏe, KHHGĐ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội… hướng tới mục tiêu "xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc". Các nội dung hoạt động của Hội được gắn với phong trào vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Hội đã phối hợp với ngành Công an, Ban An toàn giao thông tỉnh "quản lý, giáo dục trẻ em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội", "phụ nữ Bình Định tích cực tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông và trật tự đô thị". Bên cạnh đó, xây dựng điểm các CLB dưỡng sinh, phòng chống tác hại của thuốc lá, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, bình đẳng giới, tổ chức Hội thi "Dinh dưỡng, sức khỏe, vẻ đẹp của phụ nữ", "Bữa ăn dinh dưỡng 3 thế hệ", "Nét đẹp phụ nữ tuổi 40"…Hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT do các cấp Hội tổ chức phát triển mạnh thành phong trào ở nhiều địa phương, Hội đã phát động mỗi gia đình lựa chọn một môn thể thao để luyện tập, tổ chức Hội thi Đồng diễn thể dục dưỡng sinh, xây dựng mô hình gia đình không có trẻ em phạm pháp…

Để tham gia xây dựng và giám sát thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng nam nữ, Hội đã tăng cường công tác nắm tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ để đề xuất với các cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền giải quyết kịp thời một số khó khăn, bức xúc của phụ nữ và trẻ em; tăng cường công tác khảo sát nắm tình hình về bạo lực gia đình, tình hình nghiện hút thuốc trong phụ nữ; sự phân công lao động giữa phụ nữ và nam giới trong gia đình; việc thực hiện chế độ bảo hiểm cho lao động nữ ở các doanh nghiệp. Các cấp Hội đã triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể triển khai thực hiện những điều "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"... Nhiều cơ sở Hội đã phát huy vai trò đại diện quyền làm chủ của phụ nữ trong việc tham gia Ban thanh tra nhân dân, Hội đồng tư vấn kiểm tra giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Thông qua đó, đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về quyền lợi lao động nữ, các vấn đề về hôn nhân gia đình, tài sản, đất đai…, đề xuất với các ngành chức năng giải quyết bảo đảm lợi ích của phụ nữ.

Với những hoạt động hiệu quả trên mọi mặt của đời sống phụ nữ, phong trào phụ nữ qua nửa nhiệm kỳ đại hội đã đem lại cho các tầng lớp phụ nữ tỉnh nhà cơ hội phát triển toàn diện.

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Ân: Tiếc quá cây dâu!  (23/10/2004)
Mùa cá chua  (23/10/2004)
Giải pháp nào để chấn chỉnh và quản lý hiệu quả?  (23/10/2004)
Đem thiên nhiên vào nhà  (23/10/2004)
Thơ  (23/10/2004)
Trăng sao trong tim, thuyền bến trên trời  (23/10/2004)
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Xin đừng bỏ gốc lấy ngọn  (23/10/2004)
Người con gái của núi rừng  (23/10/2004)
Xa vẳng trống tuồng  (23/10/2004)
Huyền thoại thánh địa Cát Tiên  (23/10/2004)
Những tên cướp khoác áo học trò  (23/10/2004)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt San   (31/08/2004)
Mỹ mất dần vị thế số 1 về nghiên cứu khoa học   (31/08/2004)
Hoa Lâm Bình Định - "Thương hiệu bóng đá" mới cần giữ gìn và phát huy   (31/08/2004)
Côn đồ lộng hành, nỗi lo của người dân lương thiện   (31/08/2004)