Trong 3 năm qua (2001-2003), kinh tế huyện Phù Cát có bước phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân 8%, giá trị tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 3,8 triệu đồng/năm. Không còn hộ đói, đến đầu năm 2004 hộ nghèo còn 11%. Cơ cấu kinh tế của huyện phát triển theo hướng tích cực, giá trị sản phẩm nông nghiệp chiếm 60% (trong đó tỉ trọng ngành trồng trọt 69%, chăn nuôi 31%).
|
Nông dân thôn Cảnh An (Cát Tài - Phù Cát) chuyển đất trồng 3 vụ lúa/ năm sang trồng cây trồng cạn (đậu tương) đem lại hiệu quả cao hơn |
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhờ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ huyện nên phát triển tương đối toàn diện(có tốc độ tăng 4,3%) theo hướng mở rộng qui mô, thâm canh chuyển từ nông nghiệp số lượng sang chất lượng, hiệu quả để ngày càng đáp ứng với yêu cầu của thị trường.
Qua thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng Phù Cát đã chuyển hơn 966 ha diện tích lúa năng suất thấp, bấp bênh sang cây trồng cạn như bắp, đậu phụng, đậu nành, thuốc lá, rau quả… đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh như: 749ha bắp lai (tăng hơn 6 lần năm 2000), 2.000ha mì cao sản (tăng 31% so năm 2000), 1.800ha đậu phụng, 207 ha đậu nành, 350 ha mè, 1.150ha mía, 80ha thuốc lá, 200 ha hành củ, 64ha bông vải, 3.700 ha điều… và chuyển hơn 500 ha bạch đàn hiệu quả thấp sang trồng điều ghép và trồng phân tán hơn 680ha keo lai để vừa cải tạo đất vừa nâng hiệu quả sản xuất. Cùng với thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh, Phù Cát đã đẩy nhanh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng cường thâm canh, luân canh, xen canh, gối vụ… Qua xây dựng mô hình khuyến nông, tập huấn chuyển giao kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất, tăng được lợi nhuận, giúp nông dân mở rộng sản xuất ngày càng lớn, xuất hiện nhiều mô hình có thu nhập cao trên 50 triệu đồng/ha/năm và hộ có thu nhập 50 triệu đồng/năm. Vốn cần cù chịu khó, nên nông dân các xã dựa trên điều kiện thực tế về vốn, đất đai, nước tưới, sinh lý cây trồng, khả năng tiêu thụ sản phẩm để tổ chức sản xuất. Các mô hình trồng ớt xen đậu sau đó trồng vụ bắp lai ở các xã Cát Tài, Cát Hanh, Cát Minh… đem lại doanh thu trên 72 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng thuốc lá sợi vàng (vụ xuân), trồng dưa (vụ hè) và sau đó trồng bắp lai ở các xã Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hanh… cũng thu được trên 90 triệu đồng/ha/năm. Nhiều vùng theo cơ cấu sản xuất như trồng đậu phụng, đậu nành sau đó trồng dưa vụ hè và trồng bắp lai; hoặc bông vải xen đậu phụng, mì xen đậu phụng… (đông xuân), 2 vụ hành (vụ hè) và bắp (vụ đông) cũng đem lại lợi nhuận cao tại các xã Cát Hải, Cát Khánh, Cát Tài….
Huyện đã chọn 2 xã Cát Hải và Cát Tài để xây dựng điểm, thành xã có cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm và xã Cát Tài đã chọn 2 thôn Thái Phú và Thái Bình để xây dựng thôn có đất canh tác đạt 50 triệu đồng/ha/năm. Theo Chủ tịch UBND xã Cát Tài Lê Văn Long: "Nếu có đủ nước tưới thì nhiều cánh đồng trên địa bàn xã còn có thể đạt từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Nằm dọc theo sông La Tinh, toàn bộ thôn Cảnh An (50ha) thay vì trồng đậu phụng thuần, trồng bắp và trồng lúa…, họ đã đưa cây ớt xuất khẩu trồng xen với đậu phụng (vụ xuân) sau đó trồng lúa (vụ thu). Chỉ tính riêng cây ớt năng suất bình quân 2,5 - 3 tấn ớt tươi/sào với giá 2.000đ - 2.500đ/kg đã cho giá trị từ 100-150 triệu đồng/ha; sau khi trừ chi phí, nông dân lãi 60-70 triệu đồng/ha…".
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi ở Phù Cát cũng phát triển (trong điều kiện tận dụng sản phẩm của nhau), đàn gia súc, gia cầm các năm qua đều tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Qua 11 mô hình trình diễn và tập huấn hướng dẫn cho 1.000 nông dân về kỹ thuật nuôi bò thịt và trồng cỏ nuôi bò, giúp đàn bò tăng nhanh (49.721con, vượt 10,5% so kế hoạch năm 2005), trong đó đàn bò lai có trên 10.200 con (chiếm 21,8% tổng đàn). Cùng với phong trào nuôi bò lai, đàn bò sữa toàn huyện đạt 295 con (có 64 con đang cho sữa), đem lại lợi nhuận từ bê con và sữa tươi đạt khá cho người chăn nuôi. Đàn heo kinh tế 85.893 con (tăng 68,1% so năm 2000), do giá heo giống và giá thực phẩm hiện nay tăng cao nên việc đầu tư chăn nuôi heo với qui mô lớn có chững lại. Ngược lại, đàn gia cầm tăng mạnh sau khi dịch cúm gia cầm kết thúc (775.000 con, tăng 2,1 lần). Có trên 200 hộ nuôi gà công nghiệp, vịt siêu trứng với qui mô cả ngàn con…, tập trung ở thị trấn Ngô Mây, và các xã Cát Trinh, Cát Hanh, Cát Minh, Cát Tài, Cát Chánh…
Kết quả bước đầu trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi ở Phù Cát đã tăng thu nhập, nâng cao một bước đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, không phải đã thực sự thuận lợi khi mà lượng nước tưới chỉ mới đáp ứng 50% đất sản xuất. Các xã phía đông huyện đất thấp như Cát Thắng, Cát Hưng vẫn còn phải độc canh cây lúa. Một số chính sách có thực hiện tuy còn quá ít, việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo QĐ 80/CP chỉ thực hiện ở một số sản phẩm, nhiều cây trồng khác chưa có đầu ra ổn định nên nông dân thiếu an tâm đầu tư mở rộng diện tích. Và, khó khăn nhất hiện nay là Phù Cát đang thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, nhân tố quyết định để giúp nông dân sản xuất có hiệu quả từ năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất hàng hóa nông sản.
Trước những khó khăn thách thức, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hóa khẳng định: "Hàng năm huyện và các xã sẽ tiến hành sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời chỉ đạo phát huy nhân rộng những điển hình tiên tiến về xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha, tiếp tục có giải pháp khắc phục khó khăn để đạt cho được các mục tiêu đã đề ra".
. Nguyễn Đình Thụy |