Một địa chỉ từ tâm
12:26', 23/10/ 2004 (GMT+7)

Như tên gọi của nó, ĐỒNG TÂM, cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi (KV 7, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), là sự đồng lòng chung sức của những người giàu lòng bác ái đủ thành phần: nhà sư, công chức, doanh nhân, người lao động, Việt kiều… tất cả họ đã chung tay dựng lên một mái ấm của tình người. Đã có những khó khăn lớn từ khách quan, từ chính họ, nhưng cái đích tốt đẹp, sự hòa nhập cảm động của những số phận bất hạnh với cuộc đời đã giúp địa chỉ từ tâm này trường sức và đang có những… giấc mơ đẹp.

* Từ không đến có

Trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật được học nghề miễn phí tại Cơ sở dạy nghề Đồng Tâm

Bắt đầu từ sự gặp nhau của vài người làm việc thiện. Ý tưởng và việc làm của họ đi lòng vòng rồi trụ lại ở Báo Bình Định: Ban Từ thiện - Xã hội (TTXH) của báo được thành lập năm 1995, Phó tổng biên tập Xuân Mai kiêm nhiệm vụ phụ trách. Người của báo được phân công lo sổ sách, tài khoản với quy định chặt chẽ: gửi ngân hàng, thu, chi; Hoạt động đóng góp, vận động cho quỹ do những người ngoài cơ quan báo đảm trách: Lê Bá Du, Trần Thị Mẫn, Nguyễn Thị Lý… Người đóng góp được đăng tên, số tiền vào mục từ thiện trên báo Bình Định và được nhận tờ báo ấy để biết lòng tốt của mình đã đến đúng địa chỉ. Nghĩa là công việc được tổ chức, quản lý rất chặt chẽ. Thế nhưng, việc tổ chức tặng quà, cứu trợ thường xuyên theo quỹ tiền có được chưa làm hài lòng những nhà từ thiện, họ nghĩ đến một cơ sở ổn định hơn. Năm 1996, sư Xuân ở chùa Báo Ân mua được khoảnh đất 1.350m2 của một quán cà phê đầy tai tiếng và phá sản, sư tặng cho Ban TTXH Báo Bình Định với hợp đồng rõ ràng là làm cơ sở từ thiện. Nhà sư đã yên tâm: năm 1997, dưới những mái tôn, vách cót, đã quy tụ những trẻ mồ côi, những người tàn tật học nghề để tự kiếm sống trong ngôi nhà chung có tên Đồng Tâm nhiều ý nghĩa!

Những nghề ban đầu là: chẻ chân nhang, đan giỏ tre, giỏ mây, may…, rồi với thực tế sức khỏe các học viên, cuối cùng đã trụ lại hai nghề chính là đan mây và may dân dụng - may công nghiệp. Đến nay đã có 7 khóa ra "trường", hàng trăm người mồ côi, tàn tật đã sống được bằng chính sức lực của mình. Người học nghề, cơ sở nuôi, cho thêm 10.000đ tiền vệ sinh mỗi tháng, cho áo quần. Học xong nghề, nếu ở lại (nghề đan mây), mỗi ngày chỉ chịu tiền ăn 3.000đ, phần sản phẩm quy tiền còn lại học viên nhận đủ. Từ những ki ốt phong sương kiểu quán, bây giờ cơ sở đã có tòa ngang dãy dọc khang trang: phòng học nghề, lớp học tình thương, phòng ăn, ngủ, nhà vệ sinh, cả thư viện nữa. Từ chỗ cơ sở chỉ có cái máy may cà khổ ban đầu, giờ đã có hơn chục máy mới!

"Nhiều tay vỗ nên kêu" - có thể kể tên: Lâm trường Kông Hà Dé (Kongchro), Công ty Nguyên liệu giấy, Cảng Quy Nhơn, Trường Lâm nghiệp trung ương II, vật liệu cũ của Trường Đại học Quy Nhơn, của Báo Bình Định, ông Phạm Khắc Tần - Việt kiều mở Mỹ… Riêng Công ty TNHH Thành Đồng chở nguyên liệu tới, nghiệm thu sản phẩm mây đan chở về và trên mỗi thành phẩm đều trả tiền công cao hơn so với công nhân ở Công ty. Ba năm nay, tỉnh đã vào cuộc, chỉ đạo Sở Lao động- TBXH tài trợ cho cơ sở mỗi năm hơn 30 triệu đồng, dĩ nhiên cho những dự án cụ thể có thanh, kiểm tra. Tháng 8- 2004 vừa rồi, ông Trần Công, phụ trách trưởng cơ sở đã được cử đi dự Hội nghị Biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi toàn quốc. Những thừa nhận này của các nhà quản lý xã hội là sự khích lệ không nhỏ cho cơ sở Đồng Tâm.

Cùng với một cơ ngơi ngày càng ổn định của Đồng Tâm, Ban TTXH Báo Bình Định đã phát triển số thành viên đến hơn trăm người; ngoài những "cựu trào" lớn tuổi, nhiều hội viên mới là thanh niên- có vẻ như thói quen suy nghĩ làm việc thiện là chuyện của những ông bà già, người hưu trí rảnh việc… không hợp lý nữa. Riêng khu vực nội thành Quy Nhơn đã có 9 tổ của từng khu vực hoạt động hiệu quả: đã có 40 hộ tiểu thương đăng ký tài trợ thường xuyên cho hoạt động của Ban… Đã có một tài khoản ổn định nuôi dạy mỗi khóa 60 số phận bất hạnh, trả lương cho bảo vệ, chị nuôi và phụ phí xăng nhớt xe máy cho 2 phụ trách cơ sở.

* Dưới mái nhà chung của tình người

Những cái giường tầng, những dây phơi, dãy bàn ăn, bể nước, dãy nhà vệ sinh… là hình ảnh chung của một khu nội trú. Quy tụ về đây đều khắp các địa bàn, địa phương, các dân tộc trong tỉnh: Kinh, Bana, H' re, Chăm H'roi. Chỉ khác khu tập thể các trường dạy nghề khác là độ tuổi dao động từ 12 đến trên 30. Và khác nhất là, trừ những trẻ mồ côi, di chuyển trên hành lang, trong các phòng học nghề là những đôi chân, đôi tay tật nguyền, dẹo dặt! Tôi cứ phải dừng lại khi gặp bất cứ ai, hỏi thăm vài câu, những câu hỏi lặp đi lặp lại: quê em ở đâu, vào cơ sở lâu chưa, mỗi tháng làm được bao nhiêu tiền… Phải, tôi đã không thể đi lướt qua họ bằng đôi chân lành lặn của mình!

Nguyễn Thị Phương (Mỹ Hòa- Phù Mỹ) là người học nghề khóa 1, xin ở lại cơ sở làm nghề và trở thành người dạy nghề đan mây cho học viên cơ sở. Ngoài việc hướng dẫn công việc cho học viên, cô còn chỉnh sửa, nghiệm thu, giao hàng và được hưởng 5% giá trị sản phẩm. Cộng với sản phẩm của chính mình, mỗi tháng cô có thu nhập 700.000- 800.000đ, đôi lúc tới 1.000.000đ. Nghe tôi hỏi thăm việc chồng con, cô cười buồn: "Em đứng còn không vững, ai người ta dám lấy!". Tôi hỏi thăm Phương vì chính nơi cô gắn bó 7 năm qua đã có những người nên chồng nên vợ. Các em Hồ Thị Thủy- Nguyễn Văn Minh đã nên duyên từ mái nhà này. Cũng chính cơ sở đã xin và bảo lãnh cho cặp vợ chồng này làm đại lý vé số ở phường Trần Quang Diệu. Sắp tới đây, 11- 2004, một đám cưới sẽ được tổ chức tại cơ sở: chú rể là Trần Minh Phụng (ở thị trấn Phú Phong - Tây Sơn), cô dâu là Dương Thị Hiệp (ở xã Nhơn Khánh, An Nhơn) - người mới vào cơ sở 6 tháng. Phụng đi bằng 2 chân nhưng với tư thế ngồi xổm, còn Hiệp niêng niểng đứng. Họ có thu nhập tổng cộng 300.000- 400.000đ/ tháng. Tôi ngồi xuống bên Phụng, chúc mừng em và hỏi thăm về những dự định tương lai. Trán đẫm mồ hôi vì di chuyển, Phụng lúng túng bảo chắc cũng nương tựa vào cơ sở thôi vì hai người yếu quá! Bạn có tin không, Phụng thường đau bệnh và chỉ cao khoảng 0,7m ấy cũng là niềm vui sống cho những người nữ bất hạnh. Chống nạng tựa cửa nhìn, Trần Thị Hương (Nhơn Khánh, An Nhơn) bảo: "Chắc là duyên số chú à! Hiệp mới vào có 6 tháng chớ mấy…". Trong mắt Hương, Phương, và tất cả nam nữ nơi đây đều len lén dâng lên niềm khát khao, mơ ước chính đáng của con người. Mừng cho bạn, một chút chạnh lòng và một chút bâng khuâng… Tôi hằng tin cuộc đời sẽ không lấy hết của ai mọi thứ, một ngày nào đó những số phận chưa hoàn chỉnh nơi đây sẽ nhen được cho nhập nhòa sương khói của đời mình ngọn lửa ấm bình thường như những ai…

Cháu Đinh Hiếu, dân tộc Ba na (Vĩnh An, Tây Sơn), nhỏ hơn cái tuổi 17 nhiều, sau 6 tháng vào cơ sở đã bắt đầu có thu nhập mỗi tháng 100.000đ. Cháu không còn cha mẹ, ông bà, cháu chỉ còn mái nhà chung này và những người cùng cảnh. Chúng tôi ra nhà ăn, các cháu nhao nhao chào các anh trong Ban TTXH Báo Bình Định, các anh phụ trách cơ sở bằng bố - "Mời bố ăn cơm!", tôi thắt lòng hiểu rằng, đã có một phần bù đắp cho mất mát của các cháu, và rằng, vĩnh viễn chẳng thể nào bù đắp! Dạy các cháu học chữ tại lớp tình thương ở cơ sở, nuôi học nghề, bảo trợ việc làm để các cháu sống được bằng chính công sức của mình… đã là những cố gắng rất nhiều của các anh, chị của Ban Từ thiện và những tấm lòng nhân ái. Từ cái tổ chung này, các cháu rồi sẽ tự mình bay qua bốn mùa nhân gian, tìm kiếm hạnh phúc đời mình.

Thật khó hình dung cô bé xinh xắn, đeo kính cận 6 độ Nguyễn Thị Tú Trinh đã 21 tuổi. Em có vóc hình bé gái 11,12 thôi, đã làm ở cơ sở 4 năm nay, mỗi tháng kiếm được 400.000đ. Nhà ở chợ Phú Tài nhưng ngày ngày em vẫn vào cơ sở "làm với các chị em cho vui vì về nhà không có bạn". Thân hình bé nhỏ và rạng rỡ của em đã thấy đỡ tủi khi ở cùng những người không may chung quanh. Còn cháu Thu Hằng đã học xong khóa may tháng 4-2004, nay nhớ "nhà",đạp xe từ Phước Sơn vào để dự đêm văn nghệ Trung thu đã thành thông lệ của cơ sở Đồng Tâm. Mắt Hằng ánh lên niềm vui: "Năm nào cháu cũng hát cả!"

* Vĩ thanh

Phụ trách trưởng cơ sở Trần Công và Phó ban trực TTXH Báo Bình Định, Lê Bá Du cho biết, các anh đang lên dự án xin các cơ quan hữu quan giúp cho quỹ đất khoảng 2ha để làm Làng ngành nghề từ thiện, tạo nhiều điều kiện sống hơn cho các cháu. Còn nhiều khó khăn về tiền và đất đang chờ dự án táo bạo này nhưng tôi tin ý tưởng tốt đẹp của các anh sẽ được cộng đồng xã hội ủng hộ.

Đêm văn nghệ Trung thu là một cuộc hội diễn vui và cảm động giữa cơ sở Đồng Tâm, lớp học tình thương phường Trần Quang Diệu, Đoàn phường, Đoàn Thanh niên Sở Tài nguyên Môi trường,… Có đại diện lãnh đạo Báo Bình Định, nhiều vị khách, có Đài Truyền hình Bình Định về quay phim, có quà Trung thu và trong đêm trăng đẹp…, các cháu các em múa hát hết mình trong những tràng vỗ tay cổ vũ và nhiều hoa tươi tặng nhau. Lúc một đoàn viên thanh niên đang hát, mọi người lặng đi khi từ cánh gà, một học viên nữ cầm hoa ra tặng, em di chuyển trong tư thế ngồi xổm! Cám ơn em! Em đã làm công việc các cô gái thường làm, em đã đấu tranh với số phận và, nhắc nhở chúng ta…

. Lê Hoài Lương

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phù Cát hướng tới những cánh đồng chuyên canh  (23/10/2004)
Phụ nữ Việt Nam đồng hành cùng thời đại mới  (23/10/2004)
Phong trào phụ nữ qua nửa nhiệm kỳ đại hội  (23/10/2004)
Hoài Ân: Tiếc quá cây dâu!  (23/10/2004)
Mùa cá chua  (23/10/2004)
Giải pháp nào để chấn chỉnh và quản lý hiệu quả?  (23/10/2004)
Đem thiên nhiên vào nhà  (23/10/2004)
Thơ  (23/10/2004)
Trăng sao trong tim, thuyền bến trên trời  (23/10/2004)
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Xin đừng bỏ gốc lấy ngọn  (23/10/2004)
Người con gái của núi rừng  (23/10/2004)
Xa vẳng trống tuồng  (23/10/2004)
Huyền thoại thánh địa Cát Tiên  (23/10/2004)
Những tên cướp khoác áo học trò  (23/10/2004)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt San   (31/08/2004)