Săn trùn biển
12:35', 23/10/ 2004 (GMT+7)

Gió nồm thổi mạnh, thủy triều chiều nay rút chậm. Đợi đến 3 giờ chiều, tôi mới được ông Thứ - một ngư dân sống ở xóm Cồn Chim, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước - cho "hạ thủy" vào chiếc sõng nhỏ, cùng ông vượt đầm Thị Nại để đến những bãi cồn bên kia đầm. Chúng tôi cùng "săn" trùn biển!

Trùn ơi chạy đâu cho thoát

Mùa săn trùn biển chính trên đầm Thị Nại thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch; tháng 10 - 11 âm lịch đến tháng giêng thì đào trùn trong hồ tôm. Đi săn trùn biển cũng phải đi theo con nước. Mỗi tháng con nước lên xuống hai lần và người dân các thôn Lộc Thượng, Vinh Quang 2 của xã Phước Sơn lại đổ ra đầm Thị Nại săn trùn biển bắt đầu từ mùng 5 đến 14 âm lịch và từ 18 đến 25 âm lịch. Ông Thứ đã canh con nước sẵn cho tôi, và đêm nay trăng lên, tối nước (nước rút về đêm), ông đã quyết định cho tôi đi cùng.

Dụng cụ chúng tôi mang theo để săn trùn khá đơn giản gồm hai cái thuổng đào trùn (lưỡi làm bằng sắt, cán bằng gỗ, nặng 0,5 kg), một cái giỏ đựng bình ắc quy 6 V-12 V để nạp điện cho những ngọn đèn đậu được lắp trên trán người bắt trùn để khi màn đêm buông xuống có thể nhìn thấy hang trùn, và những túi vải để đựng trùn. Gió chiều mát rượi, sõng chúng tôi băng băng vượt đầm, tấp vào một bãi cồn đất cát pha bùn. Ông Thứ vội cột chặt ống quần và neo sõng. Tôi cũng vội xăn quần lên đến tận đùi, tất cả mọi dụng cụ cá nhân cho chuyến tác nghiệp này đều gùi gọn vào chiếc ba lô con cóc khoác trên vai. Một, hai.. . ba, cùng lội bùn nhé! Con chó tên Tô Tô của ông Thứ vội phóng đi trước dẫn đường. Lớp bùn trên mặt đầm còn ngấm nước, dẻo quẹo, mát lạnh bàn chân, tôi thích thú lội bùn theo ông Thứ. Men theo bờ nước, chúng tôi căng mắt tìm những hang trùn. Kia rồi! Những lỗ hang nhỏ bằng chiếc đũa phơi ra trên mặt bùn. Bạn đừng lầm tưởng hang nào cũng là hang trùn nhé. Hang trùn là hang có cát đùn lên phía trên thành một ụ nhỏ, có màu xanh lam. Ông Thứ vội cầm lấy lưỡi thuổng nhỏ đào nhanh vào trong hố cát, lão lắc đầu. Sao thế? À, thì ra lỗ cát này nằm trong lạch sâu của Cồn Chim, vẫn chưa có trùn do nước triều chưa rút hết. Chúng tôi lại cứ căng mắt, cúi đầu, khòm lưng trên mặt đầm, đảo tới đảo lui, lỗ thứ chín rồi vẫn chưa thấy con trùn nào cả. Ông Thứ đào đến lỗ thứ 10, một thân hình động vật màu cam lòi ra trong lớp đất, tôi thích chí hét lên "có rồi, có rồi…", nhưng niềm vui của tôi bị ông dập tắt ngay. Thì ra đó chỉ là ả giời có màu cam, giống trùn biển nhưng chỉ nhỏ bằng chiếc đũa và sống trong hang ở độ sâu 20 cm. Lỗ thứ 11, 12 lại liên tiếp gặp những ả giời màu đỏ. Chúng tôi thở hổn hển, mệt bở hơi tai mà chưa thấy một con trùn biển nào cả. Ông Thứ lẩm bẩm: "Vậy là hôm qua người ta đi đào hết rồi". Con Tô Tô lại sủa inh ỏi, cứ lắc lắc cái đuôi, lăng xăng chạy trước. Lớp bùn non đã lún đến gần đầu gối. Lỗ hang thứ 15, ông Thứ thọc cái thuổng xuống thật nhanh, những giọt máu đỏ tươi vọt lên mặt bùn. Ông lật đật thọc tay vào hố, cố gắng lôi trùn ra. Tôi biết đích thị lần này gặp trùn rồi, một đoạn thân hình màu đỏ hồng to bằng ngón tay cái. Ông Thứ tặc lưỡi. Tiếc quá! Một nửa thân trùn đã nhanh chóng chui tọt vào cái hang sâu khoảng 40 cm của nó rồi. Nửa thân còn lại của nó cứ ngúc ngoắc, vừa mềm mềm vừa béo nức đến lạ! Cả tôi và ông Thứ đều tiếc hùi hụi. Chúng tôi quyết định đổi chiến thuật, không đi ven mặt nước nữa mà vào sát bờ cây mắm. Ông đào cách hang trùn 3 cm rồi xắn mũi thuổng xuống để khỏi làm đứt thân trùn. Lần này, "trúng quả" ngay một con trùn béo ự to bằng ngón chân cái, dài 40 cm. Để lôi được nó lên khỏi cái lỗ hang sâu hơn 40 cm, chúng tôi cũng lem luốc mình mẩy vì nó to quá cỡ. Ngược xuôi cạnh những bờ mắm, chúng tôi túm được những con trùn to toàn bằng ngón tay cái, con nào con nấy dài từ 30 - 40 cm.

Bốn giờ chiều, có tiếng lội bùn bì bõm, tôi ngoảnh lại nhìn, có hai anh thanh niên vác thuổng đi ven bờ nước. Ông Thứ đã thấm mệt. Ông cho hay đó chính là những tay săn trùn biển thứ thiệt. Mây đen trên trời giăng thật nhanh, mặc kệ, tôi vội phóng nhanh theo hai người kia. Họ vượt bùn đi quá nhanh, tôi bị kẹt lún vào trong đầm, bùn lên đến gần nửa bắp đùi, càng nhúc nhích thì càng lún hơn. Tôi chẳng biết bơi nên đâm ra lúng túng. Ông Thứ lôi vội tôi lên sõng đuổi theo. Chúng tôi tấp vào cồn đất cát bãi bồi và đi theo những tay săn trùn chuyên nghiệp nọ. Họ đi ven mặt nước, tay cứ thọc thuổng xuống hang liên tục. Tôi đi theo cậu trai phía sau. Trong vòng tích tắc chưa đầy 8 phút, cậu ta liên tục túm quăng lên mặt đầm đến 9 con trùn còn nguyên vẹn. Tôi vừa thở vừa tròn mắt nhìn theo đầy thán phục. Cậu ta bảo: "Em vầy chưa nhanh đâu, chỉ mới đi bắt trùn biển được mấy tháng thôi, anh kia mới là dân săn trùn chuyên nghiệp đấy!". 4 giờ 15 phút trời đổ mưa, cả tôi và ông Thứ đều lo lắng những lỗ hang trùn sẽ bị mưa lấp. May quá, năm phút sau mưa tạnh hẳn. Tiếng hát của những người đánh bắt cá, cua trong đầm lại vang lên, trên trời 7 sắc cầu vồng hiện rõ ở đằng đông làm cho chúng tôi phấn chấn hẳn lên. Những con trùn béo ự dài cỡ 40 cm giờ đã thun mình lại còn 20 cm, cứng đờ, nằm im trên mặt đất không nhúc nhích, thấy rõ cả phần đầu và đuôi. Con Tô Tô lại khoái chí sủa ẳng ẳng bên những con trùn. Còn tôi, phủi vội nước mưa bám trên mặt, quyết định bám theo anh thợ săn trùn chuyên nghiệp kia.

Thì ra, tôi may mắn tháp tùng anh Trương Thanh Tùng - một thanh niên ở đội 11 thôn Lộc Thượng, người có thâm niên 14 năm bắt trùn biển đã từng vác thuổng ra tận Tam Quan (Hoài Nhơn), rồi ngược về Cồn Chim, rồi lại vào Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Thuận.. . để đào trùn kiếm sống. Mỗi tháng theo con nước, anh lại thay đổi địa bàn bắt trùn. Làm lâu năm trong nghề, anh nhận thấy trong các đầm có trùn biển như: đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, đầm Nha Phu (Nha Trang) thì ở đầm Thị Nại, con trùn biển to hơn cả và rất nhiều. Theo chân anh đến cồn đất cát bãi bồi gần các cổng nước bờ tôm, tôi thấy anh liên tục bắt được trùn. Anh cho biết kinh nghiệm bắt trùn của mình: "Không phải hang trùn nào cũng bằng hang nào. Với đất cát pha bùn hang lớn hơn, đào cách hang 5 cm (tránh đào thẳng chính diện sẽ làm đứt mình trùn), đào thật nhanh và trong khoảng 5 giây phải lôi cho bằng được trùn lên chứ không thì nó tuồn xuống hang sâu hơn 40 cm thì coi như công cốc. Đất cát bãi bồi (đất xốp mềm) hang nhỏ hơn thì đào trong 3 giây. Có 2 cách đào: đào tới và đào lui, nhưng đào tới sẽ tốt hơn vì đỡ tốn sức. Với trùn biển thì phải đào thật nhanh mới bắt được nó. Ngoài kỹ thuật đào, để bắt được nhiều trùn thì lưỡi thuổng phải bén và người hành nghề phải có sức mới làm nổi. Được cái, đào trùn biển dễ hơn đào lươn. Tuy vậy, để kiếm được một kg trùn biển thì phải mất nhiều thời gian hơn. Một người mới vào nghề, nếu nhiệt tình thì trong vòng 4 - 5 ngày sẽ đào được trùn và lần đầu tiên phải đào trên đất xốp".

Ở Lộc Thượng, ngoài làm lúa ra, đa số người dân chỉ biết bám vào mặt đầm để kiếm sống. Cho nên, những gì có thể khai thác ở đầm Thị Nại thì họ đều tích cực tham gia. Được biết, ở Bình Định hiện thời chỉ có thanh niên ở Lộc Thượng và xóm Bắc Tịnh - thôn Vinh Quang 2 thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là đào trùn chuyên nghiệp. Nghề này cũng dễ kiếm tiền, hôm nào gặp may thì được 50.000 - 70.000đồng/người. Dù vậy, phải chịu khó, kiên trì mới được, bởi mỗi chuyến đi về là ê ẩm cả mình mẩy vì cứ phải cúi lom khom, căng mắt để tìm hang trùn, vừa đau lưng mà cả tay lẫn cổ đều mỏi nhừ. Anh Hùng - người cùng nhóm với anh Tùng- cho biết: "Làm nghề đào trùn biển nếu không có nhiều người cùng làm, không có nhóm bạn cùng đi thì rất dễ nản, bởi cứ lang thang trên cát cặm cụi một mình mà đào.. .". Hàng ngày, cứ vào khoảng xế chiều (3 - 4 giờ), có khi 11 - 12 giờ trưa, khi những con nước triều bắt đầu hạ, những bãi cồn trên đầm Thị Nại lộ dần ra thì đội quân bắt trùn biển ở Lộc Thượng lại ra quân (chủ yếu là thanh niên). Những chiếc sõng gỗ lần lượt đưa họ qua bên kia mặt đầm và khi đặt chân lên các bãi cồn, họ tỏa ra khắp mọi ngả để bắt trùn và thường quay về lúc 8 - 9 giờ tối với những chiếc túi vải đựng đầy trùn biển. Vào những lúc cao điểm, ở Lộc Thượng có đến hàng trăm người đổ xô ra bãi cồn đào trùn, lúc này lượng trùn đào được lên đến hàng tạ. Dù vậy, cũng không có nhiều người đào trùn thường xuyên. Chỉ có vài ba chục người làm nghề này quanh năm ngoại trừ những tháng mùa mưa. Lợi thế của nghề là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong những lúc nông nhàn. Như anh Tùng chẳng hạn, một ngày anh đào được khoảng 3-4kg trùn, nhiều nhất được 10kg. Giá trùn tươi vừa đào lên dao động từ 5.000 đến 6.000đ, cao nhất là 7.000 đ/kg, trùn sơ chế giá 20.000 đ/kg; trùn khô giá 60.000 - 80.000đ/kg có khi 90.000 đ/kg. Bình quân mỗi tháng anh Tùng đi đào trùn chừng 10 bữa cũng kiếm được 300.000 - 400.000đồng.

Người đào trùn biển ít khi chế biến thành trùn khô để bán mà thường bán trùn tươi hoặc trùn sơ chế. Trùn biển bắt về, họ lộn ruột, rửa sạch, ướp đá lạnh rồi bán cho các người mua gom ở địa phương để những người này tiếp tục chế biến thành mặt hàng trùn khô, đưa đi tiêu thụ ở TP Quy Nhơn và các tỉnh. Trùn biển là món ăn khá ngon và giàu dinh dưỡng, được nhiều người ưa thích. Tại một số nhà hàng lớn, trùn biển là món ăn đặc sản cao cấp.

Tám giờ tối, chúng tôi ai cũng mệt nhoài sau nhiều giờ lang thang trên cồn. Nhưng bù lại, người nào trên tay cũng nặng trĩu những túi trùn biển. Tất tả quay trở lại thuyền gỗ để trở về kịp sơ chế trùn. Anh Tùng bảo, hôm nay mình bội thu đấy, bắt được hơn 6 kg trùn… Nhìn gương mặt rạng rỡ của anh, tôi cũng vui lây.

. Thu Hiền

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Một địa chỉ từ tâm  (23/10/2004)
Phù Cát hướng tới những cánh đồng chuyên canh  (23/10/2004)
Phụ nữ Việt Nam đồng hành cùng thời đại mới  (23/10/2004)
Phong trào phụ nữ qua nửa nhiệm kỳ đại hội  (23/10/2004)
Hoài Ân: Tiếc quá cây dâu!  (23/10/2004)
Mùa cá chua  (23/10/2004)
Giải pháp nào để chấn chỉnh và quản lý hiệu quả?  (23/10/2004)
Đem thiên nhiên vào nhà  (23/10/2004)
Thơ  (23/10/2004)
Trăng sao trong tim, thuyền bến trên trời  (23/10/2004)
Bảo tồn nghệ thuật truyền thống: Xin đừng bỏ gốc lấy ngọn  (23/10/2004)
Người con gái của núi rừng  (23/10/2004)
Xa vẳng trống tuồng  (23/10/2004)
Huyền thoại thánh địa Cát Tiên  (23/10/2004)
Những tên cướp khoác áo học trò  (23/10/2004)