Chuyện đi câu kiểu "quý tộc" - có đội ngũ "mắt xanh mỏ đỏ" hầu hạ, mồi bưng nước rót - xin được miễn bàn; tôi chưa có vinh dự gia nhập vào giới "điếu đổ" thượng đẳng. Chuyện đi câu hải sản - câu cá ngừ đại dương, câu cá mập, hay… cá voi chẳng hạn - cũng xin mạn phép thông qua; tôi vốn sinh ra và lớn lên sau lũy tre làng, chẳng biết gì nhiều về biển ngoại trừ một lần suýt… chết đuối vì nước mặn. Chỉ xin nói về cái thú đi câu dân dã, chả tốn kém là bao nhưng không hề kém phần thích thú: câu cá đồng!
* Từ chuyện mưu sinh đến trò giải trí…
|
Thú câu cá |
Đi câu - thoạt kỳ thủy là chuyện mưu sinh, là một nghề đem lại miếng ăn cho những "điếu đồ" quanh năm sống nhờ sông nước. Chẳng biết nhân loại phát minh ra chiếc cần câu tự lúc nào, nhưng có thể chắc chắn một điều: chuyện đi câu phải có mặt rất sớm trên quả địa cầu lồi lõm, đầy dẫy những sông hồ và biển cả này. Thuở trước khi mặt nước còn đầy dẫy cá tôm, các phương tiện đánh bắt hiện đại chưa có, thì đi câu là cách bắt cá đơn giản và hiệu quả nhất. Nghề câu cá đồng không tốn nhiều sức lực; từ già đến trẻ, từ đàn ông chí đàn bà đều có thể làm được. Thời nay, chuyện đi câu vẫn còn đó, nhưng không đơn thuần vì mục đích mưu sinh. Đi câu cá đồng đã trở thành cái thú - một thú chơi hào hứng, đam mê.
… Thời trước, một năm hai vụ lúa dài ngày - chưa có tình trạng hóa chất trừ sâu sử dụng tràn lan, chưa phát minh ra màn châm điện hủy diệt môi sinh - cá đồng sinh sôi nhiều vô kể. Tại các chân ruộng rộc (ruộng trũng), ao chuôm, bàu cạn, mương rút… cá sặc, cá trắng lượn lờ trên mặt nước; cá rô đánh móng như cơm sôi; cá trê quẫy roàn roạt sau các gốc lúa. Còn cá tràu (cá lóc) thỉnh thoảng lại phởn chí vọt lên mặt nước uốn cong mình, giương những chiếc vi ánh bạc như trêu tức cơn thèm của lũ trẻ con. Vậy là: tìm tre vót cần; xin mẹ dăm đồng mua dây câu, lưỡi câu, kiếm thêm chiếc giỏ loa (giỏ đựng cá mình bầu, miệng loe)… Tất cả để sẵn sàng cho những "phi vụ" hứa hẹn đầy tính đam mê và… cả trò may rủi!
Một sáng chủ nhật đẹp trời, hay một ngày hè thảnh thơi, bó cần câu trên vai, giỏ loa cột ngang lưng - trong có búi giun to đang ngọ nguậy - chụp thêm chiếc nón mê hay cái mũ vành rộng lên đầu; và thế là - một, hai, ba - lên đường. Bạn đã có bộ dạng của một dân câu cá đồng thứ thiệt…
* Nghề… câu cũng lắm công phu!
Câu cá đồng có nhiều cách- tùy theo chủng loại cá, thời điểm câu và "địa hình" nơi câu. Không nắm rõ "quy trình nghề nghiệp", bạn chỉ có nước theo… cụ Khương Tử Nha ra bờ sông Dịch ngồi câu… thời vận chứ khó lòng câu được
Câu cắm: Là kiểu câu cổ điển nhất. Lối câu này chỉ dùng để bắt những loài cá lớn như cá tràu, cá trê. Cầu câu cắm thường ngắn, đuôi vót nhọn (để dễ cắm xuống đất). Đầu cần, người ta chuốt bỏ ruột tre, chỉ để phần cật - tạo thành một bản mỏng, có độ đàn hồi cao. Dây và lưới câu sử dụng loại lớn (để không bị đứt khi cá quẫy, kéo). Câu cắm có thể tiến hành cả ngày lẫn đêm; nhưng thường là về đêm. Mồi câu được chọn tùy theo loại cá. Nếu câu cá trê, bạn sử dụng mồi giun (loại giun đất bự con đào trong vườn); nếu câu cá tràu, bạn phải dùng nhái hoặc ếch con. Nơi cắm câu, bạn dùng chân dộng các gốc lúa ra xung quanh, tạo thành một vũng tròn có mực nước sâu và không gian thoáng đãng. Cần câu được cắm chặt vào gốc lúa, nằm chênh chếch để dây buông đúng tâm vũng nước. Với cá trê, bạn chỉ đơn giản móc giun ôm vừa kín lưỡi câu nếu để thừa nhiều, cá sẽ đớp phần thừa, kéo tuột giun ra khỏi lưỡi). Cá trê sống ở tầng nước đáy, nên độ buông của dây câu phải tính toán sao cho mồi chìm vừa đụng đáy (nếu mồi lơ lửng bên trên sẽ bị cá nhỏ rỉa phá). Bố trí cẩn thận đến vậy - vẫn còn chưa thoát khỏi kẻ phá hoại. Thủ phạm ở đây là các chú… cua đồng. Cua đồng vốn khoái giun đất, lò dò đến xơi xong chỗ của… trời cho, bị vướng víu chiếc lưỡi câu trong miệng, các chú bèn nổi khùng giơ càng kẹp, tiện đứt phăng dây câu. Vậy là kể như khổ chủ mất cả chì lẫn chài!
Câu cá tràu nhiêu khê hơn. Bạn phải lặn lội đi bắt nhái - những chú nhái tầm trung, không quá to cũng không quá nhỏ. Nhái phải đảm bảo còn sống khỏe mạnh (nhái chết hoặc lừ đừ - coi như vứt!). lưỡi câu được móc nhẹ nhàng ngang hông, phía dưới xương cột sống - nhưng không được phạm đến nội tạng (nếu phạm vào nội tạng, nhái sẽ chết). Độ buông của dây câu chỉ được tính toán sao cho chú nhái vừa đụng đến mặt nước. Nếu buông dây chùng quá, chú nhái bơi đến nhảy phốc lên bụi lúa ngồi - coi như… hết chuyện. Đặc tính cá tràu chỉ xơi mồi sống, nhái mồi phải quẫy, đạp, bơi chấp chới mới kích thích được cơn thèm của chúng. Nếu nhái nằm im, dầu nằm ngay trước mũi, cu cậu cũng chẳng thèm đoái hoài. Khổ thay, tai ương bây giờ lại là các gã… rắn. Rắn nước, rắn ráo… - những vị khách không mời - cũng khoái nhái sống chẳng kém cá tràu. Con nít miền Trung vốn nhát rắn. Chuyện thăm câu đêm - mắt nhắm mắt mở lôi từ dưới nước lên con vật dài ngoằng - quăng cần chạy sấp ngửa là chuyện… cơm bữa!
Cắm câu cá trê thường tiến hành vào chiều tối (dựa vào đặc tính ăn đêm của cá trê). Cắm câu cá tràu thì cả ngày lẫn đêm đều được. Lợi hại của kiểu câu cắm là ở chỗ: nó hoạt động theo nguyên tắc "mềm nắn, rắn buông". Các loại cá lớn khi dính câu thường vùng vẫy rất mạnh. Lúc này, cái đầu cần vót mỏng sẽ có tác dụng như một chiếc lò xo. Khi chú cá trì mạnh, dầu cần uốn cong theo sức trì của cá để giảm những lực căng đột ngột (có thể làm đứt dây câu). Đến lúc cá thấm mệt, đầu cần lại bật lên, lôi cá về giữa vũng nước…
Câu giăng: Câu giăng (xin đừng nhầm với kiểu giăng câu bằng xuồng trên sông, rạch) là cách thức phổ biến, nhẹ nhàng nhất - dùng để câu các loại cá nhỏ như cá rô, cá bống… Tiết tháng 6, tháng 7 - khi lúa vụ tám vừa chớm ngả vàng, khi những trận mưa đầu mùa bất thần ập xuống - cá rô bắt đầu sinh sôi. Cần câu giăng dài khoảng 1,5 m đến 2m, được chế tác đơn giản hơn cần câu cắm, chỉ cần chọn đoạn tre già, thẳng, vót tròn trơn tru, đầu cần vót hơi nhỏ một tí cho đẹp. Dây và lưỡi câu dùng loại nhỏ. Mồi dùng câu giăng cũng là giun, nhưng là loại giun… bờ ruộng, đùn quanh các gốc lúa. Loại giun này có màu đỏ hồng, thân hơi vuông, lớn cỡ que tăm xe đạp. Câu giăng bài bản phải chuẩn bị một bó cần câu tối thiểu mười chiếc. Nếu câu trong các ruộng lúa, phải có thêm một chiếc cần phụ (không có dây câu) gọi là câu vẹt.
Câu giăng phải tiến hành ban ngày, lúc trời còn nắng - nhưng là nắng dịu ban mai hoặc xế chiều. Nếu trước đó có một trận mưa rào nữa thì tuyệt. Chọn chân ruộng rộc có nhiều cá, móc mồi xong, bạn đứng trên bờ, một tay dùng cần vẹt nhẹ nhàng vẹt lúa sang bên, tay kia cầm cần câu thả mồi chìm xuống nước, thân cần gác luôn lên vạt lúa. Cự li giăng cứ khoảng 2m một cần là vừa. Giăng xong chiếc cần cuối cùng, bạn quay lại giở cần thứ nhất. Đặc điểm câu giăng là không có công đoạn… ngồi chờ. Thường với một bó cần mười chiếc, bạn phải làm việc liên tục; gỡ cá, móc mồi, thả câu… lắm lúc cá háu ăn, bạn phải chạy toát mồ hôi mới kịp!
Câu thả: Câu thả (hay câu buông) là kiểu câu mang tính… "chơi bời" nhất. Cần câu thả phải có độ dài ít nhất 3 mét, có thể vót bằng tre, nhưng tốt nhất là trúc (còn có thứ cần câu ngoại nhập mà giá cả chắc sẽ làm… điếc tai không ít dân nghèo). Cần câu dài, nhưng dây câu cũng phải dài để có thể quăng mồi ra xa. Vì công dụng chính là để câu các loại cá tầm trung và nhỏ, nên lưỡi và câu thả cũng xài cỡ nhỏ. Trên dây câu cột một chiếc phao có thể dịch chuyển lên xuống đến tầm nào tùy thích. Đoạn cuối dây, gần sát lưỡi được kẹp một mẩu chì nhỏ đủ nặng để có thẳng kéo thẳng dây câu từ phao trở xuống. Vị trí câu thả phải là nơi có mặt nước rộng, thoáng đãng như bàu, hồ, mương hoặc sông. Nếu nơi ngồi câu còn có thêm một gốc cổ thụ rợp mát thì… quả đến 2 lần tuyệt diệu! Chủng loại cá có thể câu được bằng câu thả cũng rất đa dạng - từ rô, trê, bống, ngách, thát lát… đến các loại cá trắng sống ở tầng nước mặt. Tùy theo ý thích muốn câu loại cá nào, bạn điều chỉnh chiếc phao để mồi chìm đến tầng nước loại cá đó sống. Móc mồi xong, quăng dây câu ra xa, mồi chìm nghỉm, để lại chiếc phao dập dềnh trên mặt nước - bạn chỉ còn mỗi việc… ngồi chờ. Phao nhấp nháy - tức cá đang rỉa mồi- nắm chặt cần, căn mắt, nín thở; phao chìm nghỉm là… giật. Chuyện dính cá hay không, còn tùy thuộc ở… số trời. Lắm lúc, tưởng vớ bở đến nơi, hóa ra chỉ lôi lên một túm rong lòng thòng, chán mứa. Điên tiết hơn, có khi chú cá vừa lên khỏi nước đã tuột khỏi lưỡi câu, roi tõm…
Ngoài chuyện "trúng mánh" hãn hữu, người đi câu thả thường có mục đích giải trí nhiều hơn là kinh tế. Sau một tuần công việc căng thẳng, chủ nhật - một mình hay rủ thêm và bầu bạn - làm chuyến dã ngoại nho nhỏ ra bờ hồ, bờ sông. Móc mồi, thả câu, nhàn nhã "đợi chờ thời vận" giữa trời nước mênh mông - ta có thể thả hồn mơ mộng, bù khú với bạn bè, hay… làm thơ tùy thích. Thật là một cái thú tao nhã.
* Vĩ thanh
Câu cá đồng với mục đích mưu sinh quả chỉ còn là "chuyện xưa, tích cũ". Thời nay, người ta có những cách kiếm tiền nhanh hơn, hiệu quả hơn. Vả lại, muốn đi câu cũng chẳng còn cá đâu mà câu với kéo. Bao nhiêu chất độc hóa học nước thải công nghiệp cùng với những cách bắt cá mang tính hủy diệt có nguy cơ đưa tên lũ cá đồng vào … sách đỏ? Ôn lại chuyện câu cá đồng ngày trước, người viết chỉ muốn níu kéo, chia sẻ cùng độc giả chút dĩ vãng thân thương đã trở thành hoài niệm. Cuộc chơi nào chẳng phải trả giá. Tiếc rằng, đôi khi ta vội vàng, không tính kịp cái giá phải trả, để đến lúc té ngửa ra thì đã quá muộn!
. Y Nguyên |